Người 'sửa nhịp thời gian'

Nghề sửa đồng hồ - một nghề vốn vất vả, đòi hỏi không chỉ sự cẩn thận, tỉ mỉ và yêu cầu cao mà người thợ còn phải có sức khỏe và sự kiên trì. Trước đây nghề sửa chữa đồng hồ từng rất hưng thịnh, nhưng giờ đây chỉ còn níu chân những người thợ yêu nghề hoặc cố gắng làm sinh kế để duy trì cuộc sống.

(baophutho.vn) - Nghề sửa đồng hồ - một nghề vốn vất vả, đòi hỏi không chỉ sự cẩn thận, tỉ mỉ và yêu cầu cao mà người thợ còn phải có sức khỏe và sự kiên trì. Trước đây nghề sửa chữa đồng hồ từng rất hưng thịnh, nhưng giờ đây chỉ còn níu chân những người thợ yêu nghề hoặc cố gắng làm sinh kế để duy trì cuộc sống.

Trái ngược với không gian bên ngoài ồn ào, huyên náo cùng nhịp sống hiện đại sôi động, ông Trần Quốc Bình (56 tuổi, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì) – một người thợ có thâm niên hơn 30 năm vẫn hàng ngày cần mẫn, tỉ mỉ với vòng quay của kim giây, kim phút bên những chiếc đồng hồ đã hoen màu thời gian.

Bất kể nắng hay mưa, ông Bình vẫn ngày ngày có mặt tại “cửa tiệm” của mình. Nói là cửa tiệm nhưng đó chỉ là một chiếc tủ kính nhỏ đã đượm màu nắng mưa nằm khiêm tốn tại một góc của khu chợ Nông Trang. Mở hộc tủ lấy dụng cụ, máy móc bỏ lên trên kệ, đeo chiếc kính lúp nhỏ vào một bên mắt phải, cẩn thận mở nắp và vệ sinh chiếc đồng hồ hiệu Omega cũ đã ngừng sản xuất của tôi, ông Bình chia sẻ: “Với nghề sửa đồng hồ, khó có thể gọi ai là thợ giỏi hay không giỏi. Vì với họ, công việc này đòi hỏi sự kiên trì, độ khéo léo và quan trọng nhất là lòng đam mê”.

Đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày, ông Bình lại đẩy chiếc tủ kính ra dọn đồ đạc, dụng cụ, xếp những chiếc ghế nhỏ bên cạnh để cho khách tới sửa ngồi chờ lấy.

Góc làm việc của ông Bình là kìm, kéo, tuốc nơ vít, máy móc cùng những linh kiện nhỏ li ti chất chồng lên nhau. Đưa mắt nhìn từng món đồ nghề thân thuộc, ông Bình kể: “Tôi đến với nghề như một cái duyên. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, em tôi đi học nghề sửa đồng hồ nhưng không làm nghề mà chỉ lại cho tôi. Từ đó, tôi mày mò phát triển thêm rồi tôi quyết định sắm một cái tủ và ít dụng cụ để “ra nghề” từ năm 1989 cho đến tận bây giờ”.

Một chiếc đồng hồ với hơn 30 chi tiết nhưng không phải người thợ nào cũng có sẵn linh kiện để thay thế, sửa chữa cho khách. Vào những lúc rảnh rỗi, ông thường tự mày mò chế tạo linh kiện, tân trang lại những loại đồng hồ cũ rồi bán lại với giá rẻ để tăng thêm thu nhập.

Trong suốt 30 năm làm nghề, có lúc gặp “bệnh” khó chữa, ông phải sửa liên tục từ sáng tới tối để kịp ngày giao lại cho khách. Có những người mang tới sửa những chiếc đồng hồ rất cũ, mặt trên bị trầy xước hết, bộ máy hầu như chẳng còn sử dụng được gì nhưng họ vẫn muốn sửa. Có lẽ, chiếc đồng hồ đối với họ là một kỷ vật vô giá, khó phai theo thời gian.

Với người thợ sửa đồng hồ, dù nghề không phát triển như xưa, đôi khi mưu sinh chật vật nhưng họ vẫn luôn yêu và gắn bó với nghề. Họ vừa là “bác sỹ” cho những cỗ máy thời gian, vừa là cầu nối cho những ai yêu thích đồng hồ và những kỷ niệm xưa cũ.

Hà Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202112/nguoi-%E2%80%9Csua-nhip-thoi-gian%E2%80%9D-181649