Người tạc Bác Hồ độc nhất vô nhị: Một tài năng, một tấm lòng
Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Ông Phú Nguyên đã dành tất cả tài nghệ và tình cảm sâu nặng của mình để sáng tạo những tuyệt tác về Người.
ÐỘC ÐÁO, TINH XẢO, Ý NGHĨA
Tác phẩm Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay gia đình ông Phú Nguyên trân trọng đặt trên bàn thờ Bác là một bức phù điêu gò nổi bằng chất liệu đuya-ra. Hình ảnh Bác thật hồn hậu thân thương. Nếu biết rằng ông Phú Nguyên chủ yếu gò từ phía sau để tạo hình nhân vật phía trước, mới thấy hết tài nghệ độc nhất vô nhị của nghệ nhân. Với tác phẩm này, ông không chỉ là nghệ nhân tinh tế, mà còn là một nhà điêu khắc tài ba.
Nhưng có lẽ tác phẩm nghệ thuật kết tinh đỉnh cao tài nghệ của nhà điêu khắc, bàn tay tài hoa của nghệ nhân kim hoàn và tấm lòng kính yêu lãnh tụ, chính là tác phẩm Nhà quê ngoại Bác Hồ, cũng chế tác từ chất liệu đuya-ra. Từ một tấm đuya-ra dày, ông tạo ra tuyệt tác nghệ thuật có tới bốn lớp từ trong ra ngoài. Lớp trong cùng là hậu cảnh ngôi nhà, với rặng cây, có những cây cau vươn cao, trên bầu trời là đôi chim đang bay lượn thật thanh bình. Lớp thứ hai là hai mái nhà tranh, giản dị, thân thương. Lớp thứ ba là sân vườn, với cây bưởi đầu hồi, cây dâu trước sân, và hoa cỏ bao quanh. Lớp ngoài cùng là một cây cổ thụ bên cạnh rặng tre, như tỏa mát cho cả ngôi nhà.
Không thể hiểu nổi bằng cách nào mà trên tấm đuya-ra rất cứng và rất giòn, ông lại có thể tỉa tót được những chiếc lá tre mỏng tanh và nhỏ li ti như vậy. Tất cả, từ mái nhà, rặng cây, cây tre, hoa cỏ… đều rất sống động, tự nhiên và mềm mại.
Người nhà kể thời gian sáng tác tác phẩm này, ông hầu như “không rửa tay”, ngồi tỷ mẩn từ sáng đến tối, từ tối đến khuya, bên ngọn đèn dầu. Mỗi tối trước khi đi ngủ, mặt ông, đặc biệt là hai lỗ mũi dính đầy muội đèn dầu, đen kịt.
Đôi bàn tay vàng, tài nghệ xuất chúng, sự tỷ mẩn cầu kỳ đến kinh ngạc, nhưng nếu không có tấm lòng yêu kính sâu sắc với lãnh tụ, chắc chắn không thể có những tác phẩm nghệ thuật vô tiền khoáng hậu
như vậy.
CUỘC ÐỜITRẦM LUÂN NHƯNG TRỌN VẸN
Năm 1973, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, Hiệp định Paris được ký kết, thành phố Vinh hồi sinh từ hoang tàn đổ nát. Từ nơi sơ tán, các gia đình lục tục trở về. Nhưng lúc này chính sách quản lý vàng bạc của nhà nước chưa cho phép tư nhân kinh doanh. Năm 1980, Chợ Vinh mới được CHDC Đức (Đông Đức cũ) viện trợ xây dựng lại. Nhà nước dành hẳn một gian lớn phía trước để mở cửa hàng vàng bạc do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Những hộ kinh doanh vàng bạc lâu nay của thành phố được mời về đây cùng làm việc. Ông Phú Nguyên cũng được mời về, vừa làm thợ cả, vừa dạy nghề, kèm cặp cho các thợ mới.
Mặc dù tuổi đã cao, đồng lương chẳng bao nhiêu, nhưng được làm nghề, truyền nghề - một nghề đam mê theo đuổi cả đời, ông Phú Nguyên như trẻ và khỏe lại. Nghe tin ông trở lại làm nghề, nhiều khách hàng cũ tìm đến. Họ tìm đến thương hiệu Phú Nguyên bởi cái tâm, cái đức, bàn tay khéo léo tài hoa, nhờ ông những việc như giám định, cân thử tuổi vàng, sửa chữa và làm mới những món đồ trang sức bằng vàng bạc... Phần đông họ không tìm đến cửa hàng mà tìm đến nhà riêng. Không thể từ chối, ông đành nhận lời.
Vậy là ban ngày lo việc ở cửa hàng nhà nước, ngoài giờ và ban đêm ông lại cặm cụi làm việc nhà. Thời kì này, buổi tối đa phần mất điện, nhà chật, nóng bức nhưng ông vẫn chong đèn dầu kì cạch thâu đêm. Không chỉ thế, việc “làm tư” lúc này còn là điều cấm kị nên ông không quên cảnh giác. Cánh cổng ngôi nhà cũ của ông trong hẻm nhỏ ở đường Phan Đình Phùng hiện vẫn treo một chiếc chuông nhỏ. Chiếc chuông ngày đó không phải cho khách gọi cửa, chủ yếu để mỗi khi có khách đến kéo cổng thì chuông kêu, ông biết có người đến mà thu xếp để không lộ việc đang “làm việc tư”.
Cửa hàng vàng bạc của nhà nước ở Chợ Vinh cũng chỉ tồn tại được khoảng ba năm. Đến năm 1984, nhà nước thay đổi chính sách quản lý vàng bạc, cho phép tư nhân mở hiệu, dù danh nghĩa chỉ là “sửa chữa đồ trang sức vàng bạc”. Các ông chủ bà chủ rời cửa hàng nhà nước về mở lại cửa hiệu của gia đình mình. Phú Nguyên là thương hiệu uy tín lâu năm, nay hoạt động công khai trở lại.
Được tự do hành nghề và kinh doanh, một lần nữa ông lại có cơ hội phát huy tài năng, trí tuệ. Nhưng rồi hàng chục năm ăn uống kham khổ, làm việc vất vả trong môi trường độc hại, người thợ tài hoa, nghệ nhân kim hoàn và doanh nhân thành đạt Lê Văn Sợi - Phú Nguyên đã buông tay búa, qua đời năm 1987, để con cái nối nghiệp cho đến bây giờ. Ông Phú Nguyên có mười người con - bốn trai, sáu gái, tất cả đều phương trưởng thành đạt dù có nối nghiệp gia đình
hay không.
Tại một trong chuỗi năm cửa hiệu vàng mang thương hiệu “Phú Nguyên” ở Vinh hiện vẫn treo trang trọng một tờ hóa đơn hiệu vàng Phú Nguyên từ những năm 1950, mà gần bảy mươi năm sau, khách hàng đã mang vàng bán lại cho bổn hiệu, cùng với tờ hóa đơn đã ố vàng. Đó là một kỷ vật minh chứng cho chữ Tín. Gia tộc Phú Nguyên đã thừa nổi tiếng nhưng tấm lòng với đất nước, tình yêu Bác Hồ của họ thì không phải ai cũng biết để trân trọng.
Điều thú vị là hầu hết các tác phẩm của ông Phú Nguyên chế tác trên chất liệu đuya-ra đều lấy từ xác chiếc máy bay Mỹ thứ 300 bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Máy bay này do quân dân thành phố Vinh bắn rơi tại khu vực ga Vinh, vào ngày 25/7/1965.