Người tái hiện hồn buôn làng trên gỗ

Tại xã Ea Kao và Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), các tượng dân gian trên trụ cổng, trụ hàng rào, cánh cửa, cầu thang nhà dài, phù điêu ở các khu nhà vườn sinh thái... hầu hết do anh Y Ser Bkrông thực hiện. Những khuôn mặt đời, những bức tranh mang hơi thở cuộc sống sinh hoạt hiện lên, kể cho thế hệ tương lai câu chuyện của buôn làng vô cùng sống động.

Đam mê từ thuở thiếu thời

Y Ser Bkrông sinh năm 1985, tại buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, trong gia đình có 4 anh em trai. Lúc nhỏ, Y Ser hay cùng các bạn trong buôn chặt cây để làm đồ chơi. Có bạn làm xe, có bạn thì làm súng, còn Y Ser đẽo con voi. Đó là những kỷ niệm đầu đời cho nghề tạc tượng của Y Ser. Học hết lớp 9 thì Y Ser nghỉ học, theo mẹ vào rẫy tìm cây gỗ hoặc gốc cây nhỏ để đẽo, gọt làm các con vật. Năm 2005, Y Ser đăng ký học nghề chạm, khắc gỗ tại Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk. Qua hai năm miệt mài theo học, Y Ser ra trường và bắt đầu với những trải nghiệm từ thực tiễn.

 Nghệ nhân Y Ser Bkrông với đôi tay tài hoa tạc tượng gỗ.

Nghệ nhân Y Ser Bkrông với đôi tay tài hoa tạc tượng gỗ.

Năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức cuộc thi tạc tượng dân gian Tây Nguyên. Lần đầu tham gia cuộc thi, Y Ser rất bỡ ngỡ. Được sự động viên, khích lệ của người thân, Y Ser quyết tâm phải vượt lên chính mình để tham gia cuộc thi. Tác phẩm “Đôi chân trần” của Y Ser được Ban tổ chức đánh giá cao và được trao tặng giải nhì. Anh đã khắc họa hình ảnh người đàn ông với thân hình gầy gò, vác xà gạc lên rẫy. Đó chính là hình ảnh người cha thân yêu đã ăn sâu vào tâm trí của anh từ ngày thơ bé. Y Ser tâm sự: “Đó là lần đầu tôi tham gia cuộc thi và được giải. Năm 2017, ở Đắk Lắk tiếp tục có cuộc thi tạc tượng dân gian, tôi dự thi với tác phẩm “Tâm tư già làng” với ý tưởng ông già ngồi bên mái hiên nhà sàn, suy tư như đang nghĩ về một vấn đề nào đó. Tại cuộc thi, tôi cùng một số nghệ nhân được UBND tỉnh trao bằng công nhận nghệ nhân”.

Qua các cuộc thi, Y Ser học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những đồng nghiệp. Anh được đi nhiều tỉnh, thành phố như: Đà Lạt, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum... để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân nhằm nâng cao tay nghề và tạo việc làm cho chính mình. Ông Hoàng Ngọc Mẫn, chủ hai khu nhà vườn sinh thái ở xã Ea Tu cho biết: “Năm 2022, Y Ser dành gần hết thời gian cho việc tạc tượng trưng bày tại khu du lịch của tôi. Tôi rất thích cách làm việc và hài lòng với những tác phẩm của Y Ser, hầu hết bức tượng đều rất có hồn”.

Hướng đến du lịch cộng đồng và bảo tồn văn hóa

Với tài năng của mình, đã có nhiều nghệ nhân đánh giá Y Ser Bkrông là nghệ nhân trẻ, tài hoa, trưởng thành nhờ siêng năng, chịu khó học hỏi, kết hợp tố chất bẩm sinh, giàu ý tưởng sáng tạo. Y Ser có khả năng tái hiện đời sống buôn làng lên gỗ. Từ những khúc gỗ vô tri, qua đôi tay khéo léo của anh trở thành các tác phẩm sống động kể về những câu chuyện của buôn làng.

Không chỉ giỏi tạc tượng, Y Ser còn biết đánh chiêng, nấu rượu cần, nấu các món ăn truyền thống của dân tộc. Y Ser cho biết, hiện nay, anh đi làm theo lời mời của khách hàng ở khắp nơi, đến đâu anh cũng để mắt tìm kiếm những thanh niên trẻ đam mê nghề tạc tượng để truyền nghề. Cùng với gia đình, Y Ser còn mở thêm khu lưu trú và trải nghiệm homestay để phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, mong muốn giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình đến với du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, Y Ser vẫn luôn trăn trở, bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa các dân tộc Tây Nguyên là vấn đề rất cấp thiết, trong đó không chỉ có cồng chiêng, dệt thổ cẩm mà loại hình chạm, khắc, tạc tượng cũng không thể thiếu... Vì vậy cần phải có những thế hệ nối tiếp, cùng với đó là chính sách hỗ trợ, vận động lớp trẻ tham gia. Với suy nghĩ đó, hằng ngày, nghệ nhân Y Ser Bkrông vẫn đến bảo tàng và các khu du lịch ở Đắk Lắk lặng lẽ đục, gõ, gửi hồn buôn làng vào những phiến gỗ để bảo tồn văn hóa dân tộc mình.

Nhận xét về nghệ nhân Y Ser Bkrông, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kdăm cho biết: “Y Ser Bkrông là niềm tự hào của buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, là vốn quý trong các nghệ nhân tạc tượng của Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Y Ser là nghệ nhân trẻ có đôi tay vàng. Giàng cho ai nấy được và Y Ser là một trong số ít ấy”.

Bài và ảnh: TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/dien-hinh-kinh-nghiem/nguoi-tai-hien-hon-buon-lang-tren-go-728783