Người tâm huyết với công tác biên soạn lịch sử đảngTin khácNgành dân số Lạng Sơn: 60 năm xây dựng và phát triểnĐội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đến đầu năm 2020, 100% xã, thị trấn của Hữu Lũng đã hoàn thành việc xuất bản lịch sử đảng bộ. Kết quả này ghi nhận những đóng góp không nhỏ của ông Nguyễn Hữu Phúc (sinh năm 1961), nguyên chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Trong 10 năm qua, ông Phúc đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn các cuốn lịch sử đảng bộ trên địa bàn.

Năm 1986, sau khi xuất ngũ, ông Phúc bắt đầu công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hữu Lũng. Trong hơn 20 năm công tác tại ban, ông phụ trách tham mưu công tác khoa giáo, giáo dục lý luận chính trị, dư luận xã hội… Từ năm 2007 đến năm 2021, ông Phúc được giao nhiệm vụ tham mưu công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, nguyên chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hữu Lũng

Ông Nguyễn Hữu Phúc, nguyên chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hữu Lũng

Hơn 10 năm “bén duyên” với nghề viết lịch sử đảng, ông Phúc đã tham gia viết bản thảo cho 26 cuốn lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn và 8 cuốn kỷ yếu, lịch sử truyền thống các ngành trên địa bàn. Ngoài ra, ông cũng tham gia biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Hữu Lũng (1986 – 2015). Với những đóng góp ấy, tháng 4/2021, ông Nguyễn Hữu Phúc được nhận bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.

Mặc dù không được đào tạo chuyên ngành lịch sử song với đam mê lịch sử và viết lách ông Phúc đã tự học hỏi, nghiên cứu từ hàng chục cuốn lịch sử xã đã xuất bản của tỉnh Lạng Sơn, của tỉnh Bắc Giang để hiểu kết cấu, cách viết một cuốn sách. Để viết được bản thảo một cuốn sử, ông đã dành nhiều thời gian sưu tầm sau đó xử lý, sắp xếp tư liệu theo trật tự phù hợp với ý tưởng của mình về cuốn sách. Đặc biệt, ông thường có thói quen ghi chép sổ tay những chi tiết nổi bật khắc họa nét đặc trưng trong lịch sử từng đảng bộ cơ sở, bởi theo ông, cái khó nhất trong quá trình biên soạn lịch sử là tìm được nét đặc trưng riêng, sự chính xác ở từng đơn vị và đặt nó trong tổng thể lịch sử chung của địa phương.

Trong hơn 10 năm gắn bó với công việc này, ông Phúc có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đơn cử như khi viết bản thảo cuốn sách đầu tiên (Lịch sử Đảng bộ xã Tân Thành (1940 – 2005)), bấy giờ chưa có kinh nghiệm nên ông Phúc đã mất gần 1 năm vừa viết vừa bổ sung bản thảo. Khi đọc được một sự kiện quan trọng hoăc khi muốn tìm hiểu rõ bối cảnh diễn ra một sự kiện, ông lại rong ruổi trên chiếc xe máy cá nhân tìm về xã để gặp gỡ nhân chứng hoặc tìm đến các kho tư liệu đọc các cuốn sách liên quan.

Ông Phạm Công Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Hữu Lũng cho biết: Đồng chí Phúc là người trách nhiệm, tận tụy trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong công tác biên soạn lịch sử đảng, chúng tôi tin tưởng giao phó và tạo mọi điều kiện để đồng chí hoàn thành tốt công việc. Với sự tâm huyết, nhiệt tình, đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng của huyện.

Tháng 9/2021, ông Phúc đã nghỉ hưu sau hơn 30 năm công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hữu Lũng. Về với căn nhà nhỏ của mình, hằng ngày, ông vẫn dành thời gian nghiên cứu các tài liệu và tích cực phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, các trường học khai thác hiệu quả các cuốn lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn.

PHƯƠNG VY

TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/470888-nguoi-tam-huyet-voi-cong-tac-bien-soan-lich-su-dang.html