Người tâm thần gây án ở Hải Phòng bị xử lý như thế nào?
Đó là câu hỏi nhiều bạn đọc quan tâm khi thời gian gần đây người tâm thần có những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng…
Ngày 14/1, lãnh đạo UBND xã Thủy Triều (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ án mạng thương tâm. Theo thông tin ban đầu, khoảng 10h ngày 13/1, bà Lê Thị P. (SN 1975, trú thôn 7, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên) bị con trai tên Phùng Văn Thắng (SN 1993) cầm dao và gạch vỡ sát hại.
Thời điểm trên, bà P. đang nấu cơm trong bếp thì bất ngờ bị Thắng cầm dao chém vào tay nên bà bỏ chạy sang nhà hàng xóm cầu cứu. Khi bà chạy được 10m thì bị Thắng đuổi kịp, cầm dao và nửa viên gạch đánh vào sau gáy, làm bà ngã gục xuống đất.
Chưa dừng lại ở đó, nghịch tử tiếp tục cầm nửa viên gạch hành hùng mẹ đến khi tử vong mới dừng tay. Chứng kiến sự việc, một số người dân sợ hãi không dám vào can ngăn.
Nhận được tin báo, Công an xã Thủy Triều và Công an huyện Thủy Nguyên cùng các phòng nghiệp vụ Công an TP Hải Phòng đã có mặt tại hiện trường, bắt giữ nghi phạm Phùng Văn Thắng.
Theo lãnh đạo UBND xã Thủy Triều, đối tượng Thắng có biểu hiện trầm cảm, thần kinh, trước đó đã nhiều lần được đưa đi điều trị tâm thần. Thắng ở cùng bố mẹ tại nhà riêng ở xã Thủy Triều. Tuy nhiên, thời điểm Thắng ra tay đánh mẹ, chồng bà P. không có nhà.
Nhiều bạn đọc thắc mắc, trường hợp người con bị tâm thần sát hại mẹ thì sẽ bị xử lý ra sao? Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, điểm mấu chốt trong vụ án này là phải giám định tâm thần để xác định Nguyễn Văn Long có bị tâm thần hay không. Nếu có căn cứ về việc đối tượng Long có biểu hiện mắc bệnh tâm thần, bệnh khác có thể làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình thì cơ quan điều tra cần phải tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với Phùng Văn Thắng .
Ngoài trưng cầu giám định tâm thần cơ quan chức năng cũng sẽ khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, tang vật, thu thập lời khai của những người liên quan, thu thập dữ liệu camera (nếu có), thu thập thông tin về tiền sử bệnh lý từ gia đình đối tượng, xác định rõ nhân thân đối tượng thực hiện hành vi vi phạm.
Luật sư Thái viện dẫn, nếu giám định pháp y tâm thần kết luận trong khi gây án Long bị bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì Long không phải chịu trách nhiệm hình sự (thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 21, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015). Trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Long.
Tuy nhiên, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không thì cơ quan chức năng sẽ đưa đối tượng đi trưng cầu giám định, bởi đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại tại khoản 1, Điều 206, BLTTHS năm 2015.
Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì VKSND hoặc Tòa án căn cứ vào kết quả này đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.
Và cũng không phải trong mọi trường hợp người bị bệnh tâm thần đều không phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo tinh thần của Điều 21, BLHS năm 2015, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh. Đồng thời, tình trạng bệnh ở mức làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi.
Còn nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì có thể vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 49, BLHS năm 2015. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần để ra quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi người đó khỏi bệnh thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Do đó, pháp luật chỉ quy định trường hợp mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức thì mới được loại trừ trách nhiệm hình sự. Còn đối với trường hợp chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng khi lượng hình thì có thể được giảm nhẹ một phần do bệnh lý tác động, ảnh hưởng tới hành vi phạm tội.
Hiện nay trên thực tế ranh giới để xác định mắc bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội hay sau khi thực hiện hành vi phạm tội đôi khi rất mong manh, CQĐT phải thực hiện các nghiệp vụ điều tra một cách kỹ lưỡng, thận trọng. Đối với những trường hợp người mắc bệnh tâm thần ra tay sát hại người thân, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu gia đình của những người tâm thần có các biện pháp đưa người bệnh đi chữa bệnh cách ly kịp thời.