Người Tây Nguyên gìn giữ phong tục kết nghĩa anh em

Kết nghĩa anh em giữa các cá nhân, gia đình, dòng họ, buôn làng là một phong tục đẹp được gìn giữ, lan tỏa trong nhiều buôn làng người Ê Đê ở Tây Nguyên. Thông qua việc kết nghĩa, các cá nhân, gia đình gắn bó, yêu thương, đỡ đần lẫn nhau.

Kết nghĩa để giúp nhau xây dựng đời sống ấm no

Theo truyền thống của đồng bào Ê Đê ở Tây Nguyên, người này kết nghĩa với người kia, dòng họ này kết nghĩa với dòng họ khác… thông qua một buổi lễ thường được tổ chức trong những căn nhà dài truyền thống của người Ê Đê, có sự chứng kiến của nhiều người trong buôn làng.

Các thực phẩm cần có trong lễ kết nghĩa là 10 ché rượu cần, 1 con heo thiến, 2 con gà, gạo nếp và các gia vị bày thành mâm cúng.

Khi các nghệ nhân cồng chiêng, người có uy tín, họ hàng, hàng xóm đến đầy đủ thì lễ kết nghĩa bắt đầu.

Đầu tiên, thầy cúng khấn bẩm báo, mời các thần linh, ông bà tổ tiên về chứng giám cho lễ kết nghĩa giữa cá nhân hoặc dòng họ với nhau.

Tiếp theo, thầy cúng báo cho trời, đất, kể từ buổi lễ kết nghĩa này hai người kết nghĩa sẽ như anh em ruột thịt, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, thương yêu, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, bảo ban nhau làm ăn, xây dựng đời sống ấm no.

Các nghệ nhân đánh cồng chiêng mở đầu cho các buổi lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê ở Tây Nguyên.

Các nghệ nhân đánh cồng chiêng mở đầu cho các buổi lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê ở Tây Nguyên.

Hai dòng họ hoặc hai cá nhân khi đã kết nghĩa với nhau xong mà xích mích lẫn nhau sẽ bị phạt 2 - 3 con heo hoặc 1 con trâu hay 1 con bò.

Trong buổi lễ kết nghĩa, nghi thức trao vòng đồng cho người được kết nghĩa cũng không thể thiếu. Người Ê Đê quan niệm, vòng đồng tượng trưng cho sự gắn kết bền vững.

Nghi thức kết nghĩa anh em của người Ê Đê, sau khi kết nghĩa hai bên sẽ yêu thương, đỡ đần lẫn nhau.

Nghi thức kết nghĩa anh em của người Ê Đê, sau khi kết nghĩa hai bên sẽ yêu thương, đỡ đần lẫn nhau.

Kết thúc nghi thức cúng kết nghĩa, thầy cúng sẽ mời người được kết nghĩa và những người chứng kiến, người có uy tín trong buôn làng thưởng thức các món ăn trong mâm cơm cúng và uống rượu cần chung vui.

Kết thúc lễ kết nghĩa, mọi người cùng thưởng thức rượu cần chung vui.

Kết thúc lễ kết nghĩa, mọi người cùng thưởng thức rượu cần chung vui.

Ông Y Thôn Niê (Buôn Mlăng, xã Ea Tar, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) sau khi kết nghĩa với bà H'Djuăn Niê (trú cùng xã) vui mừng chia sẻ, kết nghĩa anh em rồi thì có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau. Lúc ốm đau, bệnh tật người anh khỏe mạnh thì giúp người em và ngược lại. Các dòng họ sau khi kết nghĩa cũng thế, dòng họ này giúp đỡ dòng họ kia lúc khó khăn, hoạn nạn, hỗ trợ nhau xây dựng đời sống ấm no, buôn làng giàu đẹp.

Không chỉ ở huyện Cư M'gar mà tại xã EaTu, (TP Buôn Ma Thuột) và nhiều buôn làng người Ê Đê khác ở Đắk Lắk; Đắk Nông…cũng thường xuyên tổ chức lễ kết nghĩa anh em với nhau. Từ đó, tình cảm giữa các gia đình, dòng họ, buôn làng trở nên thân thiết, xóa bỏ mọi hiềm khích.

Xem việc kết nghĩa anh em giữa cá nhân, gia đình, dòng họ người Ê Đê là nét đẹp cần gìn giữ nên những ngày giữa tháng 12 này, tại Buôn Kmrơng Prong B (xã EaTu, TP Buôn Ma Thuột), chính quyền địa phương cũng đã trình diễn lễ kết nghĩa anh em cho người dân, khách du lịch trong và ngoài nước cùng thưởng thức.

Tại lễ kết nghĩa, người Ê Đê còn trình diễn nhạc cụ truyền thống đặc sắc cho mọi người cùng xem.

Tại lễ kết nghĩa, người Ê Đê còn trình diễn nhạc cụ truyền thống đặc sắc cho mọi người cùng xem.

Theo ông Võ Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Buôn Ma Thuột, lễ kết nghĩa anh em có ý nghĩa nhân văn, mang tính giáo dục cộng đồng. Kết nghĩa nhằm mục đích làm cho hai người lạ kết thành đôi bạn thân thiết, tình cảm gắn kết đến đời con, đời cháu.

Lễ kết nghĩa còn góp phần giúp thế hệ trẻ tìm hiểu, tiếp cận phong tục, tập quán truyền thống của cha ông, từ đó biết giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Chính quyền địa phương cũng thường xuyên khuyến khích, động viên bà con giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa này.

Trình diễn nhạc cụ truyền thống đặc sắc của đồng bào Ê Đê sau một buổi lễ kết nghĩa anh em.

Đông Hưng-Hương Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-tay-nguyen-gin-giu-phong-tuc-ket-nghia-anh-em-169231219131229944.htm