Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được bổ sung thêm một số chế độ, như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, chế độ thai sản, thay vì chỉ có hai quyền lợi là hưu trí và tử tuất như luật hiện hành…
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm có hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật sửa đổi, đã bổ sung thêm nhiều chế độ để tăng quyền lợi cho người tham gia.
MỞ RỘNG QUYỀN LỢI THỤ HƯỞNG
Theo đó, người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, sẽ được hưởng các chế độ gồm: Trợ cấp thai sản; hưu trí; tử tuất; bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm thất nghiệp có các chế độ theo quy định của Luật Việc làm, và bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Để được hưởng các chế độ, hằng tháng, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ đóng bằng 22% mức thu nhập vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Bên cạnh đó, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hiện nay, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng, theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 30%, 25%, 10%, theo thứ tự từng nhóm đối tượng tương ứng là thuộc hộ nghèo, thuộc hộ cận nghèo, và các đối tượng khác.
Nhà nước cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Về phương thức đóng, hiện dự thảo luật quy định, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được lựa chọn đóng hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần.
Họ cũng có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau, với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng, hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng.
Thời điểm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động được quy định như sau: Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng; trong 3 tháng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần; trong 4 tháng đầu đối với phương thức đóng 6 tháng một lần; trong 7 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
Thời điểm đóng một lần cho thời gian còn thiếu sớm nhất là tháng trước liền kề tháng người lao động đủ tuổi nghỉ hưu.
CẦN TĂNG THÊM MỨC HỖ TRỢ ĐỂ THU HÚT NGƯỜI THAM GIA
Ngoài ra, tại điều khoản chuyển tiếp của dự thảo Luật cũng quy định thêm nội dung, đó là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước 1/1/2021 và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên, thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ. Trừ trường hợp người lao động có nguyện vọng hưởng lương hưu theo tuổi quy định.
Như vậy, so với Bộ luật Lao động năm 2019 về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, những người này sẽ được về hưu sớm hơn 2-5 năm so với người tham gia sau ngày 1/1/2021.
Cụ thể, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, từ năm 2021 trở đi, tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam, và 60 tuổi đối với nữ.
Theo cơ quan soạn thảo, việc tăng thêm các quyền lợi nhằm góp phần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vốn được cho là chưa đủ hấp dẫn.
Tuy nhiên thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu cũng cho rằng cần tăng thêm mức hỗ trợ cho người tham gia.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đoàn tỉnh Cà Mau cho biết theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức hỗ trợ đối với nhóm lao động yếu thế, khu vực nông thôn hiện nay là quá thấp.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đã có bước phát triển, vì vậy đại biểu đề nghị dự thảo Luật sửa đổi lần này cần bổ sung quy định về việc nâng mức hỗ trợ của Nhà nước lên cao hơn, để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn.
Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn tỉnh Kon Tum cũng nhìn nhận việc tăng thêm chế độ được hưởng là một giải pháp quan trọng nhưng yếu tố cũng cần thiết nữa là đề nghị Chính phủ cũng như Ban soạn thảo chú ý đến việc tăng mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo đại biểu, hiện nay mức hỗ trợ là 30% cho người nghèo, 25% cho người cận nghèo và 10% cho đối tượng khác vẫn còn thấp.
“Tôi thấy cần phải tăng mức hỗ trợ này lên, nhất là những đối tượng được hỗ trợ 10% vì họ sẽ thấy được quyền lợi sát sườn nhất, từ đó sẽ tích cực tham gia hơn”, đại biểu Tô Văn Tám cho hay.
Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tế cũng cho thấy nếu không có hỗ trợ đáng kể từ Nhà nước, thì tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn thấp.