Người tham gia BHYT thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh thế nào?
Cơ quan BHXH thực hiện thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu của người tham gia trên cơ sở dữ liệu thẻ BHYT. Trường hợp thông tin trên thẻ BHYT bản giấy và bản điện tử khác nhau thì thực hiện theo thông tin trên thẻ BHYT điện tử.
Thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh BHYT ban đầu trong 15 ngày đầu của mỗi quý
Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cấp ban đầu hoặc cấp cơ bản; có quyền thay đổi cơ sở khám, chữa bệnh BHYT ban đầu trong 15 ngày đầu của mỗi quý.
Việc phân bổ số lượng thẻ BHYT cho cơ sở y tế bảo đảm cân đối, phù hợp với nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu của người dân, khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và khả năng thực tế tại địa phương.
Hiện nay, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được chia thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật gồm:
Cấp ban đầu (trạm y tế, phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực…).
Cấp cơ bản (các bệnh viện tỉnh trước đây và một số bệnh viện huyện hiện nay được xếp cấp cơ bản có số điểm dưới 70).
Cấp chuyên sâu (cấp cao nhất, như bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện hạng đặc biệt…).
Theo Bộ Y tế, người dân sẽ chủ yếu đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở cơ sở y tế cấp ban đầu, một phần ở cấp cơ bản, hạn chế đăng ký ở cấp chuyên sâu.

Khám chữa bệnh cho người dân tại trạm y tế xã Phiềng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh Thái Bình.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết việc đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu chủ yếu ở cơ sở y tế cấp ban đầu (gần nơi cư trú, làm việc, học tập và phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ sở để đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu), một phần ở cấp cơ bản, hạn chế đăng ký ở cấp chuyên sâu. Điều này sẽ góp phần tăng cường khám chữa bệnh BHYT ở tuyến y tế cơ sở.
Trường hợp người đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu (tại cơ sở y tế cấp chuyên sâu và cấp cơ bản) khi khám, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu do thay đổi nơi tạm trú, nơi lưu trú thì được khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế cấp cơ bản phù hợp với nơi tạm trú, lưu trú mới và được quỹ BHYT thanh toán như đúng tuyến.
Người tham gia BHYT thay đổi nơi cư trú dưới 30 ngày, đã thực hiện khai báo thông tin lưu trú theo quy định khi khám chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu sẽ được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh.
Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ hè, đối tượng người lao động trong thời gian nghỉ phép tại gia đình…
Quy định này cũng áp dụng với các trường hợp: người đi công tác đến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác; người lao động tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ phép tại gia đình; người làm việc lưu động tại tỉnh khác; người đi đến tỉnh khác để thăm thành viên gia đình theo quy định...
Những trường hợp này đều phải cung cấp thông tin về lưu trú đã cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID.
Trường hợp thay đổi nơi tạm trú, người tham gia BHYT xuất trình cho cơ sở khám, chữa bệnh BHYT một trong các giấy tờ chứng minh thông tin về thay đổi nơi tạm trú.
Trong 5 ngày phải trả kết quả cấp thẻ BHYT giấy/ điện tử cho người tham gia
Liên quan đến thẻ BHYT, BHXH Việt Nam mới đây thông tin, từ ngày 1/6 chỉ thực hiện cấp mới thẻ BHYT giấy đối với các trường hợp không thể cài đặt VssID, VNeID và không có căn cước công dân có gắn chip.
Trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế đang lấy ý kiến về thủ tục cấp thẻ BHYT cho người dân. Bộ Y tế nêu rõ cơ quan BHXH có trách nhiệm cấp cho từng người tham gia BHYT thẻ BHYT điện tử. Trường hợp người tham gia BHYT đề nghị thì cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT bản giấy.
Trường hợp cấp thẻ BHYT điện tử, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan BHXH trả kết quả thẻ BHYT điện tử vào tài khoản VNeID, ứng dụng VssID, email.
Người tham gia BHYT sử dụng thiết bị điện tử có cài đặt VNeID hoặc VssID có kết nối Internet để nhận thẻ BHYT điện tử.
Trường hợp cấp thẻ BHYT bản giấy, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan BHXH chuyển thẻ BHYT bản giấy cho người tham gia BHYT hoặc tổ chức quản lý đối tượng để chuyển lại cho người tham gia BHYT.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, việc cấp BHYT thực hiện liên thông cùng với thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú theo quy định của Chính phủ.