Người thân nhạc sĩ Trần Tiến phủ nhận thông tin ông bị ung thư vòm họng
Ngay sau khi thông tin nhạc sĩ Trần Tiến bị ung thư vòm họng, rất nhiều nghệ sĩ cũng như khán giả lo lắng cho bệnh tình của ông. Tuy nhiên, chính con gái nhạc sĩ đã xác nhận ông không bị ung thư mà chỉ là đi chữa mắt.
Chia sẻ thông tin với truyền thông, người thân của nhạc sĩ Trần Tiến cho biết là nhạc sĩ chỉ bị yếu một bên mắt và trước đó lên TP.HCM chữa bệnh rồi về Vũng Tàu để nghỉ ngơi. "Thông tin tôi nhận được từ gia đình là chú Trần Tiến bị yếu một mắt nên lên Sài Gòn điều trị. Hiện chú đã ra viện và trở lại Vũng Tàu dưỡng bệnh", ca sĩ Trần Thu Hà chia sẻ.
Cũng từ thông tin nhạc sĩ Trần Tiến bị bệnh ung thư vòm họng trước đó, một số chuyên gia đã cho biết căn bệnh này là bệnh đứng đầu trong các bệnh ung thư đầu cổ và thứ 5 trong các loại bệnh ung thư nói chung. Bệnh phát hiện sớm có thể điều trị dứt điểm với phương pháp trúng đích. Tuy nhiên, theo GS.TS Mai Trọng Khoa - nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều người thường đi khám, điều trị khi đã ở giai đoạn muộn do bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo sớm ban đầu.
Ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ thấy nhức đầu lan tỏa, âm ỉ, ù tai đa số một bên như tiếng ve kêu và ngạt mũi. Thông thường các dấu hiệu này chỉ ở một bên, lúc nặng lúc nhẹ và nhiều khi bệnh nhân xì ra cả máu mũi. Khi đã ở giai đoạn muộn, các khối u tăng dần về kích thước, xâm lấn ra xung quanh khiến người bệnh đau đầu dữ dội, ù tai tăng dần, nghe kém, giảm thích lực, có thể điếc; ngạt mũi liên tục, kèm chảy máu mũi, việc điều trị thông thường không còn đáp ứng.
Theo GS.TS Mai Trọng Khoa cho hay, để phòng bệnh ung thư vòm họng mọi người cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau, quả tươi, tránh lạm dụng các thực phẩm chế biến lên men trên. Người bệnh cần điều trị sớm những viêm nhiễm đường mũi họng. Việc thăm khám định kỳ sẽ giúp sớm phát hiện bệnh, nhất là ở những gia đình có người thân bị ung thư. Người bệnh sẽ được chẩn đoán ung thư vòm họng dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, soi vòm họng kết hợp các xét nghiệm mô bệnh học… Do đó, khi thấy những triệu chứng ngạt mũi, ù tai, nổi hạch cổ một bên tăng dần cần thăm khám để phát hiện, điều trị kịp thời giúp tiên lượng tốt.