Người thanh niên khuyết tật không lùi bước trước khó khăn
Khác với nhiều người bị khuyết tật bẩm sinh, năm 12 tuổi, Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1988, Thôn 6, xã Nhật Tân (Kim Bảng), Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam mới bị khuyết tật dạng teo cơ. Xuân được bố mẹ cho đi chữa trị nhiều nơi nhưng không có kết quả, đành phải bỏ dở dang việc học hành khi đang học lớp 9. Không tự ti, mặc cảm với bản thân, bằng sự nỗ lực vượt lên trở ngại bệnh tật, Nguyễn Thị Xuân không chỉ chủ động được cuộc sống, mà còn giúp được nhiều người có cùng cảnh ngộ tự tin vươn lên; đồng thời, sẵn sàng giảm bớt thu nhập để dành thời gian tham gia công tác hội.
Trong câu chuyện chị Xuân kể: Bố mẹ em sinh được 3 người con, hai trai, một gái; trong đó, hai chị em cùng bị bệnh theo gen bố (bị teo cơ), chỉ còn em thứ 3 lành lặn và được học hành, là kiến trúc sư. Bố em năm 30 tuổi phát hiện bị bệnh teo cơ không thể chữa, chỉ ngồi một chỗ; mẹ em đồng áng tất tả nuôi cả nhà, cuộc sống gia đình bế tắc, có thời gian bị trầm cảm. Điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, cơm không đủ no. Em buồn lắm! Sau nhiều tháng ngày suy nghĩ miên man, dù khi ấy em còn nhỏ, song luôn nghĩ mình không thể buông xuôi khi mẹ đang tần tảo nuôi cả nhà. Em đã quyết tâm học và làm nghề mây giang đan.
Tuy nhiên, năm 2009 nghề mây giang đan không còn phát triển, không có việc làm, cộng với sức khỏe ngày càng giảm sút, em không đan mây giang nữa. Hai chị em quyết tâm xin theo học nghề và được bố mẹ đồng ý. Em trai theo học nghề tại trường cao đẳng, còn em học nghề Tin học văn phòng tại Nam Định, trong Mái ấm Dolbosco, được Đức cha nuôi nấng. Thành nghề, em được nhận vào làm việc tại Công ty cổ phần Pixelvn và được công ty dạy nghề sửa chữa ảnh, chuyên làm ảnh đám cưới. 14 năm em gắn bó với nghề làm ảnh cưới, có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống bản thân và một phần phụ giúp bố mẹ. 5 năm trở lại đây em không làm ảnh cưới nữa, mà chỉ làm ảnh quảng cáo trên mạng cho Công ty Pixelvn và làm việc ngay tại nhà, thu nhập vẫn ổn, khoảng 6 - 9 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Xuân thực hiện thao tác sửa ảnh quảng cáo trên máy tính. Ảnh: Trần Linh
Công việc ổn định, công ty tin tưởng, không còn phải nghĩ nhiều đến thu nhập, nhưng chị Xuân trăn trở chẳng biết sức khỏe mình ra sao, còn được đến bao giờ. Vì vậy, em suy nghĩ mình phải làm việc gì đó để giúp cho các bạn cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đầu năm 2019 em tham gia công tác hội, là thành viên Ban Vận động, sáng lập CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam; được bầu làm Phó Chủ nhiệm CLB, đảm nhận thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực và phát triển tổ chức Hội NKT Việt Nam” (CODV). Đồng thời là Ủy viên BCH Hội NKT huyện Kim Bảng, đảm nhiệm công tác kế toán, thư ký Văn phòng hội. Tham gia công tác hội, mặc dù không có thù lao, thu nhập từ việc làm hằng ngày giảm đi một nửa, song em vẫn thấy rất vui vì mình làm được nhiều việc giúp ích cho cộng đồng NKT.
Thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát, chị Xuân luôn tận tâm với công tác hội. Là thành viên trong nhóm giảng viên nguồn (TOT) của dự án DHF CODV3, góp phần nâng cao năng lực bản thân và hỗ trợ phát triển tổ chức hội; tích cực tham gia công tác thiện nguyện vận động hỗ trợ được 40 chiếc xe lăn, quà Tết với tổng giá trị hơn 150 triệu đồng; vận động nguồn nhu yếu phẩm giúp bệnh nhân Bệnh viện Phong Ba Sao, hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện với số tiền trên 50 triệu đồng; năm 2020 vận động ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt gần 6 triệu đồng; năm 2022 vận động được hơn 34 triệu đồng giúp đỡ gia đình hội viên không may gặp tai nạn. Riêng dịp Xuân Giáp Thìn năm 2024 này, Xuân đã vận động được 25 suất quà, trị giá 500 nghìn đồng/suất trao tặng các hội viên trong CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh; cùng Thường trực Hội NKT huyện Kim Bảng vận động được 30 suất quà, trị giá 300 nghìn đồng/suất và 20 suất, trị giá 250 nghìn đồng/suất trao tặng các hội viên NKT có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay cộng tác thành lập nhóm làm online tại nhà gồm 6 thành viên là NKT trong tỉnh và ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An…, với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Xuân còn tích cực tham gia công tác đoàn tại địa phương và các sự kiện từ thiện, nhân ái…
Không tự ti mặc cảm, không chịu lùi bước, nỗ lực vượt khó, tích cực tham gia công tác hội và các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ được nhiều người cùng cảnh ngộ vươn lên hòa nhập cộng đồng, bảo đảm cuộc sống, chị Nguyễn Thị Xuân nhiều lần được các cấp, ngành, hội khen thưởng; xứng đáng được vinh danh trong Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023.