Người 'thắp lửa' và 'giữ lửa' cho gia đình

Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ngàn năm văn hiến, tạo dựng nên truyền thống, bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống của phụ nữ Việt Nam nói riêng. Phụ nữ là một lực lượng quan trọng và đông đảo trong đội ngũ những người lao động.

Ngày nay, phụ nữ Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò quan trọng của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiếp nối truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay, chị em phụ nữ đã và đang tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội như tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại… Ngày càng có nhiều người trở thành nhà chính trị, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động, những lĩnh vực trước đây thường chỉ dành cho nam giới.

Gia đình được coi là tế bào của xã hội, người phụ nữ được coi là hạt nhân của tế bào này. Người phụ nữ luôn giữ vai trò trọng yếu trong việc điều hòa các mối quan hệ trong gia đình. Gia đình có được ấm êm, hạnh phúc cũng là nhờ sự khéo léo của chị em. Chị em phụ nữ không chỉ chăm lo cho gia đình về vật chất mà còn là người thắp lên ngọn lửa tình yêu, niềm tin cho mỗi thành viên trong gia đình. Cho dù theo thời gian, chuẩn mực về người phụ nữ có những điều chỉnh phù hợp, song vai trò “thắp lửa” và “giữ lửa” cho gia đình của người phụ nữ thì không bao giờ thay đổi. Gia đình chính là nơi thể hiện thực chất sự bình đẳng và nâng cao vị thế của người phụ nữ. Người phụ nữ của thời hiện đại càng không thể tách rời với thực tế gia đình và xã hội.

Có thể nói, trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ có vai trò rất lớn. Hiện nay, những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại đã phần nào hỗ trợ người phụ nữ trong công việc nội trợ, giảm bớt sức lao động của người phụ nữ trong gia đình. Song, phụ nữ vẫn là người làm chính công việc nhà, từ việc bếp núc tới việc dạy dỗ con cái, chăm lo đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình. Cùng với thời gian làm việc ngoài xã hội, quỹ thời gian dành cho việc hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, việc học tập nâng cao trình độ kiến thức của phụ nữ vẫn còn bị hạn chế, thậm chí ở một số chị em như công nhân, làm ăn buôn bán, lao động phổ thông... quỹ thời gian này rất hiếm hoi.

Để vượt qua những rào cản, đi tới thành công thì những người phụ nữ phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Để khẳng định vai trò của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời thích ứng với xu thế hội nhập và phát triển chung của nhân loại, đòi hỏi chị em phụ nữ phải nỗ lực nhiều mặt, cả về tri thức, văn hóa cũng như kỹ năng sống; biết đối mặt với áp lực để vượt qua và vươn lên trong cuộc sống. Mỗi chị em đều phải biết cách sắp xếp công việc xã hội và công việc gia đình một cách hợp lý.

Trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại, người phụ nữ đã và đang cố gắng thực hiện hài hòa hai vai (việc nhà, việc nước) để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa bảo toàn hạnh phúc gia đình. Trong bộn bề công việc, nền kinh tế bắt đầu ăn sâu vào mỗi cuộc sống gia đình, nếu như người phụ nữ không biết cách sắp xếp, sao nhãng dần những trách nhiệm vốn thuộc về mình như chăm sóc, nuôi dạy con cái, thì rất có thể sẽ làm vơi đi tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Người phụ nữ hôm nay có tri thức nhiều hơn, được độc lập về kinh tế nhiều hơn, và đồng thời cũng biết cách tạo ảnh hưởng của bản thân đối với các thành viên trong gia đình rõ nét hơn. Chị em hãy lấy các giá trị bền vững của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới, làm cho gia đình ấm êm và hạnh phúc hơn; biết cách cân bằng trách nhiệm gia đình với việc tham gia các hoạt động ngoài xã hội; quan tâm tổ chức cuộc sống gia đình và biết gắn kết “sợi dây” tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình.

Để phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ đối với sự phát triển của xã hội, bên cạnh sự nỗ lực của chính bản thân, chị em phụ nữ rất mong muốn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và toàn xã hội. Bởi để tham gia các hoạt động xã hội người phụ nữ cũng đã phải hy sinh khá nhiều thời gian dành cho gia đình. Nếu không có được sự chia sẻ, hỗ trợ từ người thân, nhất là sự động viên tinh thần của người chồng, cha mẹ thì người phụ nữ khó có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến và trưởng thành để có vị trí, vai trò trong xã hội.

Bảo Hân

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/nguoi-%E2%80%9Cthap-lua%E2%80%9D-va-%E2%80%9Cgiu-lua%E2%80%9D-cho-gia-dinh-266934-85.html