Người thầy cảnh sát dạy nhạc cho học sinh khiếm thị

ANTĐ Dù là lần đầu tiên tiếp xúc nhưng những ấn tượng về Thượng úy Trần Anh Tuấn thì rất nhiều. Một người chiến sĩ cảnh sát PCCC điển trai, đa tài, yêu âm nhạc, tâm huyết với nghề, hết mình với công việc, và đặc biệt có một tâm hồn hồn hậu, nhân văn. Những việc làm của anh đã để lại những hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân.

Người chiến sĩ đa tài

Từ nhỏ Trần Anh Tuấn đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc và võ thuật, cha mẹ anh chính là những người thầy đầu tiên nuôi dưỡng, truyền lửa đam mê cho con mình. Lớn lên, Trần Anh Tuấn thi đỗ và tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành sư phạm âm nhạc trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Nói về cái duyên với lực lượng phòng cháy, anh cho biết: Thật ra cha mẹ định hướng học âm nhạc và võ thuật, một phần vì mình có năng khiếu, phần khác vì hai thứ đó giúp con người ta có tâm hồn đẹp hơn, nhân văn, đạo đức hơn.

Nhưng cũng từ thuở niên thiếu hình ảnh người thân trong gia đình xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc đã hằn sâu trong tâm hồn anh và đã trở thành lý tưởng, ước mơ của Tuấn khi trưởng thành. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, anh đã quyết định viết đơn xin gia nhập lực lượng công an nhân dân và được Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn (nay là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị CAND) tiếp nhận vào công tác tại trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.

May mắn khi được phân công là cán bộ Đoàn, đồng thời là cán bộ chuyên trách văn hóa, văn nghệ của trường Đại học Phòng cháy chữa cháy niềm đam mê âm nhạc vẫn được anh tiếp tục nuôi dưỡng. Đầu tiên, anh gây dựng phong trào guitar trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng Hà Nội. Tuấn đã thành lập Câu lạc bộ guitar Trường Đại học PCCC từ năm 2007, từ đó phong trào chơi guitar lan rộng khắp các trường Công an và anh trở thành người đỡ đầu cho các Câu lạc bộ guitar trong lực lượng Công an. Không chỉ đàn hay, hát giỏi Trần Anh Tuấn còn có khả năng sáng tác nhạc rất tốt. Đến nay anh đã “bỏ túi” chừng chục ca khúc do mình sáng tác, trong đó có 2 ca khúc dành riêng cho lực lượng công an, đó là Bài ca phụ nữ tổng cục chính trị công an nhân dân và Bài ca Học viện chính trị CAND...

Dạy đàn cho trẻ... khiếm thị

Thượng úy Trần Anh Tuấn kể, cơ duyên mình gặp và dạy đàn cho các em học sinh khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu là từ những chuyến đi từ thiện. Trần Anh Tuấn góp mặt và là người khởi xướng rất nhiều chương trình từ thiện đặc biệt cho trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong một lần quyên góp từ thiện cho trẻ em khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, cô Đỗ Thủy, hiện là Phó Hiệu trưởng của trường đã bày tỏ nguyện vọng muốn anh đến trường dạy đàn cho các em khiếm thị.

Dạy cho người sáng mắt đã khó, nay lại dạy đàn cho người khiếm thị thì anh chưa hình dung sẽ như thế nào, dù vậy anh vẫn đồng ý đến gặp các em xem sao. “Lần đầu nhìn thấy các em, tôi thấy các em đáng yêu quá. Dù bị khuyết tật nhưng các em rất hồn hậu, luôn yêu đời, khao khát được hòa nhập, được khẳng định mình. Đặc biệt các em có một niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt. Thế là tôi nhận lời ngay. Nhưng vì đặc thù nghề nghiệp nên thời gian của tôi rất hạn hẹp, mỗi tuần chỉ dạy được các em một buổi vào chiều muộn ngày thứ 6 hàng tuần” - anh Tuấn kể.

Thế là từ hôm đó, cứ mỗi chiều thứ sáu anh lại phóng xe máy vượt quãng đường hơn 13km từ Trường Đại học PCCC đến 21 Lạc Trung để dạy đàn cho các em. Công việc bắt đầu khá khó khăn, vì các em không nhìn thấy ánh sáng nên những bài tập về thế tay tương đối vất vả. Những lúc đó, anh đều phải nhắm mắt lại để đặt mình vào vị trí các em, không nhìn thấy đàn mà chỉ cảm nhận qua âm thanh. Khi các em đã làm quen được với cây đàn thì mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Anh Tuấn cho biết, các em khiếm thị không nhìn thấy ánh sáng nhưng bù lại rất phát triển về thính lực, các em cảm nhận cuộc sống qua âm thanh nên nhạc cảm rất tốt. Vì vậy, chính việc dạy cho các em khiếm thị cũng cho anh thêm nhiều bài học. Sau này khi dạy cho những bạn sáng mắt, anh cũng yêu cầu các bạn nhắm mắt lại khi đàn để có cảm nhận tốt nhất về âm thanh.

Có một điều anh Tuấn luôn trăn trở, đó là ước mong mỗi học viên khiếm thị sẽ có một cây đàn và sẽ trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp trên sân khấu khi các em được đào tạo bài bản về âm nhạc.

Thượng úy Trần Anh Tuấn tâm sự: “Đa phần các em học sinh khiếm thị có hoàn cảnh rất khó khăn, có em đến học đàn mà không có đàn. Kết thúc mỗi buổi học, tôi hay bảo các em về phải luyện tập, nhưng đàn có đâu mà luyện tập. Điều này làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Có những em đến buổi học sau nghỉ, tôi lên tận nơi hỏi xem làm sao em lại nghỉ thì em trả lời rất hồn nhiên: Em chưa thuộc bài để trả cho anh nên em xấu hổ không dám đi học. Đấy, các em hồn nhiên thế, vừa đáng yêu, vừa thể hiện trách nhiệm, sự nghiêm túc với việc học đàn, lại vừa khiến tôi trăn trở. Tôi luôn nghĩ mình sẽ tiết kiệm và kêu gọi mọi người để các em sẽ có đàn để học, để nuôi dưỡng đam mê của mình, cũng là cách mà các em có thêm niềm vui, thêm động lực để hòa nhập cuộc sống”.

Anh Tuấn chia sẻ, dạy đàn cho người khiếm thị có cái khó nhưng cũng có cái dễ. Vì các em khiếm thị có một niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt, các em coi âm nhạc như người bạn, như chỗ dựa tinh thần của mình nên học tập rất nghiêm túc, đam mê. Hơn nữa, vì cảm nhận cuộc đời bằng âm thanh nên nhiều em có khả năng âm nhạc thiên bẩm. “Tôi luôn nghĩ về lâu dài, tôi không chỉ dạy nhạc để các em biết đàn, biết hát mà biết đâu đấy các em sẽ kiếm sống được bằng âm nhạc chuyên nghiệp. Thế nên tôi đang huy động những nghệ sĩ khác cùng chung tay với mình để các em có cơ hội tiếp cận với nhiều loại hình âm nhạc khác nhau...”.

Lớp học của Thượng úy Trần Anh Tuấn ban đầu có 10 em, sau vì các em đều ra trường nên chỉ còn 5 em. Dù vậy, hơn 1 năm nay, nếu không có việc gì đột xuất thì chiều thứ sáu nào anh cũng đều đặn đến dạy các em. Anh bảo, dù lớp chỉ còn 1 em, anh cũng sẽ vẫn dạy để nuôi dưỡng niềm đam mê cho các em. Không chỉ dạy đàn cho các trẻ em khiếm thị, anh còn tổ chức các đêm nhạc từ thiện như chương trình mang âm nhạc đến bệnh viện, mà trước tiên là 2 bệnh viện lớn của Bộ Công an vào dịp Tết.

Làm đẹp hình ảnh người chiến sĩ công an

Ngay từ khi mới gặp, Thượng úy Trần Anh Tuấn luôn gây được thiện cảm đặc biệt cho người đối diện. Trong cuộc hẹn với chúng tôi, anh đến trễ chừng 30 phút khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc, vì thường công an là chấp hành giờ giấc nghiêm chỉnh lắm. Đến nơi, giữa hôm thời tiết khá mát mẻ nhưng thấy người anh đầm đìa mồ hôi, chưa để chúng tôi thắc mắc anh đã giải thích xin lỗi luôn: “Xin lỗi đồng chí, đi đến đoạn ngã tư: Nguyễn Ngọc Vũ - Quan Nhân gặp cảnh tắc đường, tôi phải dừng xe xuống phân làn giao thông nên mới đến muộn”. Rồi anh giơ một chiếc còi màu xanh ra khoe: “Đang phân làn thì nghe tiếng gọi đằng sau: Anh công an ơi! Ngoảnh lại thì một anh thanh niên trao cho một cái còi để thổi. Nhìn cái còi chuyên nghiệp thế này chắc là vận động viên thể thao”.

Rồi anh cười: “Thật ra chị không biết chứ tôi cũng được lên báo nhiều rồi đấy”. Hóa ra trước đây anh đã vô tình được lên báo mấy lần vì bất đắc dĩ trở thành “cảnh sát giao thông” đứng phân làn giống như lần này. Anh bảo đi đường mà thấy đường tắc là anh cho gọn xe máy lên vỉa hè để xuống phân làn. “Có lần trời mưa, người dân thấy tôi đứng dưới mưa thì mang áo mưa hay mang ô ra che cho, lúc đấy mới thấy tình quân dân gần gũi lắm” - anh nói.

Hay gần đây nhất, trong trận giông lốc xảy ra hồi tháng 6-2015, cộng đồng mạng đã xúc động chia sẻ hành động một người chiến sĩ công an có nghĩa cử đẹp với một cậu bé. Khi đó, trong trận giông lốc kinh hoàng, người dân bị quật đổ ngã xe trên đường đành phải nằm chịu trận dưới lòng đường. Có một người phụ nữ trẻ đang cố gắng dùng thân mình chắn gió cho cậu con trai tầm 2-3 tuổi. Ngay lập tức có một chiến sĩ công an chạy đến giúp hai mẹ con, đưa họ vào vỉa hè rồi dắt xe vào lề đường. Không những thế, thấy cậu bé bị lạnh, anh đã huy động mọi người quây xung quanh để sưởi ấm cho em bé và tiếp tục công việc ứng cứu những người dân khác. Khi mưa tạnh, người công an đó lại chu đáo dắt xe, nổ máy cho từng người xem có vấn đề gì không rồi giục mọi người ra về. Người công an đó không ai khác chính là Thượng úy Trần Anh Tuấn.

Anh Tuấn tâm sự, dù trong công việc hay trong cuộc sống, anh luôn luôn tâm niệm phải làm những điều để thể hiện sự kính trọng gần gũi nhân nhân. Ngay cả trong công tác giảng dạy, anh luôn cố gắng truyền đạt tới học viên sự nhiệt tình và tâm huyết với ngành, sự kính trọng và hết lòng phục vụ nhân dân. Điều đó không chỉ làm cho mình đẹp lên mà còn làm cho hình ảnh người chiến sĩ công an đẹp hơn trong lòng dân.

Trâm Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phong-su/nguoi-thay-canh-sat-day-nhac-cho-hoc-sinh-khiem-thi/641933.antd