Người thầy giáo của tôi

Năm ấy khi đang học cuối cấp II (lớp 7), do học khá nên tôi được trường chọn giới thiệu vào đội tuyển của huyện Kim Động để tham gia kỳ thi học sinh giỏi văn của tỉnh. Đội tuyển tập trung phụ đạo tại xã Song Mai - một trường cấp hai cùng huyện. Thầy Nguyễn Quốc Khánh, giáo viên chủ nhiệm lớp tôi cùng một số thầy, cô là giáo viên dạy giỏi môn Văn ở một số trường khác được phòng Giáo dục huyện trưng tập bồi dưỡng đội. Lần đầu tiên xa gia đình, chiều đến nhớ nhà, tôi đòi thầy cho về, không học ở đội tuyển nữa. Thầy Khánh vừa an ủi động viên, vừa nghiêm nét mặt nói với tôi: “Em mà bỏ về là thầy đuổi em không cho học nữa đâu!”. Trước thái độ nghiêm khắc của thầy, tôi buộc lòng phải ở lại không dám xin về nữa.

Sau một tuần bồi dưỡng thêm kiến thức và kiểm tra sát hạch, tôi và một bạn nữa trong đội tuyển vinh dự được chọn đi thi học sinh giỏi Văn miền Bắc (thi toàn quốc bây giờ) tại huyện Gia Lộc (Hải Dương). Kỳ thi năm ấy tỉnh Hải Hưng không có giải cao song, với riêng tôi cũng ghi dấu công lao dạy dỗ của tập thể giáo viên bồi dưỡng đội tuyển, đặc biệt là thầy Khánh, người đã tận tụy hết lòng vì thế hệ trẻ chúng tôi trước ngưỡng cửa vào đời.

Quê tôi là một xóm nhỏ nằm ven quốc lộ 39, sát bên sông Hồng. Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc thì nơi này trở thành một bến cảng tấp nập, trên bến dưới thuyền. Quốc lộ 39 ngày ấy rải đá, là tuyến lộ huyết mạch từ tỉnh Thái Bình chạy qua Hưng Yên lên Thủ đô Hà Nội. Bến cảng Dốc Lã trở thành nơi trung chuyển hàng hóa cả một vùng phía Đông Nam Hà Nội, tập trung cư dân đông đúc. Một kỷ niệm không quên với tôi là Tết năm ấy, bố tôi được bạn rủ đi buôn bè trên miền ngược, đâu như Yên Bái, Lào Cai gì đấy. Ngày ấy, người ta lên rừng mua gỗ rồi đóng thành bè thả trôi sông Hồng mang về xuôi bán, là một nghề “kiếm được”. Hầu như tất cả vật liệu xây dựng cho miền xuôi đều phải chuyển về bằng đường sông, từ tre, gỗ cho đến lá gồi lợp nhà vì các phương tiện vận tải như xe lửa, ô tô quá ít. Năm ấy cũng là lần đầu tiên bố tôi đi thử vận may nhưng đến hết ngày 29 Tết vẫn chưa về. Lòng dạ bất ổn, cả năm mẹ con tôi như có lửa rang không biết vì sao bố về muộn. Ngày ấy không có điện thoại di động như bây giờ, các bưu cục chỉ có ở các điểm đông dân cư, chủ yếu liên lạc bằng đường thư tín. Gia đình có người công tác ở thành phố như Hà Nội thì phải ra “nhà dây thép” (bưu điện), để “đánh điện” đi. Bố tôi đi làm ở đồng rừng, làm sao biết có “nhà dây thép” mà “đánh”? Kế hoạch ban đầu là ông sẽ dong bè về trước ngày 23 tháng Chạp nhưng năm ấy do hỏa hoạn trên rừng mà lứa gỗ đem về ngày 30 Tết gom góp mãi cũng chỉ được khoảng hai phần ba. Bè nhỏ, coi như hòa vốn. Lứa khá thì đã đặt sớm nồi bánh chưng. Thi thoảng lại nghe tiếng pháo đì đoẹt đầu ngõ chợ. Nhà nhà đã hân hoan chuẩn bị cho Tết, còn nhà tôi bếp núc vẫn lạnh tanh. Gạo ăn còn không đủ lấy đâu ra sắm Tết? Mặc dù mẹ tôi bươn bả hàng xay hàng xáo nhưng thức ăn hàng ngày của gia đình chỉ toàn khoai sắn. Một bữa “cơm vậy” (cơm không độn) là cả ước mong của rất nhiều gia đình ngày ấy. Gạo mẹ buôn là vốn để sinh nhai, ăn vào vốn thì gay, nhất là ra giêng ngày rộng tháng dài… Cũng cần nói thêm rằng cái Tết xưa nó đơn giản, đơn giản đến lạ lùng. Mỗi độ Tết về, lũ trẻ con chúng tôi chỉ cần được mẹ mua cho một cái áo mới bằng vải diềm bâu thôi là đã thấy Tết rồi, mà phải đợi đến sáng mùng một Tết mới được mặc để đi chúc Tết các nhà. Còn hôm nay, đã gần cuối ngày, cái rét cuối đông ngấm vào da thịt qua lần áo mỏng manh, chúng tôi so ro chạy ra chạy vào, thậm chí lên hẳn bờ đê hướng nhìn về phía Bắc dài cổ ngóng bố mà chẳng thấy. Đang lúc tuyệt vọng, tôi phát hiện một dáng người cao gầy đạp chiếc xe đạp cà tàng không có chắn bùn thẳng hướng về nhà tôi. Thầy Khánh! Thầy đến làm gì vào giờ này, đang tự hỏi và chuẩn bị chào thì thầy đã dong chiếc xe vào giữa sân rồi gọi với: “Bác Cả ơi ngừng tay chút, em tranh thủ đến thăm bác và các cháu một lát”. “Ôi lúc đến như để mẹ tôi không kịp trả lại món quà. Mẹ tôi thì ngạc nhiên vì bất ngờ và cũng không nói được lời cảm ơn vì khi nghĩ ra thì thầy đã đi xa rồi. Mở túi đựng bao cói, bên trong là một cái chân giò lợn sống cùng 3kg gạo tẻ mậu dịch là chế độ bao cấp Nhà nước cấp cho thầy. Mẹ rưng rưng nhìn tôi, nhìn những đứa con của mẹ, thầm cảm ơn người thầy giáo tốt bụng của con mình.

Mãi về sau tôi mới biết, thầy Khánh rất thông cảm hoàn cảnh gia đình tôi. Thầy quý tôi là đứa học trò biết nghe lời, biết vượt khó vươn lên để trở thành một học sinh giỏi mặc dù hoàn cảnh thầy không khá giả gì… Ngày ấy xóm chợ Dốc Lã quê tôi nghèo lắm, cuộc sống của các thầy, cô giáo trường làng cũng chẳng khác là bao. Vợ chồng thầy Khánh với 4 người con ở trong một căn nhà tập thể nhỏ gần xóm tôi. Chỉ với hai suất lương giáo viên vợ chồng thầy chẳng có thu nhập gì thêm. Ngoài giờ lên lớp buổi sáng, buổi chiều thầy vẫn phụ đạo cho những bạn học sinh trong đội tuyển nhà trường và các bạn học sinh học kém mà không bao giờ nghĩ đến việc báo đáp, trả công của học trò dù chỉ là một tách trà, một nhành hoa nhân ngày 20/11. Thế mà mỗi buổi tối, thầy vẫn vào xóm đến từng nhà kiểm tra và động viên chúng tôi học nhóm giúp đỡ nhau. Trên đoạn đường đời sau này lúc nào tôi cũng thầm cảm ơn tình thương cao cả, sự dạy bảo tận tình nhưng nghiêm khắc của người thầy kính mến; là bài học sâu sắc về cách giáo dục thế hệ trẻ để chúng tôi vươn lên học tập và thành đạt, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Tôi vẫn ước một lần được đưa thầy đi dọc chiều dài đất nước để thầy được tận mắt nhìn thấy đất nước ta tươi đẹp bằng những hình ảnh cụ thể chứ không phải qua sách giáo khoa hay những trang giáo án, để một lần tôi được bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy. Rất may là ước nguyện ấy tôi đã thực hiện được. Tháng 7/2011, nhân kết hợp một chuyến công tác phía Nam, tôi và hai bạn cùng đội tuyển ngày xưa đã đưa thầy đi tham quan Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu - địa danh chiến trường xưa một thời tôi đã sống và chiến đấu ở đó. Chúng tôi như sống lại tuổi học trò, lần lượt từng đứa kể lại những kỷ niệm buồn vui trong gia đình và của cuộc sống cho thầy nghe. Những lúc ấy thầy gần gũi, thân thương như người cha của chúng tôi vậy. Nửa thế kỷ gặp lại thầy, đầu chúng tôi đã lất phất tiêu muối, còn thầy râu tóc bạc phơ đẹp như một ông tiên. Tuy đã ở tuổi ngoài 80 nhưng thầy vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Thầy cho biết, nếp sống hàng ngày của thầy là quen thể dục, chạy bộ đều đều mỗi buổi sáng nên dù tuổi cao nhưng thể lực thầy vẫn khá tốt.

Không ngờ… Một buổi sáng cuối tháng Chạp năm ngoái, tôi nhận được tin dữ: Thầy đã ra đi khi Tết Nhâm Dần đã cận kề, cũng vào ngày 29! Tuy không đột ngột lắm nhưng tôi nghe con tim mình nhói đau vì không nghĩ thầy ra đi nhanh thế. Trước đó không lâu, vợ thầy có cho tôi biết thầy bị một khối u ở xương sống, bệnh viện trung ương đã cắt thành công. Ngày thầy ra viện, bác sĩ nói vì tuổi cao có thể thầy sẽ không sống được lâu. Tôi đã có ý định nhân chuyến về quê thăm chị gái đang bị bệnh và thăm thầy, nhưng không kịp. Vậy là đêm đó tôi gần như không ngủ được, trong tâm có chút gì đó ân hận… Lại một cái tết sắp đến - một cái tết nữa tôi không còn được gặp thầy, không còn và mãi mãi. Nhưng hình ảnh người thầy công tâm - một tấm gương vẫn còn sáng mãi trong lòng tôi. Nhìn lớp con cháu bây giờ ngày ngày đi học thêm phải xin bố mẹ tiền đóng học, tôi càng thương và kính trọng các thầy, cô ngày xưa đã miệt mài khuya sớm dạy dỗ chúng tôi mà không bao giờ đòi hỏi một đồng xu trả công. Nhân dịp Tết đến xuân về và nhân ngày giỗ đầu của thầy, tôi viết mấy dòng thay cho nén tâm hương để tưởng nhớ những kỷ niệm đã qua như một sự tri ân với thầy. Hy vọng ở nơi chín suối, thầy sẽ cảm nhận được tình cảm yêu thương ấm áp của lớp học trò chúng tôi. Cầu mong cho linh hồn thầy siêu thoát, thầy ơi…

Hoàng Quân

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202301/nguoi-thay-giao-cua-toi-2c014c8/