Người thầy giáo 'quân hàm xanh'

9 năm tuổi quân, 3 năm gắn bó với vùng đất biên giới Mường Lạn, trung úy Vàng Lao Lừ, cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn (Sốp Cộp) không chỉ góp phần làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới của Tổ quốc, mà còn trở thành người thầy giáo đem 'con chữ' về với bà con nơi vùng biên còn nhiều khó khăn này.

Trung úy Vàng Lao Lừ tuyên truyền, vận động người dân bản Nong Phụ, xã Mường Lạn cho trẻ đi học.

Trung úy Vàng Lao Lừ tuyên truyền, vận động người dân bản Nong Phụ, xã Mường Lạn cho trẻ đi học.

“4 cùng” với người dân

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Mường Lựm (Yên Châu), ngay từ nhỏ, chàng trai người Mông Vàng Lao Lừ đã ước mơ trở thành người chiến sĩ biên phòng, chắc tay súng để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tốt nghiệp THPT, anh nhập ngũ rồi được cử đi học chuyên ngành vận động quần chúng của Trường Trung cấp Biên phòng II tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ra trường năm 2015, nhận công tác tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ đội Biên phòng Sơn La). Sau đó, anh được điều về Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lạn.

Bản Nong Phụ cách trung tâm xã 15 km, không đường giao thông, không có điện, không có sóng điện thoại. Bản có 80 hộ đồng bào dân tộc Mông; đời sống bà con trong bản phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 84%, nhiều người mù chữ và nhiều hủ tục lạc hậu lắm. Bằng giọng nói trầm ấm, chân thành, trung úy Vàng Lao Lừ giản dị chia sẻ với chúng tôi: Được Ban Chỉ huy Đồn phân công, tôi về nắm địa bàn bản Nong Phụ, làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Đảng, Nhà nước; vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao mức sống; dạy chữ cho những người không biết chữ. Tôi chưa làm được gì nhiều đâu. Vẫn phải cố gắng hơn để góp sức cùng đồng đội, cùng chính quyền địa phương bảo vệ biên giới, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, giúp bà con nâng cao đời sống về mọi mặt.

Lớp học xóa mù chữ của Trung úy Vàng Lao Lừ tại bản Nong Phụ, xã Mường Lạn (Sốp Cộp).

Lớp học xóa mù chữ của Trung úy Vàng Lao Lừ tại bản Nong Phụ, xã Mường Lạn (Sốp Cộp).

Trăn trở trước những khó khăn của người dân Nong Phụ, Trung úy Lừ quyết tâm tuyên truyền, vận động người dân trong bản đi học chữ, dù biết không phải là chuyện đơn giản. Trước tiên, anh nghĩ mình phải trở thành người con của bản đã, phải cùng làm, cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc với bà con thì mới có thể thành công. Cũng là người Mông, Trung úy Lừ hiểu được phong tục tập quán của đồng bào, đây là lợi thế trong vận động, giải thích để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. “Mưa dầm thấm lâu”, như con ong chăm chỉ, anh chẳng quản ngày đêm, lặn lội đến từng nhà tìm hiểu hoàn cảnh của họ, chia sẻ những câu chuyện làm ăn, cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để đuổi cái đói, cái nghèo; vận động không thách cưới, không để người chết lâu ngày trong nhà; ăn chín, uống sôi, vệ sinh nhà ở và khu vực xung quanh nhà ở sạch sẽ để phòng chống dịch bệnh...

Thật may, trong chuyến đi này, chúng tôi có dịp cùng Trung úy Vàng Lao Lừ tới hướng dẫn gia đình anh Sộng A Lau làm cỏ, bón phân cho vườn mận hậu. Một số bà con trong bản biết cán bộ biên phòng về cũng đến để được trao đổi, rút kinh nghiệm. Theo cách “cầm tay chỉ việc”, anh Lừ trực tiếp cầm cuốc rẫy cỏ, đào rãnh xung quanh gốc cây, hướng dẫn bà con cách bón phân mà không bị mưa rửa trôi; rồi tuyên truyền lợi ích của việc trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày, như bí đỏ, đậu, đỗ dưới tán cây ăn quả. Anh còn tỷ mỷ nói về thời gian trồng, cách chăm sóc, thu hoạch, bảo quản... Được tận mắt thấy vườn bí ngô sai quả của gia đình anh Lau, bà con bảo nhau làm theo để có thêm cái ăn, cái mặc.

Rời nhà anh Lau, chúng tôi theo anh đến nhà ông Sộng A Giàng, một trong số những hộ khó khăn nhất bản, để động viên ông tiếp tục cho 2 con đi học. Anh Lừ bảo, vận động các cháu đi học không dễ đâu, bởi đồng bào ngại tiếp xúc với người lạ, với môi trường khác với cuộc sống thường ngày. Vì thế, anh phải giải thích, phân tích cặn kẽ cái lợi, cái tốt của việc biết chữ. Trong ngôi nhà nhỏ chỉ rộng chừng 30 m² nhưng lại là nơi sinh sống của 12 con người. Thân thiết như người trong nhà, anh Lừ bế một cháu nhỏ rồi khẽ khàng thuyết phục vợ chồng ông Giàng: Ở trường học có nhiều bạn bè, được học cái chữ để sau này biết cách trồng các loại cây và chăn nuôi có hiệu quả, cuộc sống hết thiếu thốn, vất vả. Các con ông Giàng háo hức lắng nghe những điều chúng chưa từng đến biết về trường học. Còn bà Tồng, vợ ông thì e ngại lũ trẻ còn nhỏ mà phải xa nhà. Hiểu được lo lắng của bà, anh Lừ tiếp: Những đứa trẻ khác trong bản cũng xuống trường để học chữ đấy. Ở trường được Nhà nước nuôi ăn, có chỗ ở ấm áp, có thầy cô giáo chăm sóc cẩn thận... Nghe anh Lừ phân tích, ông bà Giàng nhận lời sẽ cho con xuống trường học cái chữ.

Do bám sát địa bàn, Trung úy Vàng Lao Lừ nắm được thông tin chị Vàng Thị Sênh (19 tuổi), bản Co Muông bị các đối tượng mua bán người dụ dỗ, bán qua biên giới. Bởi nhẹ dạ cả tin, lại không biết chữ, Sênh bị 2 người tận bên Yên Bái dụ dỗ, lôi kéo, lừa bán qua biên giới. Phán đoán các đối tượng sẽ không đi theo tuyến đường chính, mà sẽ đi vòng qua nhiều đường để sang biên giới, Trung úy Lừ báo cáo với đơn vị, phối hợp với các cơ quan chức năng phong tỏa các cửa ngõ, ngăn chặn đối tượng đưa người qua đường biên. Nhờ mưu trí, nắm chắc địa bàn, Trung úy Lừ đã giúp các cơ quan chức năng giải cứu thành công nạn nhân Sênh khi đang bị các đối tượng đưa về Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) để đưa lên Lào Cai bán qua biên giới.

Thầy giáo "quân hàm xanh"

Thấu hiểu một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo chính là không biết chữ, khi được phân công phụ trách bản Nong Phụ, Trung úy Lừ đã báo cáo và đề xuất với đơn vị tổ chức lớp học xóa mù chữ cho người dân. Lớp học mượn của điểm trường tiểu học, lại có 4 bóng đèn 15W chạy bằng năng lượng mặt trời, đủ chiếu sáng cho cả căn phòng. Đây là quà tặng của một nhà hảo tâm hồi cuối năm 2017, là vật “cứu cánh” cho lớp học của thầy giáo Lừ mỗi tối. Đã thành thông lệ, khi mặt trời khuất sau những dãy núi, làn sương mỏng giăng phủ trên đỉnh núi, cũng là lúc lớp học xóa mù chữ của thầy giáo Lừ sáng ánh điện. Học viên từ già đến trẻ cùng nhau về lớp học chữ. Lớp có 38 học viên, lớn nhất 31 tuổi, nhỏ nhất 10 tuổi. Đến thời điểm này, các học viên đã tới lớp được 9 tháng. Dù bận việc nương rẫy, việc gia đình, dù trời nắng hay mưa, học viên vẫn đến lớp đầy đủ, háo hức học đọc, học viết, tập làm toán...; lồng ghép trong mỗi buổi học, “thầy giáo” Lừ còn tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào vùng sâu, vùng biên giới; nội dung Quy chế biên giới; Luật Hôn nhân và gia đình...

Trung úy Vàng Lao Lừ vận động bà con bản Nong Phụ trồng cây bí dưới tán cây ăn quả.

Trung úy Vàng Lao Lừ vận động bà con bản Nong Phụ trồng cây bí dưới tán cây ăn quả.

Trò chuyện với em Sồng Thị Sao, em thật thà: Trước đây, bố mẹ em không cho đi học, vì bảo rằng con gái không cần biết chữ, chỉ cần biết làm nương, chăn trâu bò, đến tuổi thì lấy chồng. Được thầy giáo Lừ đến tận nhà nói cho bố mẹ hiểu cái lợi của việc biết chữ, bố mẹ đã cho em đến lớp học chữ. Thầy Lừ dạy dễ hiểu lắm, nhiều khi giảng bài thầy còn nói bằng tiếng dân tộc Mông để chúng em hiểu được bài. Bây giờ, đã biết đọc, biết viết, ai cũng phấn khởi, vì không những đọc được sách, báo, mà còn biết chép lại những kỹ thuật sản xuất khi cán bộ xã hoặc thầy giáo Lừ hướng dẫn và cũng biết tính toán tiền lúc đi chợ...

Sau 2 năm làm “thầy giáo” ở vùng biên giới, đúc rút được một số kinh nghiệm đứng lớp, nhưng anh Lừ vẫn chăm chỉ tìm tòi học hỏi phương pháp truyền thụ kiến thức sao cho dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ nhớ nhất. Có rất nhiều kỷ niệm trong vai trò người thầy giáo không chuyên, song kỷ niệm về các cháu nhỏ gọi anh là bố khiến anh nhớ mãi. Đó là tháng 9 năm 2018, những trận mưa lớn làm đường đi lầy lội, trơn trượt, nhiều đoạn đất đá sạt lở... để duy trì lớp học ở bản Co Muông, anh đến tận từng gia đình đón các cháu nhỏ về lớp. Trên đường đi, các cháu hồn nhiên gọi anh là bố, khiến anh thấy trách nhiệm của mình nặng hơn và cần cố gắng nhiều hơn để giúp “những đứa con” tiếp tục con đường đến trường, thắp sáng ước mơ trở thành bộ đội, thành thầy giáo, bác sĩ...

Chia tay Nong Phụ, hình ảnh người sĩ quan biên phòng luôn sát cánh cùng bà con dân bản phát triển kinh tế, cần mẫn với phấn trắng bảng đen, đem con chữ lên non... khiến chúng tôi nhớ mãi. Trung úy Vàng Lao Lừ không chỉ góp phần mang lại những đổi thay tích cực cho bản làng vùng biên giới, giúp họ có cuộc sống no ấm, mà còn “truyền lửa” cho thế hệ trẻ góp sức xây dựng quê hương. Với những cống hiến thầm lặng, năm 2018, Trung úy Vàng Lao Lừ đã vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu toàn quốc”.

Thu Hằng (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nguoi-thay-giao-quan-ham-xanh-24626