Người thầy giàu nghị lực hơn 14 năm 'đứng' trên bục giảng bằng xe lăn

Hơn 14 năm 'đứng' trên bục giảng bằng xe lăn, thầy Chu Quang Đức (Trường THPT Mê Linh, Hà Nội) đã 'gieo mầm' cho nhiều thế hệ học trò về giá trị việc học tập.

Ngày 10/08/1961 là ngày đầu tiên đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, sử dụng chất độc da cam/dioxin, nhằm triệt hạ nguồn sống của thảm thực vật ở miền Nam Việt Nam.

Từ năm 2004, ngày 10 tháng 08 hằng năm được lấy làm ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Vào ngày này có nhiều hoạt động chung tay xoa dịu nỗi đau da cam như chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam,… tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Nỗ lực vượt khó

Đối với nhiều thế hệ học sinh Trường Trung học phổ thông Mê Linh, Hà Nội, hình ảnh thầy giáo Chu Quang Đức với chiếc xe lăn trên bục giảng đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên.

Bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, thầy giáo Chu Quang Đức có thân hình rất nhỏ bé. Sức khỏe yếu, chân, tay bị teo, thầy phải làm bạn với chiếc xe lăn từ nhỏ song với ý chí, nghị lực và tinh thần vượt khó của người thầy đặc biệt đã truyền cảm hứng cho nhiều em học sinh trên con đường học tập và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đức chia sẻ, mong muốn từ lúc còn nhỏ là trở thành giáo viên để giảng dạy và truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Hồi bé, để được đi học, cậu bé Đức đã phải trải qua khó khăn gấp nhiều lần so với người bình thường bởi khi đó nhà còn nghèo, đường xá đi lại khó khăn, nhiều hôm được đèo đi học, gặp trời mưa bão ngã xe là chuyện thường, những tai nạn không mong muốn xảy ra luôn trực chờ để trên con đường đến trường.

Những ngày đầu đến lớp, đôi bàn tay nhỏ bị teo khiến việc điều khiển bút trở nên khó khăn, không theo kịp tốc độ viết bảng nên ở trên lớp, chàng trai nhỏ bé đó chủ yếu dùng khả năng nghe và hiểu, rồi mượn vở bạn bè về chép lại để học.

“Tuy thời gian đầu đi học có bị bạn cùng trang lứa trêu chọc nhưng tôi không xem đó là trở ngại mà càng tập trung vào việc học. Sau này khi bạn bè hiểu được hoàn cảnh, tôi luôn được bạn bè giúp đỡ, hỗ trợ bế, đẩy xe lăn vào lớp.

Đến khi học cấp 3 hay lên đại học, hay giờ về trường làm giáo viên, tôi đều nhận được sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh. Có những buổi đi dạy các lớp ở trên tầng, các em học sinh đều hỗ trợ giúp bê và đẩy xe lên lớp.

Tôi tự tin là người khuyết tật được hòa nhập cộng đồng hoàn toàn với mọi người và tôi không tự ti hay mặc cảm vào bản thân, bởi tôi biết con đường học tập cần sự tự tin mới có thể đi xa được.”, thầy Đức chia sẻ.

Thầy Đức tâm niệm khó khăn chỉ là tạm thời, ngày mai sẽ tốt đẹp hơn bởi ai cũng sẽ có những khó khăn riêng phải vượt qua. Sự khác biệt là khi gặp khó khăn chúng ta đối diện với nó, xử lý nó thế nào, với mỗi người lại khác nhau, nên coi khó khăn như là một điều tất yếu, là một chất xúc tác như gia vị của cuộc sống này, đầy đủ mặn, ngọt, chua, cay mới vui.

Truyền ngọn lửa đam mê với nghề

Trở thành thầy giáo là mong muốn từ nhỏ, học xong trung học phổ thông, chàng trai Quang Đức thi đỗ ngành Toán - Tin của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Tốt nghiệp đại học năm 2009, thầy Đức đã mở lớp dạy thêm ở nhà. Đến năm 2010, thầy trúng tuyển về giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Mê Linh, Hà Nội.

Thầy giáo "nhỏ bé nhưng có võ". Suốt hơn 14 năm qua “đứng” trên bục giảng bằng xe lăn, thầy Chu Quang Đức đã “gieo mầm” cho nhiều lớp thế hệ học trò về giá trị của việc học tập để trở thành người có ích.

 Thầy Chu Quang Đức và các em học sinh. Ảnh: NVCC

Thầy Chu Quang Đức và các em học sinh. Ảnh: NVCC

Khi được hỏi về bí quyết giúp học sinh học tập tiến bộ, thầy giáo Chu Quang Đức chia sẻ, trong mỗi lớp học mỗi em học sinh có một khả năng tiếp thu kiến thức khác nhau, một hoàn cảnh sống khác nhau và tính cách riêng.

Nhiều em không yêu thích học tập, thầy đã dành thời gian trò chuyện, chia sẻ cùng học sinh về cuộc sống để các em nhìn thấy được việc học tập đã giúp cuộc sống của thầy tốt đẹp hơn, các em may mắn hơn rất nhiều nên cần cố gắng, lấy học tập làm mục tiêu chính để phấn đấu.

Từ những lời chia sẻ chân thành đó, dần dần những học sinh đã có thêm động lực. Học sinh phát huy được thế mạnh ở những môn học mà các em yêu thích và phát triển theo hướng tích cực hơn.

“Với người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam như tôi, việc trở thành giáo viên gặp khó khăn gấp rất nhiều lần hơn so với người bình thường khác. Bởi ngoài sự mặc cảm, tự ti của người khuyết tật thì góc nhìn của mọi người với những người như tôi cũng khác.

Trước đây, tôi luôn muốn chứng minh rằng tôi không phải người bỏ đi hay vô dụng. Hiện tại, tôi tự tin rằng với con đường có học vấn và tri thức mình có thể tự lập, cống hiến và sống ở bất kì đâu trên đất nước Việt Nam thân yêu này như bao công dân bình thường khác.”

Cùng với tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Trung học phổ thông Mê Linh, thầy giáo Chu Quang Đức đã truyền ngọn lửa đam mê và ý chí quyết tâm vượt khó để học tập tốt tới bao thế hệ học trò nơi đây.

Với ý chí, nghị lực vượt khó, năm 2012, thầy giáo Chu Quang Đức đã được Thành đoàn Hà Nội vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội tặng giấy khen "Nạn nhân chất độc da cam vượt khó vươn lên"; Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng giải thưởng "Khi Tổ quốc cần"; năm 2016 học xong Thạc sĩ ngành Khoa học máy tính, năm 2018 thầy được kết nạp Đảng, năm 2021 được tặng danh hiệu Người tốt việc tốt của Chủ tịch thành phố Hà Nội, là thành viên Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020…

“Các bạn trẻ hiện nay đang có điều kiện và cơ hội học tập tốt hơn thế hệ trước rất nhiều. Tôi mong các bạn có mục đích sống, có ước mơ, có hoài bão hãy cố gắng học tập thật tốt, khi đó cuộc sống của chính các bạn, gia đình, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Đừng lãng phí thời gian tuổi trẻ, sức lực vào những thứ không cần thiết”, thầy Đức nhắn nhủ tới thế hệ trẻ.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nguoi-thay-giau-nghi-luc-hon-14-nam-dung-tren-buc-giang-bang-xe-lan-post244606.gd