Người thầy gieo mầm chữ trên đất nghèo Ka Đô

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nghèo Ka Đô, ngay từ nhỏ thầy giáo Trần Tùy Sâm đã ấp ủ ước mơ mang con chữ về cho con em quê mình.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo Ka Đô - Đơn Dương – Lầm Đồng, ngay từ nhỏ thầy giáo Trần Tùy Sâm đã chứng kiến cái nghèo, cái đói của quê hương. Rồi không biết từ bao giờ khi lớn lên rồi đi học, cậu học trò nghèo ấy đã ấp ủ cho mình khát khao cháy bỏng được mang con chữ về với đồng bảo, quê hương mình để tìm cách thoát cái đói, cái nghèo vốn ám ảnh của một vùng quê.

Ước mơ đó đi vào trong từng suy nghĩ, từng giấc ngủ của chàng trai Trần Tùy Sâm và thôi thúc chàng trai trẻ bước vào con đường sư phạm làm thầy dạy chữ.

Năm1983, chàng trai Trần Tùy Sâm tốt nghiệp ngành Ngữ Văn - trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và chính thức bước chân vào con đường của một ông giáo ngay tại quê hương mình.

Ngay khi ra trường, thầy giáo Trần Tùy Sâm được phân công về giảng dạy tại trường Phổ thông Cơ sở Ka Đô I, nay là trường THCS Ka Đô.

Hơn 30 năm nay thầy giáo Trần Tùy Sâm vẫn miệt mài làm công việc của một người gieo chữ

Hơn 30 năm nay thầy giáo Trần Tùy Sâm vẫn miệt mài làm công việc của một người gieo chữ

Vốn mang trong mình đam mê và nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục đặc biệt với quê hương mình nên thầy đã nhận được sự tin yêu của học trò và đồng nghiệp. Không lâu sau đó, năm 1986 thầy Sâm được bổ nhiệm làm phó Hiệu trưởng phụ trách công tác chuyên môn của trường.

“Ngày ấy, vùng đất Ka Đô nghèo lắm, người dân gặp nhiều khó khăn về kinh tế, các em nhỏ phải tham gia lao động cùng gia đình nên việc đi học ít được quan tâm”, thầy Sâm nhớ lại.

Cái nghèo, cái đói của đất Ka Đô thì thầy không lạ lẫm gì. Sinh ra lớn lên ở đó thầy đã nếm đủ vị của nghèo đói nhưng càng nghèo, càng đói thầy Sâm cùng đồng nghiệp càng quyết tâm đem cái chữ, đem ánh sáng văn hóa đến với học sinh quê mình.

Để làm được điều đó, hàng ngày, thầy Sâm cùng đồng nghiệp hòa mình vào cuộc sống của người dân, qua đó thấu hiểu hoàn cảnh của họ, vận động, tuyên truyền để họ hiểu và quý trọng việc học và thầy đã thành công cũng đã ươm mầm. Ngay tại vùng quê nghèo Ka Đô - Đơn Dương ngày ấy, thầy Sâm đã giáo dục, dìu dắt nhiều thế hệ học sinh trưởng thành.

Nhờ công dìu đắt của thầy Sâm, biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành và thành công ngoài xã hội

Nhờ công dìu đắt của thầy Sâm, biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành và thành công ngoài xã hội

Năm 1991, thầy Trần Tùy Sâm được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Ka Đô nhưng vì lí do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, không lâu sau đó thầy đã cùng gia đình chuyển ra sinh sống tại thị trấn Thạnh Mỹ. Năm 2000 thầy Sâm xin chuyển công tác về trường THCS Thạnh Mỹ, rời xa mảnh đất đã gắn liền với những năm đầu của sự nghiệp trồng người.

Nơi ngôi trường mới thầy Sâm lại được giao nhiều trọng trách quan trọng như Chủ tịch Hội đồng trường, Tổ trưởng tổ Ngữ Văn và gắn bó trong suốt 19 năm qua với nhiều giải pháp đổi mới mang lại hiệu quả cho cả giáo viên và học sinh.

Bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình, thầy Sâm được đánh giá là một trong những giáo viên cốt cán môn Ngữ Văn của Phòng giáo dục Đơn Dương và của Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng.

Nhưng hơn hết, nhắc đến thầy Trần Tùy Sâm là bao thế hệ học trò lại nhắc đến người thầy có tấm lòng nhân hậu của một người cha đối với các em học sinh nghèo của trường.

Biết bao thế hệ đã trưởng thành nhờ sự dìu dắt của thầy Sâm và đang thành công ngoài xã hội. Nhớ về người thầy của mình ai cũng nhắc chuyện thầy giáo thường tự bỏ tiền lương của mình để giúp các em học sinh nghèo vượt khó. Với thầy, đó không chỉ là những phần thưởng mà hơn hết đó là sự động viên kịp thời, là động lực cho các em đến trường và trưởng thành.

Hơn 30 năm công tác, thầy Trần Tùy Sâm đã được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp tỉnh nhiều năm liền cùng Huân chương vì sự nghiệp giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng. Năm 2016, thầy còn vinh dự được Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng vinh danh là giáo viên tiêu biểu của tỉnh cùng nhiều giải thưởng khác. Nhưng với người thầy ấy nhìn thấy học trò trưởng thành và thành công, trở thành những người có ích cho đời đó mới là niềm vui thực sự.

Còn cống hiến được cho giáo dục thầy sẽ vẫn còn làm nhưng với mảnh đất Ka Đô và nhiều vùng quê khác thì thầy Trần Tùy Sâm mãi là người đã ươm mầm cho những tương lai.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nguoi-thay-gieo-mam-chu-tren-dat-ngheo-ka-do-d145696.html