Người thầy không bao giờ điểm danh nhưng giảng đường đông nghẹt

Bốn năm đại học, thầy dạy tôi ba môn. Thầy không phải là người trò chuyện nhiều với sinh viên, ngoài những câu chuyện bài vở, tình huống pháp lý hay giải đáp những thắc mắc của sinh viên thì thầy rất ít khi kể chuyện phiếm, rất ít khi kể chuyện riêng tư.

Những bài giảng của thầy thường cô đọng và rất dễ hiểu, dễ nhớ. Những câu chuyện pháp luật thì gần gũi, rất đời thường như chính con người thầy. Thầy không đặt ra quy định này nọ cho sinh viên, thầy cũng không bao giờ điểm danh nhưng tới tiết của thầy lớp học vẫn đông nghẹt. Thầy ít khi chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống, ít khi giảng triết lý nhưng những gì thầy nói ra đều hằn sâu vào trí nhớ của tôi và rất nhiều những sinh viên khác may mắn được học thầy.

 PGS - TS Dương Anh Sơn (giữa) tại một buổi Hội thảo do Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức

PGS - TS Dương Anh Sơn (giữa) tại một buổi Hội thảo do Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức

Có một câu nói của thầy mà tôi vẫn xem đó là lời răn dạy, nó theo tôi suốt năm năm nay kể từ ngày tôi bắt đầu đi làm, bắt đầu biết kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Đó là buổi học cuối, sau khi giảng xong bài, kể một vài câu chuyện vui của những học trò cũ lúc mới bắt đầu đi phỏng vấn xin việc. Thầy trầm ngâm, rồi nói, vẫn giọng nói chậm rãi, dứt khoát từng từ một. “Chúc các anh chị thi tốt. Ra đời, nhớ là làm việc gì cũng phải tận tâm. Phải tận tâm!”.

Ra trường, tôi chưa một lần được gặp lại thầy nhưng mỗi lần bắt đầu làm việc gì, phải quyết định một điều gì đó quan trọng, hay lúc nản chí thì lời dạy hôm đó của thầy lại khiến tôi phải đắn đo, suy nghĩ và tôi lại tự răn mình: “Phải tận tâm”.

Khi ngồi viết những dòng này ký ức lại nhắc tôi một câu chuyện về sự tận tâm. Một buổi sáng cuối năm ngoái, tôi ghé vào đổ xăng ở một cây xăng trên đường đi làm. Vì là giờ cao điểm nên khách ghé đổ xăng đông lắm. Có tới ba nhân viên liền tay như những cái máy mà vẫn không kịp. Vô tình tôi chạm vào ánh mắt của một trong ba người nhân viên ấy. Một cái nhìn trìu mến và tôi cảm nhận được đôi mắt ấy đang cười. Vì còn phải chờ lâu mới tới lượt mình nên tôi bắt đầu để ý từng cử chỉ của chị. Chị liên tục bấm bấm từng con số trên cây xăng rồi nhanh chóng quay sang xe người khách đang chờ, nhanh chóng nhận tiền, thối tiền và luôn kèm theo một cái gật đầu nhẹ với một nụ cười từ ánh mắt. Một vài người khách cũng gật đầu chào chị rồi vui vẻ quay xe ra đi. Tôi cũng vậy, thấy ấm lòng khi nhận từ chị cái gật đầu nhẹ và ánh mắt biết nói ấy. Rồi tôi lại nghĩ vẩn vơ, chắc thu nhập của chị cũng chỉ 3-4 triệu đồng/tháng. Bất chợt tôi lại nghĩ đến câu nói của thầy và hiểu rằng bất cứ việc gì cũng cần phải tận tâm.

Những sinh viên ngành luật khóa 07 của trường tôi ai cũng may mắn được học thầy và tôi chắc chắn một điều là khi nhắc đến thầy Dương Anh Sơn thì ai cũng nhớ. Nhớ đến một người thầy luôn tận tâm với nghề.

Nguyễn Thị Chính (cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật)

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/thoi-su/thay-day-lam-viec-gi-cung-phai-tan-tam-592121.html