Người thầy không cầm phấn

Không trực tiếp cầm phấn dạy học trò nhưng có những người thầy lại dày dạn sương gió, nắng, bụi trên thao trường để huấn luyện võ thuật giúp các học viên rèn luyện về trí - lực, sẵn sàng cho các mục tiêu bảo vệ quan trọng, góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn. Đó chính là những người thầy, người cán bộ huấn luyện ở Đội Tham mưu huấn luyện, Phòng CSCĐ CA tỉnh Nghệ An.

Không trực tiếp cầm phấn dạy học trò nhưng có những người thầy lại dày dạn sương gió, nắng, bụi trên thao trường để huấn luyện võ thuật giúp các học viên rèn luyện về trí - lực, sẵn sàng cho các mục tiêu bảo vệ quan trọng, góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn. Đó chính là những người thầy, người cán bộ huấn luyện ở Đội Tham mưu huấn luyện, Phòng CSCĐ CA tỉnh Nghệ An.

Đại úy Trần Trọng Hùng – cán bộ huấn luyện Đội Tham mưu huấn luyện, Phòng CSCĐ CA tỉnh Nghệ An chia sẻ về những kỷ niệm trong công việc.

Đại úy Trần Trọng Hùng – cán bộ huấn luyện Đội Tham mưu huấn luyện, Phòng CSCĐ CA tỉnh Nghệ An chia sẻ về những kỷ niệm trong công việc.

Quyết tâm trên thao trường

Đội Tham mưu huấn luyện, Phòng CSCĐ CA tỉnh Nghệ An có 27 cán bộ trực tiếp thực hiện công tác huấn luyện. Để nâng cao nền tảng thể lực của CBCS trong đơn vị, đồng thời trau dồi các nội dung về điều lệnh, quân sự, võ thuật và kỹ thuật chiến, Phòng đã tổ chức cho các đội công tác, Đại đội CSCĐ huấn luyện vào thứ sáu hàng tuần để hàng tháng sẽ bình xét và phân loại thi đua. Về huấn luyện quân sự võ thuật phải rèn luyện cho CBCS sức chịu đựng, nắm bắt tất cả các kỹ thuật, chiến thuật, để đối phó với tất cả các loại đối tượng tội phạm khi làm nhiệm vụ. Còn điều lệnh là huấn luyện CBCS phải chấp hành các yêu cầu trong ăn mặc, tư thế, tác phong khi tiếp xúc với quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, đơn vị còn tham mưu, chủ trì tổ chức huấn luyện, diễn tập phương án đánh bắt khủng bố, giải cứu con tin trên nhà cao tầng; phương án đánh bắt khủng bố, giải cứu con tin trên phương tiện giao thông. Tổ chức diễn tập quy trình xử lý tập trung đông người trái phép gây phức tạp về ANTT. Cử các cán bộ hướng dẫn, huấn luyện diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện tại các huyện, thành thị để huấn luyện điều lệnh võ thuật, kỹ thuật. Diễn tập chống tụ tập đông người đối với biểu tình bạo loạn tại các UBND cấp huyện, tỉnh.

Đại úy Nguyễn Ngọc Nam – Phó Đội trưởng Đội Tham mưu huấn luyện, Phòng CSCĐ CA tỉnh Nghệ An cho biết: “Nhiệm vụ của các cán bộ huấn luyện trong diễn tập phòng chống tụ tập đông người là xây dựng tất cả các phương án, tình huống ở 3 cấp độ. Trong đó, cấp độ 1 là tình huống biểu tình ôn hòa như người dân chỉ kéo đến tụ tập đông người ở trụ sở cơ quan nhà nước. Cấp độ 2, tình huống người dân kéo đến đông hơn. Cấp độ 3, tình huống đốt, phá hoại, hủy hoại các tài sản nhà nước. Chính vì vậy, nhiệm vụ lực lượng CA là phải xây dựng các tình huống chống trả, đánh bắt một số đối tượng quá khích”.

Từng có 10 năm tham gia công tác huấn luyện tại Đội Tham mưu huấn luyện, Phòng CSCĐ CA tỉnh Nghệ An, Đại úy Trần Ngọc Hùng không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần từng “nếm mật nằm gai”, “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đổ máu” cùng các học viên của mình. “Trên thao trường mùa hè thì nắng nóng, mùa đông thì rét mướt nhưng nhiệm vụ đặt ra trong công tác huấn luyện cho các CBCS là mùa hè luyện võ còn mùa đông luyện bơi lội để làm quen, thích nghi và chịu đựng được mọi loại hình thời tiết khắc nghiệt nhất. Bởi thường những vụ việc phức tạp về ANTT xảy ra trên địa bàn thì Đội Tham mưu huấn luyện luôn là đội quân xung kích, dẫn đầu. Ngoài ra, trong những chuyến đi thực tế thì việc ăn lương khô, mì tôm là chuyện bình thường. Khó khăn, vất vả trong huấn luyện là vậy nhưng may mắn anh em luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Phòng, lãnh đạo CA tỉnh nên luôn luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao” - Đại úy Hùng chia sẻ.

Mặc dù luôn là đơn vị đi đầu, tiên phong trong công tác huấn luyện, đồng thời còn tham mưu, hỗ trợ các đơn vị khác nhưng Phòng CSCĐ CA tỉnh Nghệ An cũng có những khó khăn nhất định về môi trường huấn luyện như thao trường, bãi tập chuyên dùng chưa có, chủ yếu vận dụng tại các nhà cao tầng của đơn vị. Kinh phí hỗ trợ, bồi dưỡng cho đội ngũ huấn luyện cũng có nhiều hạn chế. Trong khi quân số đơn vị không ổn định do thường xuyên phải tăng cường cho các đơn vị khác và thường xuyên phải thực hiện các nhiệm vụ đột xuất.

CBCS Đội Tham mưu huấn luyện Phòng CSCĐ CA tỉnh Nghệ An diễn tập tình huống đẩy sào đánh bắt khủng bố trên tòa nhà cao tầng.

CBCS Đội Tham mưu huấn luyện Phòng CSCĐ CA tỉnh Nghệ An diễn tập tình huống đẩy sào đánh bắt khủng bố trên tòa nhà cao tầng.

Hạnh phúc khi được gọi là thầy

Những người chỉ huy, người thầy thực hiện công tác huấn luyện trên thao trường là những người cầm tay, chỉ việc cho các học viên thực hiện các động tác võ thuật nhuần nhuyễn, thuần thục các kỹ năng quân sự, điều lệnh, kỹ chiến thuật. Trong các buổi diễn tập, họ đã cùng những học trò “nếm mật nằm gai” trên thao trường, dù nắng, dù mưa nhưng mọi nhiệm vụ đều được hoàn thành. “Mùa hè, có những hôm thời tiết nóng 40-41 độ thì buổi sáng anh em sẽ tập luyện từ 5 giờ đến 8 giờ 30, còn buổi chiều bắt đầu từ 16 giờ mới có thể bắt đầu tập được. Đặc biệt là những hôm diễn tập nhiệm vụ trên nhà cao tầng trong thời tiết mưa rét, sân và tường trơn trượt đã tạo ra không ít khó khăn cho CBCS” – Đại úy Nguyễn Ngọc Nam nói.

Chia sẻ về những kỷ niệm trong công việc, Đại úy Trần Trọng Hùng - cán bộ huấn luyện Đội Tham mưu huấn luyện, Phòng CSCĐ CA tỉnh Nghệ An bộc bạch: “Trực tiếp hướng dẫn các học viên tập luyện nhưng cảm giác hạnh phúc nhất vẫn là những lần đi đến các đơn vị địa phương được các học viên gọi là thầy. Mặc dù, có nhiều người tuổi nhiều hơn mình, cấp bậc cao hơn mình nhưng khi họ “chào thầy” thì lòng thấy vui và phấn khởi lắm. Ngày 20-11 thì “học trò” không tặng hoa như ở các nhà trường nhưng vẫn được anh em gọi điện chúc mừng, rồi rủ nhau đi uống cốc bia, hàn huyên tâm sự. Hoặc thỉnh thoảng gia đình có việc gì cũng được mọi người đến chia sẻ, giúp đỡ. Những tình cảm đó thật đáng quý, đáng trân trọng”.

Không chỉ là những người thầy trên thao trường, các cán bộ tham gia huấn luyện còn là những “người thầy” trong cuộc sống. Đối với các chiến sĩ tân binh mới về đơn vị thì việc uốn nắn tư tưởng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất chính trị vững vàng luôn được đơn vị chú trọng, đề cao. “Nhiều tân binh trước đây đang ở nhà được bố mẹ nuông chiều, khi bước vào môi trường công an sẽ không khỏi bỡ ngỡ, ngại khó, ngại khổ, tư tưởng non nớt, lệch lạc. Chính vì vậy, cần sự quan tâm, hướng dẫn sát sao của cán bộ huấn luyện. Ngày cùng nhau luyện tập trên thao trường, đêm cùng ăn, ngủ trong đơn vị nên tôi cũng động viên các em rằng khi đã bước vào môi trường này thì bản thân phải tự giúp mình, cố gắng rèn luyện, học hành tốt, đơn vị sẽ tạo mọi điều kiện, giúp đỡ các em về mọi mặt” – Đại úy Hùng cho biết thêm.

DƯƠNG HÓA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_216202_nguoi-thay-khong-cam-phan.aspx