Người thầy mang quân hàm gieo hy vọng cho trẻ em nghèo vùng biên
Chúng tôi băng qua hơn 100km từ Thành phố Hồ Chí Minh đến xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An-một vùng biên giới đầy thử thách nhưng cũng đong đầy tình người. Tại đây, có lớp học tình thương do các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình tổ chức, nơi mà những học sinh phần lớn là con em của các gia đình nghèo di cư tự do từ Campuchia trở về.
Nỗ lực duy trì và phát triển lớp học
Từ năm 2010, nhiều gia đình từ Campuchia đã tìm đến Tuyên Bình để sinh sống. Họ thường không có giấy tờ tùy thân, không có nhà cửa và phải mưu sinh bằng các công việc bấp bênh như làm thuê, bán vé số. Con em họ ít có cơ hội được đến trường như các bạn bè cùng trang lứa.
Thượng tá Vũ Mạnh Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuyên Bình, chia sẻ: Để ổn định cuộc sống cho các hộ dân và giúp các cháu được học hành, biết đọc, biết viết, Đồn Biên phòng Tuyên Bình, Bộ đội biên phòng tỉnh Long An đã phối hợp với chính quyền địa phương và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Hưng mở các “lớp học tình thương” phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giúp các cháu.
Và từ đây, lớp học tình thương do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình đảm nhận vai trò thầy giáo “quân hàm xanh” bắt đầu hành trình “gieo con chữ” cho các cháu học sinh di cư từ Campuchia về Việt Nam trên vùng biên giới còn nhiều khó khăn.
"Chúng tôi nhận thấy cần thiết phải giúp đỡ các em, mở lớp học xóa mù chữ là cách để mang lại cơ hội học hành và một tương lai tốt đẹp hơn cho các em nhỏ."Thượng tá Hà chia sẻ
Từ năm 2012, Đồn Biên phòng Tuyên Bình đã tổ chức 29 lớp học với tổng cộng 285 lượt học sinh.
Đến năm học 2024-2025, lớp học đặc biệt này đã có 33 em đang theo học. Học sinh được chia thành hai phòng học: một phòng dành cho các em lớp 1 và một phòng khác dành cho các em từ lớp 2 đến lớp 5. Người đứng lớp chính là Đại úy Nguyễn Đình Thông, Đội trưởng Đội vận động quần chúng.
Thời gian học bắt đầu từ 18 giờ đến 20 giờ mỗi ngày. Từ lớp học tình thương này đã có hàng trăm lượt học sinh di cư từ Campuchia về Việt Nam biết đọc, biết viết.
“Thầy giáo” Thông chia sẻ: "Nhiều em phải theo cha mẹ đi làm việc như hái lục bình, bán vé số, hoặc làm thuê trên sông nước, chỉ đến tối mới có thời gian đến lớp.
Dù mệt mỏi, các em vẫn cố gắng tham gia học tập, và chúng tôi luôn sẵn lòng dạy dù nhiều hôm lớp chỉ có vài em có mặt."
Nhờ sự cố gắng tuyên truyền của các chiến sĩ và chính quyền địa phương, phụ huynh dần nhận thức được giá trị của việc học tập, họ đã hiểu rằng đi học, biết chữ, biết đọc và biết tính các con số sẽ giúp các em tránh được những thiệt thòi trong cuộc sống.
Những câu chuyện đầy cảm xúc
Giữa bầu trời đen tĩnh mịch của vùng biên cương, ánh sáng từ lớp học không còn chỉ là ánh sáng từ những chiếc bóng đèn le lói giữa màn đêm nơi biên giới mà còn như là nơi thắp sáng niềm tin, hy vọng cho các gia đình nghèo, khó khăn nơi đây.
Gây chú ý với chúng tôi trong phòng học dành cho các học sinh học lớp 1, một bé gái dong dỏng cao, trông em có vẻ chững chạc hơn các bạn cùng trong lớp.
Đó là em Nguyễn Thị Huyền, 14 tuổi nhưng chỉ mới học lớp 1. Em kể: "Gia đình em rất khó khăn, em phải bán vé số để phụ giúp gia đình.
Sáng em đi bán vé số, tối thì lên lớp thầy Thông dạy chữ. Đi cả ngày nên em cũng hơi mệt, nhiều khi không muốn đi học nữa.
Tuy nhiên, em vẫn cố gắng đến lớp học đều đặn. Nhờ được học chữ và được dạy cách làm toán. Khi đi bán vé số em không bị lừa tính tiền sai và còn có thêm các bạn bè để sẻ chia, trò chuyện.
Em biết ơn các thầy bộ đội rất nhiều." Em Huyền vui vẻ chia sẻ.
Câu chuyện của em Võ Thị My, một học sinh khác, cũng không kém phần xúc động.
Gia đình em là một trong số nhiều hộ dân từ Biển Hồ, Campuchia, di cư đến xã Tuyên Bình.
Không giấy tờ, không nhà cửa, gia đình em phải sống dựa vào việc thả lưới đánh cá và làm thuê. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình em được bố trí nơi ở tạm bợ.
Cuộc sống dù khó khăn nhưng My luôn nỗ lực học tập. Nhờ sự kiên trì ấy, em đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ như giúp đội thi đạt giải cao trong cuộc thi “Dân vận khéo” năm 2023 và 2024 do Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Long An và Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng tổ chức, em My đều tham gia và giúp đội thi đạt giải Nhất cấp Bộ Chỉ huy và giải ba cấp Bộ Tư lệnh.
Cũng tại khu dân cư này, chị Ngô Thị Ánh chia sẻ về hai con của mình, em Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Sáng, hiện đang theo học tại lớp tình thương: "Chúng tôi mưu sinh bằng việc cắt lục bình và bán vé số dọc các con kênh, sông rạch để nuôi con.
Việc các cháu được học chữ là niềm hy vọng lớn nhất của chúng tôi. Nhờ sự vận động của các chú bộ đội, tôi hiểu rằng biết chữ rất quan trọng để sau này các cháu không bị thiệt thòi khi ra đời."
Để nâng cao chất lượng dạy học, thầy Thông và các cán bộ Đồn Biên phòng Tuyên Bình thường xuyên phối hợp với trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tuyên Bình.
Họ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sư phạm và tìm tòi phương pháp mới để bài giảng dễ hiểu, tạo sự hứng thú học tập cho học sinh.
Ngoài ra, các chiến sĩ còn dạy các em những kỹ năng sống cần thiết như biết yêu thương, chia sẻ và vươn lên trong cuộc sống; các em sẽ là những người có ích cho xã hội, là những cánh tay đắc lực của “Biên phòng” nơi biên giới của Tổ quốc trong tương lai.
Thượng tá Vũ Mạnh Hà cũng cho biết: “Để khích lệ các em đến trường, hằng năm, Đồn Biên phòng Tuyên Bình phối hợp với chính quyền và các nhà hảo tâm để trao tặng quà và đồ dùng học tập.
Những phần quà này giúp các em vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết mang đến niềm vui và động lực để các em tiếp tục cố gắng học tập.”
Gieo hy vọng cho tương lai
Những lớp học tình thương tại vùng biên giới không chỉ dừng lại ở việc dạy chữ mà còn là hành trình gieo hy vọng và ươm mầm cho những ước mơ vươn lên của các em nhỏ.
Các chiến sĩ mang quân hàm xanh, với tình yêu và sự hy sinh thầm lặng, đã trở thành những người thầy đặc biệt nơi biên viễn, góp phần thắp sáng tương lai cho thế hệ trẻ.
Lớp học tình thương không chỉ đơn thuần là nơi để các em học chữ, mà còn là không gian để các em học cách đối mặt với khó khăn, xây dựng sự tự tin và lòng kiên trì.
Nhiều em đã biến những bài học từ lớp học thành động lực để mơ ước một cuộc sống tốt đẹp hơn, mở ra cánh cửa cho những cơ hội mới trong tương lai.
Tình yêu thương và sự hy sinh của những người thầy mang quân hàm xanh là ngọn đuốc sáng dẫn đường, giúp các em vượt qua bóng tối của sự thiếu thốn và bước tới tương lai đầy hứa hẹn.