Người thay Nguyễn Thái Luyện bồi thường 2.400 tỷ đồng xin rút lại đề nghị
Ông Lê Viết An (người làm ăn chung với bị cáo Nguyễn Thái Luyện) đã rút lại đề nghị trả thay 2.400 tỷ đồng vì nhận thấy số tiền phải bỏ ra lớn, song rủi ro cao.
Sáng ngày 11/5, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa phúc thẩm để xem xét kháng cáo của Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi) và đồng phạm trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba.
Trong phiên xét xử lần này, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện, đang được tại ngoại) đã có mặt sau thời gian điều trị tại bệnh viện. Là bị cáo được xét hỏi sau cùng, bị cáo Mai thừa nhận hành vì phạm tội của mình đối với cả hai tội lừa đảo và rửa tiền giống như bản án sơ thẩm. Điều này đồng nghĩa việc bị cáo này thay đổi yêu cầu kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên xét xử, chủ tọa thông báo, trước ngày diễn ra phiên phúc thẩm, một người tên Lê Viết An - bạn làm ăn chung với Luyện có đơn đề nghị thay vợ chồng Nguyễn Thái Luyện bồi thường thiệt hại cho các bị hại (hơn 2.400 tỷ đồng) và nộp thay cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (12 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả trong tội rửa tiền.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng nay, theo lời khai của bị cáo Mai, sau khi được chủ tọa giải thích về hệ quả pháp lý trong việc bồi thường thay nên ông An cảm thấy bỏ ra số tiền lớn mà và rủi ro cao nên ông An đã rút yêu cầu được khắc phục hậu quả thay.
Trước lời khai trên của bị cáo Mai, chủ tọa phiên tòa cho biết, HĐXX không thể ghi nhận sự việc này vào trong bản án vì ông An không phải là bị hại trong vụ án. Thứ hai, giao dịch thỏa thuận giữa ông An và vợ chồng bị cáo Mai là một phạm trù khác, là thỏa thuận giữa hai bên và không liên quan đến vụ án này.
Trước đó, trong phiên xét xử ngày 9/5, chủ tọa phiên tòa đã công bố thông tin ông Lê Viết An (một người bạn làm ăn chung với bị cáo Luyện) đồng ý thay vợ chồng Luyện bồi thường 2.400 tỉ đồng cho các bị hại.
Đồng thời, ông An cũng nộp thay cho bị cáo Mai (vợ Luyện) 12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả trong tội rửa tiền. Bị cáo Luyện cũng đã có văn bản đồng ý với các nội dung trên.
Đổi lại, ông An đề nghị giải tỏa kê biên các bất động sản do Luyện đứng tên để giao lại cho ông (bị cáo Luyện đã đồng ý giao đất cho người bạn này).
Về vấn đề này, chủ tọa cho biết, nếu gia đình, bạn bè các bị cáo bồi thường thiệt hại thay cho các bị cáo thì HĐXX ghi nhận. Tuy nhiên, tòa không có quyền công nhận thỏa thuận này vì đây là thỏa thuận dân sự nằm ngoài phạm vi xét xử, đồng thời HĐXX cũng không thể hủy quyết định kê biên.
Theo cáo trạng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba (quy mô hơn 2.600 nhân viên), giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện làm đại diện theo pháp luật, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Công ty Địa ốc Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra những thông tin không có thật, như loan tin đây là dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện sử dụng các thủ đoạn như: Cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định tất cả dự án do Công ty Địa ốc Alibaba tự vẽ ra đều không có thật và không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở như thông tin quảng cáo.
Luyện giao cho vợ, em ruột phối hợp cùng kế toán là Huỳnh Thị Kim Thắng sử dụng một phần tiền để vận hành hệ thống trả lương nhân viên, mặt bằng, mua các khu đất vẽ dự án ma, còn phần lớn tiền chuyển lòng vòng, che giấu nguồn gốc thực sự.