Người thầy nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn
Là giáo viên dạy môn Ngữ văn - môn học vốn được coi là 'kén người học', thầy giáo Phan Sỹ Quý (Trường THPT Yên Khánh A, huyện Yên Khánh) luôn trăn trở làm sao để truyền tải kiến thức cũng như nguồn cảm hứng học Văn đến học sinh hiệu quả nhất, khiến các bài học trở nên thực tế hơn, hữu ích hơn trong đời sống. Từ đó, thầy đã có sáng kiến lồng ghép việc giảng dạy môn Văn với trải nghiệm sáng tạo, gắn với lịch sử, văn hóa địa phương.
Năm học 2020-2021, thầy Phan Sỹ Quý có sáng kiến kinh nghiệm được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận Sáng kiến cấp tỉnh mang tên "Một số giải pháp mới trong dạy - học Ngữ văn bằng hình thức trải nghiệm sáng tạo, gắn với lịch sử, văn hóa địa phương".
Sáng kiến là kết quả của quá trình thầy Quý đã nghiên cứu và thực hiện trong nhiều năm liền nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy của ngành Giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Theo đó, việc dạy học không chỉ là truyền thụ tri thức một chiều mà phải chú trọng đến phát huy năng lực, phẩm chất của người học. Theo thầy, để hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của chương trình giáo dục mới cho học sinh qua các tiết học lý thuyết đơn thuần trên lớp là một việc làm rất khó khăn, nhưng nếu lồng ghép các hoạt động trải nghiệm thực tế, tạo điều kiện cho các em hoạt động và sáng tạo thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn nhiều.
Thay vì chọn đi tới các địa phương xa xôi, tốn kém, thầy Quý đã chọn các hoạt động trải nghiệm lịch sử, văn hóa tại chính địa bàn huyện Yên Khánh - nơi học trò sinh ra và lớn lên. Điều này giúp các em cảm nhận sự gần gũi, hiểu sâu về phong tục, truyền thống văn hóa, từ đó bồi đắp tình yêu, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của quê hương.
Sáng kiến "Một số giải pháp mới trong dạy - học Ngữ văn bằng hình thức trải nghiệm sáng tạo, gắn với lịch sử, văn hóa địa phương" được áp dụng ở cả 3 khối lớp 10, 11, 12. Thầy Quý đã khéo léo lồng ghép các hoạt động trải nghiệm thực tế vào các bài học lí thuyết để hình thành các chủ đề dạy học như: "Tập làm hướng dẫn viên du lịch" (dựa theo các bài học về Văn thuyết minh ở chương trình Ngữ văn lớp 10) và "Em tập làm phóng viên" (dựa theo các bài học về Phong cách ngôn ngữ báo chí ở chương trình Ngữ văn 11).
Ở mỗi chủ đề, học sinh được khám phá về lịch sử, văn hóa của các địa phương thuộc 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Khánh như: làng nghề làm bánh Phong An tại xã Khánh Thiện, Lễ hội múa trống của xã Khánh Tiên, Câu lạc bộ hát chèo ở xã Khánh Cường; tìm hiểu về quá trình về đích nông thôn mới của xã Khánh Thành - một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới của tỉnh hay lễ hội rước kiệu truyền thống ở xã Khánh Hồng,…
Sau khi trải nghiệm thực tế và hoàn thiện sản phẩm học tập, các nhóm tiến hành báo cáo sản phẩm trước tập thể lớp và giáo viên. Sản phẩm có thể là một bài thuyết trình (có PowerPoint trình chiếu), có thể là một video hoàn chỉnh (một phóng sự, một bản tin, một video phỏng vấn…).
Đánh giá về thành công của sáng kiến, thầy Quý cho rằng, đây là sáng kiến trải nghiệm "không đồng", nghĩa là hoàn toàn không tốn kinh phí. Vì các em không phải di chuyển xa, học sinh sống trên địa bàn nào làm đề tài về địa bàn đó, phương tiện kỹ thuật chỉ cần điện thoại thông minh và 1 chiếc máy tính là đủ. Sau dự án, các em thấy thêm yêu, thêm quý trọng những di sản văn hóa, lịch sử của quê hương mình hơn. Cũng từ dự án này, học sinh thấy rằng: học Văn mang đến cho mình thật nhiều lợi ích. Các em được tập làm phóng viên, tập làm hướng dẫn viên du lịch, được thực hành kỹ năng soạn tin, viết phóng sự, phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, kỹ năng thuyết trình… Nghĩa là, học sinh được phát triển toàn diện các năng lực của bản thân.
Em Hoàng Nhật, lớp 11M, Trường THPT Yên Khánh A - một trong những thành viên nhóm thực hiện Phóng sự về làng nghề làm bánh tại xã Khánh Thiện không giấu được niềm vui, cho biết: "Buổi trải nghiệm rất vui và thú vị khi em đuợ̛c biết về quy trình làm bánh từ lúc bắt đầu tới khi ra thành phẩm. Em cũng hiểu hơn về sự vất vả của việc làm bánh và rất khâm phục các bác khi cố gắng duy trì nghề làm bánh tới tận bây giờ. Từ trải nghiệm thực tế này, em có thêm nguồn cảm hứng học Văn cũng như hiểu biết về văn hóa địa phuơ̛ng. Em hy vọng sẽ có nhiều cơ hội để trải nghiệm thêm các loại hình truyền thống khác tại chính quê hương mình".
Tại Trường THPT Yên Khánh A, sáng kiến của thầy Quý được phổ biến rộng rãi cho giáo viên nhóm Ngữ văn cùng áp dụng ở tất cả các lớp và cũng được nhiều thầy cô giáo tại nhiều đơn vị trường học trong và ngoài tỉnh áp dụng vào quá trình giảng dạy và đều có phản hồi tốt.
Không ngừng cố gắng, đổi mới vì sự nghiệp giáo dục, thầy Phan Sỹ Quý đã gặt hái rất nhiều thành tích xuất sắc. Nhiều năm liền thầy được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng Bằng khen của UBND tỉnh về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, có sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Ngoài ra, thầy có kinh nghiệm hơn 10 năm dạy đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi nhất, nhì, có học sinh tham dự đội tuyển HSG Quốc gia và đạt giải khuyến khích. Năm học 2021-2022, đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ Văn do thầy phụ trách giành được 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba.
Trong thời gian tới, thực hiện đúng tinh thần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động của người học, thầy Quý cùng các thầy cô giáo nhóm Ngữ văn Trường THPT Yên Khánh A sẽ không ngừng tự học và sáng tạo, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực để khơi gợi cảm hứng học Văn cho học sinh như dạy học tác phẩm truyện bằng cách làm hồ sơ nhân vật, dạy học tác phẩm ký bằng cách hướng dẫn học sinh làm các video…