'Người thầy' tình báo Ba Quốc dạy học trò đọc sách
'Không có trường lớp nào dạy hay bằng sách vở, không bài học cuộc đời nào hay hơn sách vở' là lời nhắn của người tình báo Ba Quốc gửi gắm các thế hệ học trò của mình.
Tại buổi giao lưu với độc giả về tác phẩm Người thầy vào sáng ngày 19/4, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ rằng đây là một vinh dự lớn khi được góp phần tham gia vào việc lan tỏa văn hóa đọc. Thông qua cuốn sách Người thầy, viết về bậc thầy tình báo Đặng Trần Đức (bí danh Ba Quốc), tác giả mong muốn giúp mọi người hiểu hơn về hành trình gian khó của một người cách mạng. Đặc biệt là những bài học ông Ba Quốc để lại cho các thế hệ sau này.
Buổi giao lưu về sách Người thầy là một trong những hoạt động nổi bật hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Bài học từ người thầy tình báo
Chia sẻ về những kỷ niệm với người thầy của mình, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: "Ông Ba Quốc từng dặn dò học trò của mình rằng 'Không có trường lớp nào dạy hay bằng sách vở, không bài học cuộc đời nào hay hơn sách vở'. Khi ở độ tuổi 80, ông vẫn còn đọc. Vì vậy phải cố để đọc sách, đặc biệt là khi còn trẻ".
Đây là một trong những bài học lớn mà cho đến nay thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn khắc cốt ghi tâm. Ông Ba Quốc luôn tặng sách cho học trò của mình và kèm với lời nhắn nhủ về việc nỗ lực đọc để học tập và phát triển bản thân. Đối với bậc thầy tình báo, sách là một thế giới tri thức luôn đòi hỏi sự tìm tòi, khám phá của mọi người.
Cũng tại buổi giao lưu, thượng tá Phùng Văn Khai (Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội) chia sẻ rằng trong chuyến đi mới nhất của mình ra Trường Sa, ông đã mang theo cuốn sách Người thầy. Mọi người trên tàu, trên đảo chuyền tay nhau đọc cuốn sách. Ai nấy đều sôi nổi bàn luận về những điều thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết.
"Những đêm trên tàu, chúng tôi vẫn nói về cuốn sách Người thầy. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ về Người thầy là một từ 'đầy'. Đầy cam go, đầy khó khăn, đầy ngã rẽ, bước ngoặt và đầy vinh quang".
Qua cuốn sách Người thầy, ông Phùng Văn Khai nhận thấy có 6 bài học chính. Đầu tiên là tình yêu Tổ quốc và phụng sự nhân dân. Tình yêu này được thể hiện cụ thể qua cuộc đời của một người chứ không phải bất kỳ khẩu hiệu đao to búa lớn nào.
Thứ hai, sự trưởng thành của bất kỳ ai luôn có hình bóng của người thầy. Thứ ba, trong cuộc chiến đấu cam go như vậy, sự nhận diện chiến lược để tham mưu giúp cấp cao nhất chỉ có những con người cụ thể. Đó chính là những nhà tình báo như thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, thiếu tướng Đặng Trần Đức.
Thứ tư không thể không kể đến sự hy sinh vô hạn của nhân dân cho người thầy. Thứ năm, tính linh hoạt trong chiến lược. Sau khi đổi mới, đất nước nghèo khó, những người tình báo đã thay đổi, thích nghi đưa ra tham mưu xuất sắc. Cuối cùng là sự hy sinh của thế hệ đi trước để có được hòa bình ngày hôm nay.
Hai người phụ nữ đặc biệt
Cũng tại buổi giao lưu, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ rằng trong hai tháng ra mắt vừa qua, ông nhận được những câu hỏi về việc tại sao nhân vật bà Thanh và bà Xuân chưa được khai thác nhiều hơn.
Đây cũng là ý tưởng ban đầu của tác giả tuy nhiên vì tư liệu không đủ nên thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh quyết định chuyển hướng. Dù chỉ xuất hiện trong các đoạn ngắn, hai nhân vật này vẫn gây được ấn tượng lớn với độc giả.
Trước khi để ông Ba Quốc rời đi vào trong Nam lấy một người vợ khác để phục vụ công việc tình báo, bà Thanh đã đưa ra điều kiện rằng khi nào đất nước giải phóng hãy đem ông ấy trở về. Trong suốt những năm tháng đó, bà Thanh cùng các con có một cuộc sống cơ cực. Những gì ông Ba được biết lại chỉ là: "Bà Thanh đang làm thư ký tại nhà máy dệt, chị Giang đang đi học về công đoàn, anh Thành học ở Ba Lan", tác giả cho biết.
Khi đất nước giải phóng, hai người chỉ được gặp nhau trong thoáng chốc. Ông Ba lại tiếp tục vào miền Nam công tác.
Còn bà Xuân, người vợ của của ông Ba khi được thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh hỏi: "24 năm bên nhau, cô có biết ông là người cộng sản không"; bà Xuân điềm nhiên trả lời: "Chồng tôi sao tôi không biết. Đêm nào ông cũng chui xuống hầm cầu thang chụp tài liệu. Ông ấy còn dành tiền nuôi tổ chức của ông ấy". Trong nhà, bà Xuân luôn để sẵn hũ gạo và chút tiền dự phòng nhỡ có một ngày nào đó bị địch bắt đi, con nhỏ bơ vơ còn có cái ăn.
"Tôi khâm phục những người phụ nữ đó. Tôi ước rằng có những nhà văn viết về cuộc đời của họ", thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-thay-tinh-bao-ba-quoc-day-hoc-tro-doc-sach-post1423383.html