Người thầy yêu nước được phong thần
Trân trọng tấm lòng yêu nước, vì giáo dục, vì nhân dân của ông, hương chức và người dân địa phương đã đệ đơn ra triều đình Huế xin cấp sắc phong cho ông làm thần Thành hoàng.
Đình Mỹ Thới tại khóm Long Hưng I, phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, An Giang là một ngôi đình còn giữ được nhiều nét kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của đình làng Nam bộ. Đình đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2000. Đặc biệt hơn nữa, vị tôn thần được thờ tại đình lại là một vị quan cựu thần triều Nguyễn, một nhà Nho, nhà giáo giàu lòng yêu nước.
Nhà khoa bảng yêu nước, vị quan phụ trách giáo dục
Người thầy mà chúng tôi vừa nêu trên là Cử nhân Nguyễn Trọng Trì. Ông sinh ngày 11 tháng 9 năm Nhâm Thìn (1832), tức năm Minh Mạng thứ 14, tại thôn Định An, tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (nay là xã Định Yên, huyện Lấp Vò - Đồng Tháp). Thân phụ ông là cụ Nguyễn Văn Dư (1805 - 1853) và thân mẫu là bà Lê Thị Tài.
Sinh ra trong gia đình khá giả, Nguyễn Trọng Trì sớm được cha mẹ cho theo nghiệp sách đèn. Khoa thi Hương năm Nhâm Tý, năm Tự Đức thứ 5 (1852), tại trường thi Gia Định, Nguyễn Trọng Trì trúng hạng ở trường thi thứ nhất. Năm đó ông mới 21 tuổi.
Đến khoa thi Hương năm Ất Mão (1855), ông chính thức đỗ Cử nhân. Thông tin này được chép trong sách Quốc triều hương khoa lục, quyển 3, tờ 49b (Mộc bản của sách này liên quan đến ông hiện vẫn còn lưu trữ tại trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - Đà Lạt, hồ sơ H62/5).
Tháng 2 năm 1859 liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh thành Gia Định, vua Tự Đức cho điều động khẩn cấp quân binh chống giữ. Sau khi chiếm được thành Gia Định, giặc Pháp ngầm liên lạc, hỗ trợ vũ khí và sách động các sốc người Thổ ở Thất Sơn và Cao Miên liên tiếp nổi dậy đánh phá để dàn mỏng lực lượng phòng thủ của các tỉnh thành Nam kỳ, chuẩn bị cho âm mưu đánh chiếm tiếp theo của họ. Trong tình hình rối ren đó, Hộ đốc An Hà Nguyễn Công Nhàn đã ra lệnh trưng dụng quan binh và các lực lượng hương dõng, sĩ nhân tình nguyện hiệu dụng tham gia vào lực lượng quân đội hai tỉnh An Giang - Hà Tiên để đánh giặc. Mặc dù là cử nhân, đang chờ bổ dụng nhưng Nguyễn Trọng Trì vẫn làm đơn xin theo quân sai phái. Minh chứng cho việc này chính là tờ vi bằng do Tuần phủ An Giang Phan Khắc Thận cấp cho Cử nhân Nguyễn Trọng Trì:
“Tuần phủ An Giang (họ) Phan.
Cấp bằng về việc nay cả thủy lẫn bộ phải tùy nghi trước đến kinh Vĩnh Tế lần lượt chờ nghe Hộ đốc đại nhân của bổn tỉnh sẵn sàng sai phái cho kịp, chậm trễ sẽ có tội. Nên có bằng cấp nầy. Trọng lấy bằng cấp!
Tình nguyện theo tỉnh hiệu dụng Cử nhân Nguyễn Trọng Trì nhận lãnh.
Ngày mùng 1 tháng 9 năm Tự Đức thứ 13 (14/10/1860)”
Sau khi quân Pháp đã chiếm trọn 3 tỉnh miền Đông, tình hình 3 tỉnh miền Tây tạm thời yên ổn. Ngày 2 tháng 8 năm Tự Đức thứ 15 (1862), vua ban sắc bổ thụ cử nhân Nguyễn Trọng Trì là Điển bạ viện Hàn lâm, Lãnh Huấn đạo huyện Phong Phú, (tức lãnh chức Huấn đạo (chánh bát phẩm văn giai) nhưng mang hàm Điển bạ (tòng bát phẩm).
Ngày 3 tháng 11 năm Tự Đức thứ 16 (1863), vua ban sắc bổ thụ cử nhân Nguyễn Trọng Trì là Huấn đạo huyện Phong Phú.
Ngày 10 tháng 10 năm Tự Đức thứ 17 (8/11/1864), Huấn đạo Nguyễn Trọng Trì được quan Tuần phủ An Giang cấp bằng Huấn đạo sung lãnh Giáo thọ phủ Tân Thành.
Tháng 9 năm Tự Đức thứ 19 (1866), viên tri phủ Tịnh Biên bị bệnh nặng cần người thay thế, quan Tổng đốc An Giang đã cấp bằng bổ nhiệm Giáo thọ phủ Tân Thành Nguyễn Trọng Trì tạm Nhiếp biện ấn vụ (tạm giữ ấn Tri phủ và giải quyết các công việc của tri phủ).
Chống Pháp không thành, mở trường dạy học, được nhân dân tôn thờ
Nhiều tài liệu cho biết, sau khi Pháp chiếm trọn Nam kỳ, ông đã tập họp nghĩa dõng tham gia vào lực lượng nghĩa binh Nguyễn Trung Trực. Sau đó, cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực bị Pháp dập tắt, Nguyễn Trung Trực bị Pháp bắt và hành hình ngày 27/10/1868 tại Rạch Giá. Nguyễn Trọng Trì thu thập tàn quân, họp cùng binh Gia Nghị của Quản cơ Trần Văn Thành ở căn cứ Bãi Thưa tiếp tục chống Tây. Ngày 19/3/1873, Pháp đem toàn bộ lực lượng ở vùng An Giang kết hợp cùng quân từ Vĩnh Long và Cần Thơ để mở cuộc tấn công với quy mô lớn nhằm đàn áp nghĩa binh. Kết quả căn cứ thất thủ, Quản Cơ Thành mất tích, Nguyễn Trọng Trì vượt vòng vây của Pháp băng qua rừng rút về thôn Định An, huyện Đông Xuyên (nay thuộc Lấp Vò, Đồng Tháp) quy ẩn một thời gian để tránh sự truy lùng của giặc.
Sau đó thấy mình tuổi đã cao, không thể tiếp tục tham gia kháng chiến, ông mở trường dạy chữ Nho. Ông thâu nhận hơn 20 học trò là con em trong thôn và những thôn lân cận dạy đạo thánh hiền, truyền bá lòng yêu nước cho học trò.
Ông Nguyễn Trọng Trì mất ngày 11 tháng 12 năm Bính Tuất (1899), mộ chôn tại đất nhà ở làng Định Yên. Với nhiều công lao đóng góp cho việc giáo dục và tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm, ông được làng Mỹ Thới (nay thuộc thành phố Long Xuyên) tôn ông làm thành hoàng bổn cảnh, phụng tự khói hương không dứt. Năm Nhâm Ngọ (1942), hương chức làng Mỹ Thới đệ đơn ra triều đình Huế xin cấp sắc phong cho ông làm thần Thành hoàng. Hằng năm tại đình tổ chức cúng lớn vào ngày giỗ của ông, cử các hương chức đều tổ chức qua ngôi nhà thờ ông ở Định Yên để viếng.
Cử nhân Nguyễn Trọng Trì, dù chỉ giữ chức Giáo thọ, một chức quan tầm trung, coi việc học hành thi cử của một phủ, nhưng khi mất lại được nhân dân tôn làm thần, thờ tại đình, điều này chứng tỏ tấm lòng yêu nước, hết lòng vì giáo dục, vì nhân dân của ông đã được hậu thế trân trọng, tri ân.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-thay-yeu-nuoc-duoc-phong-than-post1013733.html