Người thợ xây nhặt được khối sắt nhỏ, về nhà bỗng buồn nôn: Mở đầu thảm họa phóng xạ chấn động TQ, tàn phá 150 cuộc đời!
Năm 1992, chỉ trong vòng một tháng, một khối sắt nhỏ kỳ lạ đã khiến 3 người Sơn Tây, Trung Quốc thiệt mạng, kèm theo đó là hàng trăm người chịu thương tật vĩnh viễn.
Các triệu chứng không rõ nguồn gốc
Vào ngày 19 tháng 11 năm 1992, trong khi đang làm việc tại công trường, anh thợ xây Trương Hữu Xương nhặt được một khối sắt nhỏ sáng bóng, anh không nghĩ nhiều mà cho vào túi. Buổi trưa hôm ấy, cơ thể của Trương Hữu Xương bắt đầu xuất hiện những phản ứng kỳ lạ như chóng mặt, buồn nôn rồi tiêu chảy.
Ban đầu anh chỉ nghĩ rằng mình ăn phải đồ ăn linh tinh gì đó, tuy nhiên đến chiều các triệu chứng không hề thuyên giảm mà còn tăng nặng khiến anh phải đến bệnh viện điều trị.
Tại bệnh viện quận Hãn Châu, sau khi xem xét các triệu chứng cũng như hỏi thăm hoạt động gần đây, các bác sĩ cũng không thể kết luận nguyên nhân gây ra tình trạng của người thợ xây. Họ đành kê thuốc chống viêm và khuyên anh về nhà nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, ngày 21 tháng 11, anh trai thứ hai của Hữu Xương là Hữu Song cũng gặp phải các triệu chứng tương tự. Má và tuyến mang tai của hai người cũng bắt đầu đổi sang màu tím.
Tình trạng kỳ lạ của hai anh em đã thu hút sự chú ý của bệnh viện địa phương, các bác sĩ lo lắng hai người đã mắc phải căn bệnh truyền nhiễm nào đó nên đã cách ly họ. Ngày 24 tháng 11, các triệu chứng Hữu Xương ngày càng trở nên trầm trọng: Anh bắt đầu bị rụng tóc, nửa phần bụng bên phải và phần chân đùi cũng chuyển sang màu tím sẫm. Cha của hai anh em vô cùng lo lắng nhưng vì bệnh viện cũng không có cách chữa trị nên đành đưa cả hai trở về nhà.
Từng người ngã xuống
Sau khi trở về nhà, tình trạng của Trương Hữu Xương ngày càng trở nên tồi tệ. Anh bắt đầu rơi vào hôn mê nhẹ rồi cuối cùng qua đời sau 14 ngày đau đớn và dày vò. Hai ngày sau đó, ngày 5 tháng 12, Trương Hữu Song cũng ra đi như em trai mình.
Ngày 7 tháng 12, cha của hai anh em phát hiện triệu chứng quen thuộc, ông cũng không thể tránh khỏi số mệnh như hai người con tội nghiệp của mình.
Vào ngày 16 tháng 12, vợ của Hữu Xương- người đầu tiên mắc bệnh- bắt đầu bị rụng tóc. Lúc này, Trương Phương đã mang thai được 5 tháng, cơ thể rất yếu ớt. Cô quyết tâm lên Bắc Kinh chữa bệnh và tìm ra nguyên nhân cái chết của cả gia đình. Tại Bắc Kinh, Trương Phương được cha ruột mình đưa tới Bệnh viện Nhân dân Bắc Kinh khoa Huyết học điều trị.
Bác sĩ tại đây đã lấy máu của Trương Phương để kiểm tra và phát hiện số lượng bạch cầu trong mẫu máu của cô không bằng 1/10 so với mức bình thường. Mẫu xét nghiệm của Trương Phương ngay lập tức được gửi đến Học viện Khoa học Quân sự Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa để nghiên cứu.
Nguyên nhân do đâu?
Trong quá trình hội chẩn, Bác sĩ Mao Bỉnh Trí - Trưởng khoa Phóng xạ đã đề xuất để Trương Phương kiểm tra nhiễm sắc thể. Sau khi kiểm tra, các chuyên gia phát hiện ra rằng 44,7% tế bào của cô đã bị dị tật nghiêm trọng, trong khi tỷ lệ này ở người bình thường chỉ ở mức 0,03%.
Một loạt phản ứng kỳ lạ xảy ra trong cơ thể của Trương Phương cho thấy cô đã bị phơi nhiễm bức xạ ion. Vậy là nguyên nhân cái chết của ba cha con nhà họ Trương đã tìm được lời giải thích- họ đều chết vì bị nhiễm phóng xạ cấp tính.
Chân tướng đã phơi bày
Sau nỗ lực quyết liệt của các cơ quan chức năng, thủ phạm cuối cùng cũng được tìm ra: Đó là viên sắt hình trụ mà Trương Hữu Xương nhặt được trên công trường.
Thực tế đây là đồng vị Coban 60 (Co-60) - một đồng vị phóng xạ tổng hợp của coban với chu kỳ bán rã 5,2713 năm, được sản xuất nhân tạo trong các lò phản ứng hạt nhân. Trong điều kiện bình thường, nó tồn tại ở dạng rắn với các thuộc tính tương tự như sắt và niken.
Co-60 được ứng dụng rất nhiều trong công nghiệp hiện nay, điển hình là các thiết bị xạ trị trong bệnh viện hay khử trùng thực phẩm. Tuy nhiên, tất cả các bức xạ ion hóa, trong đó có Co-60, đều được biết đến như là một trong những tác nhân gây ung thư. Phơi nhiễm bên ngoài với nguồn Co-60 lớn có thể gây bỏng da, hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính thậm chí tử vong.
Năm 1973, Phòng Khoa học và Công nghệ thành phố Hãn Châu, tỉnh Sơn Tây tiến hành một dự án nhân giống bức xạ cây trồng bằng thiết bị nguồn phóng xạ Co-60 của Công ty thiết bị y tế Thượng Hải.
Thiết bị này được lắp đặt trong một giếng sâu hàng chục mét dưới lòng đất ở Phòng Khoa học và Công nghệ thành phố Hãn Châu để chiếu xạ hạt lúa mì. Năm 1980, Cục Khoa học và Công nghệ Hãn Châu chuyển đến Trạm quan trắc môi trường Hãn Châu, thiết bị nguồn phóng xạ cũng được di chuyển theo.
Tuy nhiên năm 1991, Trạm quan trắc môi trường Hãn Châu được xây dựng lại. Dẫn đến thiết bị chiếu xạ cũng được di dời. Sai lầm chết người xảy ra tại đây!
Trong khi có tổng cộng 6 nguyên tố coban được lặp đặt vào năm 1973, các nhân viên đã nhầm lẫn rằng chỉ có 5 nguyên tố. Một nguyên tố coban đã bị bỏ lại dưới lòng đất. Trùng hợp là, Trương Hữu Xương là người được Trạm quan trắc thuê để đào móng.
Sau khi vụ việc được sáng tỏ, tất cả những người có liên quan đến vụ việc đều phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng cũng như bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Tuy nhiên dù có bồi thường thế nào thì 3 sinh mệnh và 141 cuộc đời bị phá hủy cũng không thể lấy lại được.