'Người thổi còi' của Hồ sơ Uber khiến thế giới rúng động

Người đàn ông tiết lộ những tài liệu về 'Hồ sơ Uber' cho rằng công ty từng lợi dụng những tài xế Uber để gây áp lực, buộc chính phủ các quốc gia phải thỏa hiệp.

Là một nhà vận động hành lang lâu năm ở châu Âu, MacGann đã tiếp xúc với nhiều lãnh đạo chính phủ và giám đốc doanh nghiệp trong thời gian làm việc tại Uber giai đoạn 2014-2016, song cũng hứng chịu nhiều phản ứng dữ dội về các hoạt động của công ty.

MacGann, Giám đốc chính sách công của Uber ở khu vực châu Âu, châu Phi và Trung Đông, nói ông rời công ty vì cho rằng văn hóa làm việc tại Uber đã không cho ông đặt vấn đề hay thay đổi cách thức hoạt động, và ông lo sợ những phản ứng chống lại Uber có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của gia đình.

Ông MacGann sau đó đã tiết lộ 124.000 tài liệu của công ty cho tờ Guardian, và tờ báo này đã chia sẻ tài liệu với Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) - tổ chức theo dõi vụ việc này - cùng nhiều cơ quan báo chí khác.

“Hồ sơ Uber”, được tổng hợp trong giai đoạn 2013-2017, đã tiết lộ quá trình hãng gọi xe công nghệ này thâm nhập vào các thành phố trên thế giới, cũng như thường xuyên thách thức luật pháp và quy định của các quốc gia.

Trong buổi phỏng vấn với Guardian được công bố ngày 11/7, MacGann nói ông cũng chịu một phần trách nhiệm cho công ty cũ, bao gồm cách Uber đưa cho chính phủ và công chúng một tầm nhìn tươi sáng về tính linh hoạt và tự do kinh tế cho những tài xế thu nhập thấp.

Tranh chấp pháp lý

Jill Hazelbaker, người phát ngôn của Uber, thừa nhận công ty đã có sai lầm trong quá khứ, nhưng đã thay đổi để biến Uber thành "một trong những công ty nổi tiếng nhất lịch sử nước Mỹ".

“Chúng tôi chưa và sẽ không bào chữa cho những hành vi trong quá khứ, điều rõ ràng không phù hợp với giá trị hiện tại của chúng tôi”, bà nói. “Thay vào đó, chúng tôi để công chúng đánh giá dựa trên những gì chúng tôi đã làm trong 5 năm qua, và trong thời gian tới”.

Trong khi đó, một người phát ngôn khác của công ty là Noah Edwardsen nói rằng MacGann “không có tư cách để nói về uy tín của Uber ngày nay”.

“Mark chỉ ca ngợi Uber khi ông ấy rời công ty 6 năm trước”, Edwardsen nói, dẫn lại email nghỉ việc của MacGann - nói rằng ông ấy nhận mình là “một người tin tưởng mãnh liệt vào sứ mệnh của Uber”.

 Ông Mark MacGann trong buổi phỏng vấn với Guardian được công bố hôm 11/7. Ảnh: Guardian.

Ông Mark MacGann trong buổi phỏng vấn với Guardian được công bố hôm 11/7. Ảnh: Guardian.

MacGann và Uber gần đây đã phải ra tòa giải quyết một tranh chấp pháp lý liên quan đến tiền bồi thường. Người phát ngôn Uber hôm 11/7 nói MacGann đã được trả 550.000 euro.

MacGann trước đó cũng cho biết ông từng bất bình với Uber trong quá khứ. Đến hôm 11/7, sau khi Uber ra tuyên bố, ông MacGann nói rằng cuộc nói chuyện với Guardian đã bắt đầu từ tháng 12/2021, năm tháng trước khi Uber và ông tranh chấp pháp lý.

“Những luật sư của tôi đã đấu tranh để tôi nhận đủ khoản tiền”, ông nói, nhấn mạnh các phóng viên có thể tự do chọn thời điểm để công bố tài liệu ông cung cấp.

Taxi truyền thống "dậy sóng"

Trước khi bắt đầu làm việc tại Uber vào hè 2014 với vai trò cố vấn, Mark MacGann đã có hơn 20 năm kinh nghiệm là nhà vận động hành lang trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông và dịch vụ tài chính.

Sau vài tháng làm việc, ông được cử lên làm trưởng một nhóm phụ trách mở rộng thị trường, với một nhiệm vụ lớn: Làm việc với chính phủ hơn 40 quốc gia ở châu Âu, châu Phi và Trung Đông.

Vào thời điểm đó, thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của các công ty công nghệ như Google hay Facebook, và Uber có thể trở thành ông lớn tiếp theo. Tuy nhiên, công ty cũng đối mặt với sự phản đối ở một số quốc gia, chủ yếu đến từ việc tài xế taxi truyền thống không thể cạnh tranh về giá so với dịch vụ từ Uber, có lợi thế khi được các nhà đầu tư rót vốn hàng triệu USD.

Khi trả lời trước truyền thông trong suốt thời gian làm việc, MacGann tuyên bố rằng Uber “không chống lại quy định” mà chỉ là “công ty công nghệ” đang sử dụng dữ liệu để đáp ứng cung cầu. Đó là lý do ông lập luận rằng Uber không cần thiết phải tuân theo các quy định như áp dụng với taxi.

“Hồ sơ Uber” cũng chỉ ra MacGann cùng đồng nghiệp muốn cải thiện hoạt động kinh doanh bằng việc tiếp cận giới lãnh đạo chính trị. Tài liệu cho thấy họ từng gặp riêng ông Emmanuel Macron, khi đó còn là bộ trưởng Kinh tế Pháp, sau khi một quan chức ở thành phố Marseille cấm dịch vụ Uber vào năm 2015. Ngoài ra, nhóm của ông MacGann cũng có chiến dịch vận động hành lang để Uber có chỗ đứng ở Nga.

 Ông Mark MacGann (trái) chụp cùng ông Emmanuel Macron năm 2015. Ảnh: Guardian.

Ông Mark MacGann (trái) chụp cùng ông Emmanuel Macron năm 2015. Ảnh: Guardian.

Nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở Berlin, London và Paris. Một số tòa án địa phương ở Đức đã hạn chế dịch vụ Uber. Ông MacGann khi đó được giao phụ trách một nhóm đi vận động hành lang với chính phủ để cho phép Uber hoạt động, đôi khi phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý.

Devon Spurgeon, người phát ngôn cho nhà sáng lập Uber Travis Kalanick, từng tuyên bố “sáng kiến mở rộng của Uber được dẫn dắt bởi hàng trăm lãnh đạo ở nhiều quốc gia trên thế giới, và luôn luôn được giám sát cũng như tuân thủ chính sách, pháp lý của công ty”.

Đối xử với tài xế

Tài liệu MacGann tiết lộ cũng chỉ ra bản thân ông từng đóng vai trò đối thoại với những người biểu tình chống Uber tại châu Âu. Một vài vụ biểu tình đã tấn công các tài xế của công ty gọi xe công nghệ này.

Cũng theo tài liệu, trong tin nhắn hồi tháng 1/2016, cựu Giám đốc điều hành Kalanick đã yêu cầu cấp dưới tổ chức một đợt chống lại người biểu tình ở Paris, đồng thời xem nhẹ những lo ngại về hành vi bạo lực nhắm vào tài xế Uber. “Tôi nghĩ điều đó xứng đáng. Bạo lực có nghĩa là thành công”, tin nhắn viết.

Spurgeon nói rằng vị ông Kalanick “chưa bao giờ đề xuất Uber lợi dụng bạo lực. Bất kỳ cáo buộc nào nói ông Kalanick chỉ đạo, tham gia hay có liên quan đến những hoạt động trên đều là sai sự thật”. Trong khi đó, người phát ngôn Hazelbaker thừa nhận công ty đã có nhiều sai sót khi đối xử với tài xế, đặc biệt trong những năm ông Kalanick nắm quyền, nhưng khẳng định không ai, kể cả ông Kalanick, muốn thấy bạo lực nhắm vào những tài xế Uber.

 Tài xế taxi tại Pháp biểu tình phản đối Uber hồi tháng 1/2016. Ảnh: Guardian.

Tài xế taxi tại Pháp biểu tình phản đối Uber hồi tháng 1/2016. Ảnh: Guardian.

Trong buổi phỏng vấn với Guardian, MacGann nói mình nghĩ rằng Kalanick “cảm thấy cách duy nhất để chính phủ thay đổi các quy định và cho phép Uber phát triển là phải duy trì những cuộc tranh cãi và đụng độ. Khi đó, các tài xế Uber sẽ đình công, chặn các tuyến đường ở Barcelona, Berlin hay Paris, và đó là giải pháp”.

"Không có lý do gì để biện minh cho việc công ty lợi dụng mạng sống của mọi người", MacGann tuyên bố. "Tôi kinh tởm cũng như hổ thẹn khi mình là một phần trong việc xem nhẹ bạo lực như vậy".

Nhiều tài xế taxi cho rằng sinh kế của họ bị đe dọa bởi Uber, và đã hướng mũi chỉ trích vào MacGann, người được coi là bộ mặt của công ty khi đó.

MacGann cho biết mình nhận được nhiều tin nhắn dọa giết trên Twitter, và bị quấy rối ở nhà ga, sân bay. "Họ cần một ai đó để mắng nhiếc, để đe đọa. Tôi đã trở thành người đó", ông nói, dù không đổ lỗi cho người người phản ứng, và chia sẻ sự bất mãn của họ đối với Uber.

Vị cựu giám đốc cấp cao nói thêm ông không tìm được giải pháp thay đổi từ bên trong nội bộ công ty, và đã thông báo từ chức vào tháng 11/2015, thời điểm nhiều giám đốc cấp cao khác cũng rời chiếc ghế điều hành.

"Đây không phải môi trường mà bạn có thể đứng lên và đặt câu hỏi về quyết định hay chiến lược của công ty", ông nói. "Tôi nhận ra mình không có ảnh hưởng gì, và đang lãng phí thời gian tại đây. Ngoài ra còn việc tôi lo lắng đến sự an nguy không chỉ của bản thân mà còn của gia đình và bạn bè".

Trần Hoàng

Theo Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-thoi-coi-cua-ho-so-uber-khien-the-gioi-rung-dong-post1335661.html