Người thổi hồn phong cảnh Lý Sơn qua từng viên đá đảo

Như duyên phận không thể dứt với quê hương, sau gần chục năm mưu sinh nơi đất khách, anh thanh niên Nguyễn Văn Đạt - 'Củ tỏi Lý Sơn' lại trở về đất đảo, mang theo nhiều dự định ấp ủ trong tương lai.

Thổi hồn cho đá vô tri

Chiều dần buông, Đạt đưa theo gia đình nhỏ ra Cổng Tò Vò (đảo Lớn, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hóng mát. Chuyến đi của Đạt có phần lỉnh kỉnh hơn những chuyến dạo chơi thông thường vì còn có cọ, màu,... đủ loại.

Trong lúc vợ con đang chơi đùa bên bờ biển, Đạt nhặt một viên đá có bề mặt khá nhẵn, ngắm nghía,... rồi hí hoáy pha màu. Dưới đầu cọ mềm mại, bầu trời, khối đá,... với màu sắc sinh động hiện ra như có phép thuật. Cổng Tò Vò - "phiên bản trên đá" cứ thế được hình thành.

Từng bức vẽ của Nguyễn Văn Đạt như lời giới thiệu về Lý Sơn, biển, đảo quê hương

Từng bức vẽ của Nguyễn Văn Đạt như lời giới thiệu về Lý Sơn, biển, đảo quê hương

Cổng Tò Vò đảo Lý Sơn cao khoảng 2,5m, được hình thành từ những nham thạch núi lửa do gặp nước biển khiến nham thạch đông lại và tạo nên một vòm đá có hình dạng độc đáo. "Hồi nhỏ hay ra đây chơi, trưa nắng nóng lại xuống tắm cho mát. Thời gian trôi qua, rất nhiều thứ thay đổi nhưng Cổng Tò Vò vẫn vậy, vẫn thân thương và là một trong những biểu tượng của Lý Sơn” - Đạt chia sẻ khi vẫn miên man trong hồi ức.

Mặt trời xuống dần, Đạt đặt "đứa con" mới thành hình lên tảng đá nham thạch, lý giải: “Đá vôi xù xì, không nhẵn và bóng như đá cuội nên có nhược điểm là hút màu, khi đi cọ phải lót nhiều lớp và mất nhiều thời gian, thường từ 4 - 5 giờ mới xong một tác phẩm, vẽ xong còn phơi khô, sau đó phủ bóng. Tác phẩm nào khó thì phải mất đến vài ngày. Dù vậy, vẽ trên đá vôi, hình vẽ nổi bật và tự nhiên hơn các loại khác”.

Cổng Tò Vò được tái hiện trên đá

Cổng Tò Vò được tái hiện trên đá

Đạt vẽ tranh trên đá từ đầu năm 2022 trở lại đây. Hòn đá vô tri nhưng khi mang trên mình bức vẽ thì có sức sống và dấu ấn riêng. Trong hàng trăm tác phẩm tranh trên đá, mỗi viên đá là một câu chuyện, một điểm check in.

Những bức tranh Đạt vẽ không chỉ là thắng cảnh ở Lý Sơn như chùa Hang, Mom Tàu, cầu Tình yêu,... mà còn là đời sống thường nhật, một sự kiện xảy ra trên đảo có ý nghĩa với anh và cư dân địa phương như lễ thượng cờ trên đỉnh Thới Lới, cứu nạn trên biển, đánh cá,...

"Củ Tỏi Lý Sơn" mê vẽ

Nguyễn Văn Đạt (SN 1990) là người gốc Lý Sơn. Đam mê hội họa từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, Đạt vừa làm, vừa tham gia học hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật. Ở thành phố phồn hoa, Đạt sống bằng nghề thiết kế đồ họa, vẽ tranh tường và cả tranh sơn dầu.

Nghệ danh "Củ tỏi Lý Sơn" xuất hiện ngay trong thời gian này khi những người bạn yêu thích tranh sơn dầu của Đạt giới thiệu cho người khác biết đây là tác phẩm của một chàng trai Lý Sơn. Họ gọi Đạt bằng cái tên "Củ tỏi Lý Sơn".

Thấy tên gọi hay và có ý nghĩa, gắn liền với nông sản của đất đảo, anh quyết định dùng nó làm nghệ danh cho mỗi bức họa của mình. “Đó cũng là một thông điệp để mọi người biết đến Lý Sơn nhiều hơn” - Nguyễn Văn Đạt nói.

Một số thắng cảnh ở Lý Sơn vẽ trên đá của Nguyễn Văn Đạt

Một số thắng cảnh ở Lý Sơn vẽ trên đá của Nguyễn Văn Đạt

Năm 2016, rời chốn đô thị phồn hoa, Đạt lên tàu về đảo. Cuộc hành trình trở lại lần này của "Củ tỏi Lý Sơn" khác biệt so với những lần trước đó. “Về đảo vừa là vì chuyện gia đình, vừa là những khát vọng của bản thân, muốn vẽ tranh sơn dầu về đảo” - Đạt chia sẻ.

Thời gian đầu về đảo, Đạt làm khá nhiều việc, ngoài kinh doanh, còn đi biển và tham gia vẽ ở các đình, miếu, tàu thuyền,... “Phải làm nhiều việc mới có chi phí trang trải. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn muốn gắn bó và phát triển đam mê hội họa” - anh nhớ lại.

Về đảo được vài năm, "Củ tỏi Lý Sơn" để lại “dấu ấn” ở khá nhiều nơi, từ nhà dân đến công trình công cộng, chùa, miếu,... Những bức bích họa từ đôi tay nghệ sĩ của Đạt làm đảo đẹp và thân thiện hơn.

Giai đoạn ấy, ngoài vẽ tranh trên vải, Đạt còn vẽ tranh trên thân chai, ghép sỏi để tạo tranh,... Năm 2018, một cuộc trưng bày chuyên đề có tên gọi Lý Sơn - Di sản văn hóa, biển, đảo được chính quyền địa phương tổ chức, nhiều tranh sơn dầu của Đạt được trưng bày và tạo ấn tượng với người xem.

Ở triển lãm này, bức tranh vẽ phong cảnh ở Cổng Tò Vò là tranh sơn dầu mà anh tốn nhiều công sức nhất. Để tạo hình được Cổng Tò Vò như thật, Đạt nghĩ ra cách đi nhặt nhạnh những vỏ sò có sẵn dưới biển, mang về kết dính lại với nhau và tô vẽ, tạo nên tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng. Cùng tác phẩm này còn có nhiều tranh sơn màu khác do chính tay Đạt vẽ như Biển gọi, Quanh co, Một góc chùa Hang,...

“Mỗi bức tranh, tôi đều dành hết tâm huyết với mong muốn làm gì đó khác biệt cho quê hương bằng tranh sơn dầu. Thể loại này diễn tả được cảm xúc, những gì muốn nói và thể hiện chứ không như tranh chụp. Xen kẽ làm nghệ thuật - mỹ thuật, tôi còn học hỏi thêm từ các bậc tiền bối về kiến thức vẽ dân gian và luôn chào đón các anh em làm nghệ thuật - họa sĩ trên mọi miền đất nước về đảo để cùng giao lưu. Đây là cơ hội để bản thân học hỏi nhiều hơn nữa” - Đạt bày tỏ.

Tác phẩm của Đạt được các nhà sưu tầm ngoài tỉnh đặt hàng hoặc được chính người dân trên đảo mua để làm quà tặng cho bạn bè phương xa. Chia sẻ về dự định trong tương lai, "Củ tỏi Lý Sơn" cho biết vẫn tiếp tục vẽ và tập trung xoay quanh đề tài về biển, hoạt động thường ngày của người dân trên đảo, về tuổi thơ của những đứa trẻ Lý Sơn, về ngư cụ đánh bắt của người dân đi biển,...

“Trong số những dự định, tôi mong muốn mở lớp luyện năng khiếu miễn phí cho học sinh trên đảo có nguyện vọng thi vào các ngành liên quan đến kiến trúc, mỹ thuật vì ở quê điều kiện còn khó khăn, nhớ lại mình hồi trước phải vượt biển vào đất liền mới kiếm được chỗ học” - Đạt chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - Lê Văn Ninh, việc trở về quê hương và góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh Lý Sơn bằng chính tài năng và tâm huyết của anh Nguyễn Văn Đạt rất đáng trân trọng. Thời gian vừa qua, dịch Covid-19 làm cho du lịch Lý Sơn gần như đóng băng. Mong rằng sắp tới, thông qua các tác phẩm của Đạt sẽ càng có nhiều người biết đến văn hóa, con người Lý Sơn và tìm đến để tham quan, thưởng lãm./.

Đỗ Quyên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguoi-thoi-hon-phong-canh-ly-son-qua-tung-vien-da-dao-a136485.html