Người 'thổi hồn' vào cây cảnh

Hơn 30 năm gắn bó với nghề cây cảnh, có 'lúc trầm, lúc bổng' song với tình yêu cùng đôi bàn tay khéo léo, ông Nguyễn Xuân Tuyến, ở tổ 10, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) đã tạo nên nhiều tác phẩm để đời. Đối với ông, cây cảnh không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, mà nhờ cây cảnh ông có thêm những người bạn mới, sẵn sàng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Hiện nay, ông vinh dự là 1 trong 4 hội viên sinh vật cảnh của tỉnh được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam.

“Từ cầm bay sang cầm kéo”

Đó là lời kể vui của ông Tuyến về quyết định chuyển từ nghề xây dựng sang làm cây cảnh. Những năm 89, 90 thời kỳ đất nước đang có bước chuyển mình đáng kể, tầng lớp khá giả ngày một nhiều, nhu cầu làm đẹp và hưởng thụ cái đẹp đang lên một tầm mới, đặc biệt thú chơi cây cảnh tăng cao ở mọi người, mọi nhà. Ông Tuyến nói, quyết định chuyển nghề là rất đúng đắn nhưng cũng đầy táo bạo bởi xưa nay ông chỉ cầm thước, cầm bay xây thì nay lại chuyển sang nghề cầm kéo là chính. Hồi mới chập chững vào nghề, nhìn những cây người ta uốn “dáng rồng, dáng phượng” thì ngưỡng mộ lắm, nhưng mình bắt tay vào làm thì quả thật rất gian nan, không ít cây từ chỗ nhìn tạm được vào tay ông trở thành “thảm họa”. Không ít người thấy vậy bảo ông là gàn dở, đang đi “đập” nhà người khác ra tiền thì nay bỗng dưng về “đập” chính nhà mình bởi vừa tốn thời gian lại vừa chẳng ra tiền với mấy cây vứt ngổn ngang nơi góc vườn.

Ông Nguyễn Xuân Tuyến (đội mũ) và lãnh đạo, hội viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh trao đổi, chia sẻ về nghề.

Ông Nguyễn Xuân Tuyến (đội mũ) và lãnh đạo, hội viên Hội Sinh vật cảnh tỉnh trao đổi, chia sẻ về nghề.

Vậy nhưng ông Tuyến không nản chí, ông “khăn gói quả mướp” tìm đến những người đi trước, những “vựa” cây cảnh nổi tiếng của cả nước như: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình… để học hỏi. Có những lần ông vào làm không công cho một chủ vườn cả tuần trời chỉ để học cách sang bồn cho cây cảnh, lại có những chuyến ông lặn lội cả tháng để xem người ta triển lãm cây, nghe ngóng kinh nghiệm chăm cây của người ta. Ông Tuyến còn tìm mua các tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây cảnh, cách tạo dáng, tạo thế cây cảnh… một lần làm chưa được thì ông làm mười lần, mười lần làm chưa được thì ông làm đi làm lại đến mấy chục lần. Càng làm, càng chăm cây nhiều ông càng nghiệm ra rằng, muốn cây đẹp mình phải thường xuyên gắn bó chăm chút cây và đặc biệt phải biết cảm nhận để “thổi hồn vào cây”. Vợ ông, bà Đặng Thị Nga kể, ông ấy say cây lắm, có những hôm trời đã về khuya sương rơi ướt áo lạnh thấu da mà ông ấy vẫn chong đèn ngắm cây đến sáng. Ban ngày thì không có thời gian vì còn tranh thủ đi làm thuê việc khác kiếm thu nhập để nuôi cái nghề “yêu cái đẹp” này.

Chịu khó lặn lội, sưu tầm cây, tìm phôi cây rồi kiên trì, tỷ mẩn với khu vườn hàng trăm cây cảnh, ông Tuyến nuôi hy vọng về một ngày mọi người nhận thấy cái đẹp của cây cảnh và khi ấy cây cảnh có giá trị cao. Và đúng như tiên đoán của ông, giai đoạn từ 2008 đến 2011 là thời kỳ hoàng kim nhất của những người làm nghề cây cảnh. Đi đâu hay làm gì cũng thấy người ta nhắc đến cây cảnh, nhiều cây cảnh đẹp có giá trị đến cả trăm triệu đồng. Nhờ vườn cây cảnh, gia đình ông Tuyến cũng có mấy năm thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Từ nghề cây cảnh, gia đình ông xây được nhà khang trang, nuôi các con trưởng thành.

Người “lưu giữ thời gian”

Từng là thanh niên xung phong tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc nên đối với ông Tuyến những đồ vật gắn liền với những giai đoạn lịch sử của đất nước đều được ông trân trọng, lưu giữ. Chính vì thế ông đã âm thầm sưu tầm những đồ vật của một thời khói lửa, tem phiếu... Ông Tuyến bảo, qua những đồ vật này và những câu chuyện ông kể sẽ giúp các con ông hiểu hơn về một thời gian khó, để từ đó nỗ lực hơn trong cuộc sống và học tập.

Ông Nguyễn Xuân Tuyến lưu giữ những đồ vật của một thời đã xa để giáo dục các con trong gia đình

Ông Nguyễn Xuân Tuyến lưu giữ những đồ vật của một thời đã xa để giáo dục các con trong gia đình

Anh Nguyễn Mạnh Hùng là con trai thứ 2 của ông Tuyến hiện đang là giáo viên trường Tiểu học Sinh Long (Na Hang) rất ấn tượng với những câu chuyện của bố. Mỗi lần nghỉ phép được về nhà anh lại cùng bố dọn dẹp, mang những đồ cổ như: Đèn dầu, bàn là Liên Xô, xe đạp Thống Nhất… ra cọ rửa để bảo quản. Anh Hùng chia sẻ, chính từ những câu chuyện bổ ích của bố và cách giáo dục các con phải biết tiết kiệm, biết trân trọng những giá trị lịch sử đã khiến anh tự hào về gia đình và dân tộc. Từ đó học tập và rèn luyện để trở thành người công dân có ích cho xã hội.

Hiện gian phòng trưng bày những vật dụng của một thời đã qua của ông Tuyến có đến hàng trăm thứ, nào là những chiếc đồng hồ cổ có tuổi đời cả trăm năm đến những chiếc quạt con cóc vài chục năm tuổi… Trong kho “ký ức” ấy có lẽ ông Tuyến có ấn tượng nhất đối với một chiếc Huy hiệu có ghi dòng chữ “Quốc dân Đại hội Tân Trào 16-8-1945” do một người dân đem đến tặng khi thấy ông có thú vui sưu tập đồ cổ. Ông Tuyến nói, mình tự hào được sinh sống ở quê hương Cách mạng là “Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến” nên mọi kỷ vật ghi dấu về thời kỳ lịch sử ông đều muốn lưu giữ. Mình không giữ riêng cho mình mà sau này khi cơ quan chuyên môn của Nhà nước cần đến mình sẵn sàng hỗ trợ để làm rõ hơn về truyền thống quật cường của dân tộc qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Làm việc bằng tâm huyết

Hiện nay, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, ông Tuyến rất tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm sóc cây cảnh tới các hội viên khác để cùng nhau phát triển nghề. Theo thống kê của Hội Sinh vật cảnh tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có gần 300 người làm nghề cây cảnh, trong đó đa phần hội viên có kinh tế khá, nhiều hội viên có thu nhập cao. Để gắn kết và tạo dựng phát triển phong trào hội, ông Tuyến và Ban Chấp hành Hội đã tích cực triển khai các phong trào thi đua phát triển kinh tế. Đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề; tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày cây cảnh vào các dịp lễ, Tết để góp phần làm đẹp phố phường, thu hút du lịch trên địa bàn. Ông Tuyến từng tham gia nhiều triển lãm cây cảnh do tỉnh và các tỉnh lân cận như: Phú Thọ, Yên Bái tổ chức và đạt được nhiều giải thưởng.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Hội Sinh vật cảnh tỉnh, được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân Sinh vật cảnh, ông Tuyến còn là người bảo vệ tổ dân phố trong mấy chục năm qua được bà con tin yêu. Ông Bùi Văn Bình, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ 10, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) nói, bản thân ông Tuyến và gia đình luôn đi đầu gương mẫu trong các hoạt động của tổ và của phường. Ông cùng với đội tự quản của tổ đã thường xuyên đi tuần, nhắc nhở mọi người, mọi nhà giữ gìn an ninh trật tự chung, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn ngày càng phát triển. Đến nay trong tổ không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá chiếm hơn 70%, số gia đình được công nhận đạt gia đình văn hóa chiếm hơn 95%.

Bằng những việc làm ý nghĩa với đời, với nghề, ông Tuyến đã được các cấp ghi nhận, khen thưởng. Nhiều năm liền, ông được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tặng Bằng khen, đặc biệt năm 2019 ông vinh dự là 1 trong 4 hội viên Hội Sinh vật cảnh của tỉnh được tặng danh hiệu Nghệ nhân Sinh vật cảnh Việt Nam. Đây là sự động viên, khích lệ rất lớn để trong thời gian tới ông Tuyến tiếp tục nỗ lực hơn nữa “sáng tác” nhiều “tác phẩm” cây cảnh góp phần làm đẹp cho đời. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng, tạo “địa chỉ đỏ” để giáo dục về lịch sử cho thế hệ trẻ trên địa bàn thông qua những câu chuyện và đồ vật ý nghĩa được ông sưu tầm.

Phóng sự: Huy Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nguoi-thoi-hon-vao-cay-canh-128626.html