Người thổi hồn vào gỗ
Một xưởng nhỏ được đặt ngay tại nhà, không biển hiệu, nhưng trong đó bày chật cứng những tác phẩm gỗ nghệ thuật. Nhiều nhất là chế tác từ gỗ lũa được lựa chọn kỹ lưỡng. Đó là xưởng chế tác gỗ mỹ nghệ của bác Phạm Đức Hồng, Phường Quang Trung (TP Phủ Lý), nguyên Chủ nhiệm Khoa Chạm khắc gỗ, Trường Cao đẳng nghề công nghệ, kinh tế và chế biến lâm sản (phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý).
Một xưởng nhỏ được đặt ngay tại nhà, không biển hiệu, nhưng trong đó bày chật cứng những tác phẩm gỗ nghệ thuật. Nhiều nhất là chế tác từ gỗ lũa được lựa chọn kỹ lưỡng. Đó là xưởng chế tác gỗ mỹ nghệ của bác Phạm Đức Hồng, Phường Quang Trung (TP Phủ Lý), nguyên Chủ nhiệm Khoa Chạm khắc gỗ, Trường Cao đẳng nghề công nghệ, kinh tế và chế biến lâm sản (phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý).
Về hưu đã 10 năm, lại mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo, nhưng bác Hồng vẫn luôn say mê với nghề. Hầu như bất kể thời gian nào trong ngày khi ghé qua xưởng đều thấy bác cần mẫn chế tác những sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ. Khi thì đục, đẽo, khi thì mài, chuốt hoàn thiện sản phẩm cẩn thận đến từng chi tiết.
Bác Hồng chia sẻ: Làm nghề này không vội được và phải thật tỉ mỉ. Để có một tác phẩm gỗ nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều công sức và cả óc sáng tạo. Khi lựa chọn được một khúc gỗ phôi về, người thợ phải tinh ý nhìn ngay ra điểm nhấn tạo hình, sau đó mới xem nó sẽ làm ra sản phẩm mỹ nghệ gì phù hợp và đẹp nhất có thể. Để có được tác phẩm ưng ý, người thợ cần phải có sự đam mê, tâm đắc.
Quả thực khi bước vào gian phòng chính phía trong, nơi bác Hồng bày, xếp những sản phẩm gỗ mỹ nghệ đã hoàn thiện mới thấy vẻ đẹp của từng sản phẩm, được người nghệ nhân khéo léo, thổi hồn vào mỗi tác phẩm. Từ tượng người, đến hoa, lá, cây cỏ, động vật được chạm khắc trên gỗ đều rất sống động như một bức tranh tả thực. Có những tác phẩm được làm nguyên khối của một gốc cây to đã thành lũa với đầy đủ hoạt động của con người, cảnh vật, hoa lá. Lại có những tác phẩm chỉ nhỏ để trong lòng bàn tay hoặc bày trên bàn trà đều đem lại vẻ đẹp tự nhiên… Hơn nữa, các tác phẩm được bác Hồng lựa chọn tạo tác trên các loại gỗ quý, như: Hoàng đàn, gù hương, ngọc am, trắc…, được người chơi ưa chuộng trưng bày ở những nơi trang trọng nhất trong nhà.
Được biết, có rất nhiều khách hàng đủ các tầng lớp từ người chơi bình dân, doanh nhân… đến giao lưu, đặt hàng gỗ mỹ nghệ của bác Hồng. Anh Trương Hải Nam, Tổ 3, Phường Quang Trung (TP Phủ Lý) người đam mê chơi gỗ nghệ thuật đã gắn bó và giao lưu với bác Hồng hơn 10 năm nay. Bất kể lúc nào có thời gian anh đều ghé thăm xưởng nhỏ này trò chuyện, đặt làm cũng như lựa chọn những tác phẩm gỗ nghệ thuật của bác Hồng về bày trong nhà, làm quà tặng cho bạn bè… Anh Nam cho biết: Trong nhà tôi hiện nay đang bày hàng chục tác phẩm gỗ nghệ thuật to, nhỏ và đều là sản phẩm của bác Hồng. Do đam mê với tác phẩm gỗ nghệ thuật, trước đó tôi đã đi khắp nơi, đến nhiều xưởng, nhưng từ khi biết xưởng chế tác này, tôi đã trở thành khách hàng “chung thân” của bác Hồng.
Được biết, bác Hồng khi còn công tác tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ, kinh tế và chế biến lâm sản, với sự tâm huyết, yêu nghề của mình bác đã góp phần đào tạo ra hàng nghìn thợ lành nghề. Trong đó, nhiều học trò của bác đã được phong tặng nghệ nhân cấp quốc gia, đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, triển lãm gỗ mỹ nghệ trong nước và quốc tế. Đây cũng là nguồn nhân lực, thợ giỏi cung cấp cho các làng nghề truyền thống gỗ mỹ nghệ trên khắp cả nước. Bản thân bác Hồng, trong quá trình làm nghề đã được mời đi giao lưu làng nghề tại nhiều nước trên thế giới, như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Campuchia… Các cuộc giao lưu là cơ hội để bác học hỏi thêm những kỹ thuật đa dạng của các nước về truyền dạy cho học trò và nâng tầm tay nghề bản thân.
Phong cách của một nghệ nhân, người gắn bó và đam mê cả đời với nghề chạm khắc gỗ luôn hiển hiện trong bác Hồng. Khi chúng tôi đến thăm, bác chỉ ngừng tay pha chuyên trà, sau đó quay lại ngay với tác phẩm đang làm dở trên bàn. Tuy vẫn trò chuyện cùng khách, nhưng mắt thì không rời từng đường nét của sản phẩm. Đôi lúc đưa lên ngắm nghía, tìm những chỗ còn chưa đạt, khiếm khuyết để chỉnh, sửa… Bác Hồng tâm sự: Gắn bó mấy chục năm, nên nghề đã ngấm vào máu thịt không thể bỏ được. Thời gian trị bệnh phải nghỉ, nhưng rất nhớ nghề, khi sức khỏe ổn định là quay trở lại ngay với những cục gỗ. Đây cũng là cách vận động tập thể dục phù hợp, hiệu quả để giúp cho tâm hồn thoải mái, đẩy lùi bệnh tật. Tôi sẽ tiếp tục làm nghề đến khi nào thấy còn có thể, đóng góp một phần nhỏ bé làm đẹp cho đời.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/nguoi-thoi-hon-vao-go-79358.html