Người thổi sáo: Khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đem thi ca vào hội họa
Triển lãm cá nhân lần đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gồm 53 bức tranh với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel. Bức tranh khổ lớn nhất là 150cm x 180cm và bức nhỏ nhất là 50cm x 70cm.
Với 53 bức tranh trong triển lãm cá nhân lần đầu tiên, dường như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều muốn tạo ra sự ẩn dụ tượng trưng cho số tuổi đời của mình.
Triển lãm mang tên “Người Thổi Sáo” như một sự chiêm nghiệm những gì ông đã trải qua và đã đam mê suốt cả cuộc đời mình.
Lễ khai mạc triển lãm đông kín người xem, là những nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, nghệ sỹ, bạn bè của ông.
Cơ duyên đến với hội họa
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bắt đầu vẽ từ tháng 1/2005. Lý do ông đến với hội họa thật thật đơn giản. Ngày đó, một người bạn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là dịch giả, họa sỹ Phạm Long Quận từ Cuba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà ông. Một buổi trưa ông lấy 1 tuýp màu bóp nhẹ lên toan. Một màu vàng lộng lẫy hiện ra và cuốn ông đi. Dịch giả, họa sỹ Phạm Long Quận đã thúc giục nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ. Từ đó, nhà thơ đã bị cuốn đi không thể nào cưỡng nổi.
Chỉ 5 tháng sau (tháng 5/2005), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tham gia vào cuộc triển lãm có tên ‘’Nhà văn vẽ’’ cùng các nhà văn, họa sỹ Trần Nhương, Đỗ Minh Tuấn và Đoàn Lê. Trong triển lãm đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày 14 bức. Sau đó ông không vẽ nữa và cũng nghĩ mình sẽ không bao giờ vẽ nữa. Ông chỉ nghĩ đơn giản là muốn vẽ thì phải học nhưng ông đã quá tuổi. Năm đó ông đã ở tuổi 48 tuổi. Hơn nữa, ông nghĩ mình không còn thời gian để tập trung cho chuyện đó.
Nhưng một ngày của năm 2012 đã thay đổi suy nghĩ ấy. Một buổi, ông Trịnh Văn Sỹ, một thành viên của nhóm Nhân sỹ Hà Đông mời mấy anh em văn nghệ sỹ đến nhà chơi. Vừa bước vào phòng khách nhà ông Sỹ, Nguyễn Quang Thiều sững người lại. Trước mắt ông là những bức tranh giấy ông vẽ từ 7 năm trước (2005) giờ được đóng khung treo trang trọng. Đấy là những bức tranh ông vẽ bằng phấn sáp và mực màu. Ông không biết vì sao ông Trịnh Văn Sỹ lại có những bức tranh đó. Và, câu chuyện ông Trịnh Văn Sỹ kể lại đã làm Nguyễn Quang Thiều xúc động khôn nguôi.
Mấy tuần trước khi mất, nhà thơ Dương Kiều Minh gọi ông Sỹ đến đưa cho những bức tranh giấy và nói: “Bác Thiều vẽ những bức tranh này và vứt đi. Tôi đã nhặt và giữ lấy. Bây giờ tôi không thể còn sống lâu được nữa. Tôi biết bác rất quí trọng bác Thiều nên đưa bác giữ.”
Nhà thơ Dương Kiều Minh là hàng xóm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Họ thường ngồi uống trà với nhau vào những ngày nghỉ. Những lúc ấy Nguyễn Quang Thiều hay lấy giấy ra vẽ rồi bỏ đi vì biết rằng đó chỉ là trò nghịch như của một đứa trẻ. Nhà thơ Dương Kiều Minh lặng lẽ nhặt những bức vẽ mà Nguyễn Quang Thiều bỏ đi và mang về giữ cẩn thận. Cũng năm đó, ông Sỹ xây xong nhà thờ và muốn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng một bức tranh. Nguyễn Quang Thiều lưỡng lự vì đã bỏ vẽ lâu rồi. Nhưng chiều bạn, ông đi mua một cái toan và một vài tuýp sơn dầu nhỏ bằng ngón chân cái. Ông đã vẽ bức “Người thổi sáo 1” và bây giờ lấy tên triển lãm là “Người thổi sáo.”
Màu sắc họa thanh âm
Tên triển lãm “Người thổi sáo” cũng liên quan đến một câu chuyện trong đời thật của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những ngày tháng ông mang một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được. Một sáng có một người thổi sáo mù đi qua nơi ông ngồi uống càphê ở thị xã Hà Đông. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cầu khẩn người thổi sáo mù thổi cho ông một khúc nào đó mà người thổi sáo mù thích nhất. Người thổi sáo mù ấy đã hướng về ông rất lâu và nâng sáo lên thổi. Giai điệu của khúc sáo ấy đã thay đổi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Những phiền muộn trong lòng ông bấy lâu nay đã tan biến. Những tháng ngày sau, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã luôn ngồi ở quán cà phê vỉa hè ấy để mong gặp lại người thổi sáo mù. Nhưng ông không bao giờ thấy người thổi sáo mù đi qua nữa.
Những câu chuyện trên đã dẫn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào thế giới của màu sắc và ông biết không bao giờ có thể rời xa thế giới ấy được nữa. Ông vẽ không có phác thảo. Ông đứng trước toan và quết nhát màu đầu tiên lên toan và cứ thế cuốn theo màu sắc ấy. Có thể những bức tranh là một văn bản khác của thơ ca của ông. Ông đọc thơ để vẽ và vẽ để rồi làm thơ. Đấy là cái vòng tròn đầy “ma thuật” cuốn ông đi. Ông làm mọi thứ với niềm đắm mê của mình: Làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, viết kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, viết tiểu luận, viết báo, dịch thuật, vẽ, chơi nhạc cụ dân tộc… Ông bảo: “Tôi không phải là một họa sỹ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị.”
Chia sẻ với báo VietnamPlus, ông cho biết dù là văn, thơ, họa hay nhạc thì đó cũng là phương tiện để ông nói lên tiếng lòng của mình, là thế giới nơi ông thấy thoải mái nhất, là cái đẹp khiến ông rung động sâu sắc nhất.
Trong các tác phẩm của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho thấy nhiều tưởng tượng khác nhau về cây sáo. Có tác phẩm, cây sáo của ông có tỷ lệ giống như nó vẫn vậy trong đời sống. Ở một tác phẩm khác, chúng lại được kéo dài ra mãi và uốn cong như những thân cây. Ông cũng vẽ cây sáo cuộn tròn như những con rắn, ở một bức tranh khác, cây sáo ẩn chứa những trang viết. Trong tranh của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ta còn thấy những hình ảnh quen thuộc của làng quê như những bình nồi gốm, cây đàn bầu...
Giám tuyển của triển lãm, họa sỹ Lê Thiết Cương nhận xét: "Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có cách vẽ phóng khoáng, tự do. Ông không bị áp lực khi cầm bút, không sợ hãi sự khen chê."
Nghệ sỹ Chu Lượng, một thành viên của nhóm Nhân sỹ Hà Đông, những người bạn đứng ra tổ chức triển lãm, cho biết ông yêu thích những tác phẩm hội họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bởi sự lãng mạn, bay bổng, đặc biệt là những hình ảnh quen thuộc của làng quê được khéo léo đan cài trong đó./.
Triển lãm "Người thổi sáo" sẽ kéo dài đến ngày 15/1 tại Trung tâm Art Space, trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
Được biết, tranh trong triển lãm đã được bán hết.