Người thôi thúc Tổng thống Mỹ Trump đảo lộn thương mại toàn cầu
Một ngày vào tháng 7 năm ngoái tại Miami, ông Peter Navarro được ra tù sau 4 tháng bị giam vì bất tuân lệnh triệu tập để lấy lời khai trong cuộc điều tra vụ làm loạn Điện Capitol năm 2021.
Chỉ vài giờ sau khi được thả khỏi tù, ông Navarro đã bay đến Milwaukee để phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, nơi ông thể hiện ủng hộ mạnh mẽ ứng viên Donald J. Trump tái tranh cử.
"Họ đã kết án tôi, họ đã bỏ tù tôi. Rồi thế nào? Họ không làm tôi gục ngã", ông Navarro phát biểu, nhấn mạnh từng từ khi đám đông hò reo. Có vẻ lòng trung thành mà ông Navarro dành cho ông Trump đã được đền đáp.

Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Từ xa lánh đến trao quyền
Trong phần lớn nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump, ông Navarro trong vai trò cố vấn thương mại đã bị các quan chức khác gạt ra, bị chế giễu và hạ thấp bởi họ cho rằng quan điểm bảo hộ thương mại của ông là sai lầm và nguy hiểm cho nước Mỹ.
Nhưng trong chính quyền Trump thứ hai, ông Navarro, 75 tuổi, một nhà kinh tế hoài nghi về thương mại, đã được trao quyền.
Ông trở lại chính phủ với sự tự tin hơn vào tầm nhìn phục thù cho nền kinh tế Mỹ, bỏ qua những người chỉ trích và đã soạn thảo hơn chục sắc lệnh liên quan đến thương mại, nhiều sắc lệnh trong số đó đã được tổng thống ký. Ông Trump cũng trở lại Washington với quyết tâm lớn hơn, với quan điểm cho rằng một hệ thống thương mại không công bằng đang bóc lột nước Mỹ và cần được thay đổi triệt để.
Khi sắp đến dấu mốc 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, ông Navarro giúp nhà lãnh đạo Mỹ triển khai nửa tá quyết định mới về thương mại. Những bước đi này đã đưa thuế quan lên mức chưa từng thấy trong 1 thế kỷ, trong nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng nhập khẩu và buộc các nhà máy phải quay trở lại Mỹ.
Những người hiểu tình hình trong chính quyền cho biết ông Navarro có thể là tác giả của công thức gây tranh cãi mà Nhà Trắng sử dụng để tính toán mức thuế đối ứng dựa trên thâm hụt thương mại của Mỹ.
Trong hơn 20 năm, ông Navarro, người từng học kinh tế tại Đại học Harvard và một thời là thành viên đảng Dân chủ, liên tục lên án tác hại mà các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc, gây ra cho người lao động Mỹ.
Các nhà kinh tế chính thống có phần đồng cảm với quan điểm của ông Navarro rằng toàn cầu hóa đã lấy đi hàng triệu việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ và tàn phá một số cộng đồng. Nhưng họ chỉ trích gay gắt việc sử dụng công cụ thuế quan, cho rằng biện pháp này sẽ phản tác dụng khi làm tăng giá hàng hóa và làm chậm tăng trưởng.
Edward Alden, một chuyên gia nghiên cứu về thương mại tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng ông Navarro "có thể là cố vấn thương mại tệ nhất mà bất kỳ tổng thống Mỹ hiện đại nào từng sử dụng".
Ông Alden cho rằng nhiều phân tích của ông Navarro về chính sách thương mại không công bằng đều có lý, nhưng vị cố vấn này đã thúc đẩy những tư tưởng tiêu cực nhất của tổng thống và thúc đẩy "các chính sách thuế quan hỗn loạn, gây hại cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu".
"Ông ấy đã giúp tổng thống biến Mỹ từ quốc gia dẫn đầu về kinh tế thế giới thành một quốc gia bất hảo", ông Alden nói với báo New York Times.
Chính quyền Tổng thống Trump vẫn thể hiện quan điểm thống nhất về việc tăng thuế, nhưng một số cố vấn ngày càng lo lắng về thiệt hại kinh tế. Đầu tháng này, ông Navarro đã công khai khẩu chiến với tỷ phú Elon Musk, người mà ông gọi là "một người lắp ráp ô tô", chứ không phải "người sản xuất ô tô". Ông Musk đáp trả rằng cố vấn thương mại "ngu ngốc hơn cả một bao gạch", sau đó nói thêm rằng việc so sánh này "không công bằng với gạch".
Ông Navarro đã quen với những lời lăng mạ. Ông từ lâu đã trở thành trò cười cho những người vận động hành lang ở Washington, các chuyên gia nghiên cứu và nhà kinh tế học, những người cho biết họ cảm thấy rùng mình trước những ý tưởng của ông và chế giễu ông vì những điều kỳ quặc.
"Giống như việc bổ nhiệm người tin rằng Trái đất phẳng vào vị trí phụ trách NASA", Bryan Riley, giám đốc Sáng kiến Thương mại Tự do của Liên đoàn Người nộp thuế quốc gia, một nhóm vận động hành lang bảo thủ, ví von.
Thay đổi vì Trung Quốc
Ông Navarro từng dạy về kinh doanh và kinh tế ở Đại học San Diego, sau đó là Đại học California. Ông cũng viết sách và bình luận trên truyền hình. Ông viết cho các tạp chí kinh tế uy tín và là đồng tác giả bài báo với người sau này giành giải Nobel. Ông từng nhiều lần tranh cử với tư cách thành viên đảng Dân chủ.
Chính việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của ông Navarro về cả đảng Dân chủ và nghề nghiệp của ông.
Vào đầu những năm 2000, ông Navarro cho biết, sinh viên của ông tại Đại học California bất ngờ mất việc, và ông bắt đầu chú ý đến tác động của Trung Quốc đối với thương mại. Ông Navarro giao cho sinh viên nghiên cứu cách Trung Quốc định giá sản phẩm của họ rẻ hơn so với phần còn lại của thế giới.
Ông cho rằng giá cả hàng hóa Trung Quốc rẻ không chỉ vì lao động giá rẻ, mà còn vì những chính sách trợ cấp xuất khẩu, chính sách tiền tệ, thiếu bảo vệ người lao động và môi trường.
Ông đưa những điều đó vào bộ 3 cuốn sách ông viết về Trung Quốc. Một trong số đó là "Chết vì Trung Quốc" mà ông viết cùng Greg Autry và xuất bản vào năm 2011. Cuốn sách đã được chuyển thể thành phim tài liệu. Bộ phim bị báo chí chỉ trích là cường điệu, nhưng nó được ông Trump ủng hộ, cho rằng những điều đó "hoàn toàn đúng".

Tổng thống Donald Trump lắng nghe cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro phát biểu tại Phòng Bầu dục, ngày 17/4. (Ảnh: AP)
Phản ứng dữ dội
Câu hỏi hiện nay là liệu việc tăng thuế quan có thể mang lại bất kỳ điều gì mà ông Trump và ông Navarro đã hứa hay không.
Chính quyền Trump đang áp mức thuế tối thiểu 10% với hầu hết các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ, bên cạnh đó là các mức thuế riêng áp với thép, nhôm và ô tô, mở các cuộc điều tra có thể dẫn đến việc tăng thuế với đồng, gỗ xẻ, chất bán dẫn và dược phẩm.
Các nhà sản xuất ô tô, thiết bị điện tử, nông dân và nhiều bên khác đang gây sức ép lên Nhà Trắng vì những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do thuế quan gây ra. Các công ty nhỏ cho biết họ đứng trước nguy cơ phá sản.
Trong các cuộc tranh luận của chính quyền, một số cố vấn, như Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Kevin Hassett, lập luận rằng có thể dùng việc giảm thuế quan để mặc cả ép các quốc gia khác mở cửa thị trường. Nhưng ông Navarro vẫn tiếp tục thúc đẩy cách tiếp cận tối đa. Dù ông nói rằng Mỹ sẽ không tự sản xuất mọi thứ mà họ cần, nhưng ông phản đối việc miễn thuế, ngay cả đối với những thứ không được sản xuất tại Mỹ, các nguồn tin cho biết.
Ông Navarro có thể đang thua trong cuộc tranh luận đó. Tổng thống Trump có vẻ đã chùn bước trước sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu, dẫn đến việc ông tạm dừng áp thuế đối ứng với gần 60 quốc gia trong 90 ngày để chờ đàm phán. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã miễn áp thuế với hàng điện tử sản xuất tại Trung Quốc. Ông còn nói về khả năng miễn trừ cho các ngành công nghiệp như ô tô.
Giữa lúc hỗn loạn, có tin đồn rằng ông Navarro đang trên bờ vực thẳm.
Trong chương trình Meet the Press ngày 13/4, ông Navarro phủ nhận thông tin ông bị gạt ra ngoài lề và cho biết chính sách của chính quyền vẫn là "không miễn trừ, không loại trừ". Ông Navarro khẳng định mọi thứ đang diễn ra theo đúng kế hoạch.