Người thời Trung cổ có uống bia thay nước không?
Người thời Trung cổ cũng có nhiều nguồn đồ uống hơn bạn nghĩ. Một số vùng của châu Âu thời Trung cổ, các ngôi nhà, ngay cả của tá điền và nông dân cũng đều có nguồn nước riêng.
Có thể bạn đã nghe
Ở thời Trung cổ, nước rất dơ bẩn và ghê tởm vì mọi người đều vứt chất thải của mình xuống con sông gần nhất - điều này đã làm ô nhiễm tất cả các nguồn nước gần đó. Vì vậy, người ta không uống nước; thay vào đó, họ uống bia suốt ngày, mỗi ngày, kể cả trẻ em. Nghe qua cũng hợp lý bởi tổ tiên thời Trung cổ của chúng ta thường xuyên say xỉn.
Vạch trần
Tôi đã viết về việc thời Trung cổ không bẩn thỉu như thế nào và quan điểm cho rằng mọi người vứt rác thải khắp nơi là hoàn toàn sai. Khi các thành phố dần đông đúc và được xây dựng nhiều hơn, mọi thứ trở nên vượt quá tầm kiểm soát khiến - đôi khi - sông ngòi, kênh rạch và các nguồn nước khác bị ô nhiễm.
Tất nhiên, điều đó vẫn diễn ra cho đến ngày nay. Nhưng mọi người khi đó không ngu ngốc, hoặc ít nhất, họ không ngốc như một số cá nhân vẫn nghĩ. Mặc dù không biết về vi khuẩn, vi trùng, nhưng tổ tiên của chúng ta biết rằng, không nên uống nước từ vùng nước đọng dơ bẩn, hôi hám, có bọ, phân hoặc xác động vật trôi nổi trong đó.
[…]
Người thời Trung cổ cũng có nhiều nguồn đồ uống hơn bạn nghĩ. Tất cả chúng ta đều tưởng tượng ra một cái giếng ở quảng trường làng mà mọi người đều sử dụng, nhưng cho đến khi các thị trấn, thành phố trở nên đông đúc và các sân vườn bắt đầu biến mất, thì ở một số vùng của châu Âu thời Trung cổ, việc các ngôi nhà, ngay cả của tá điền và nông dân cũng đều có nguồn nước riêng.
Tất nhiên, điều này không xuất hiện ở mọi nơi, nhưng ở Hà Lan, đôi khi đào một cái hố là tất cả những gì bạn cần làm để có được nước sạch. Ngay cả khi chỉ có vài cái giếng, người dân vẫn đảm bảo rằng chúng được bảo vệ tốt bởi luật cấm động vật đến gần và thường phải có người canh gác để giữ cho khu vực xung quanh sạch sẽ.
Các ngành công nghiệp, chẳng hạn như thuộc da, thường không được phép làm việc gần nguồn nước uống. Trong trường hợp nếu làm bừa bãi, họ sẽ bị phạt nặng.
Chúng ta cũng biết, con người đã làm cho nước trở nên an toàn để uống bằng bể lắng, sàng, bộ lọc và đun sôi trong một thời gian rất dài, vì vậy, rõ ràng là trong thời Trung cổ (cả trước và sau), người ta đã rất quan tâm, đồng thời dành nhiều nỗ lực để có được nước sạch.
Ngoài ngon và miễn phí, nước còn được coi là một thứ đặc biệt, một món quà từ thiên nhiên, và do đó được Chúa gửi đến. Nước đến từ sâu trong lòng đất cũng như từ bầu trời và trong một số trường hợp, những người muốn thể hiện bản thân sùng đạo như thế nào chỉ cần uống nước, hoặc ít nhất là khẳng định rằng họ đã làm như vậy.
Có rất nhiều câu chuyện thời Trung cổ đề cập đến việc mọi người uống nước và các tu sĩ sùng đạo đến mức họ thích nước hơn bia (vâng, chắc chắn rồi). Chúng ta biết mọi người đã uống nước và uống rất nhiều nước. Các thị trấn và cộng đồng luôn định cư gần hoặc xung quanh nguồn nước ngọt; đó là điều cấp thiết quan trọng nhất. Nước cũng không phải chỉ để uống.
[…]
Vậy còn việc uống bia thì sao? Đúng vậy, trong thời Trung cổ (và nhiều thời đại tiếp theo sau đó), người ta đã uống rất nhiều bia, rượu, Ale và rượu mật ong (một loại mật ong lên men) - loại rượu tôi yêu thích nhất.
Ale được làm bằng cách lên men ngũ cốc, nước và men; bia được làm bằng hoa bia. Nhân tiện, việc nấu bia hoặc làm Ale cũng hiệu quả hơn với nước sạch. Một chi tiết quan trọng ở đây là khi ủ rượu bia, người ta thường không đun sôi nước, vì vậy, quan điểm cho rằng uống bia sẽ an toàn hơn do nước được đun sôi cũng không đúng.
Ngay cả khi nước được đun sôi trong quá trình làm bia, thì việc này cũng không giúp ích gì nhiều nếu sau đó bia được ủ trong nhiều ngày dưới điều kiện không đảm bảo vệ sinh, vì hầu như việc nấu bia đều được thực hiện tại nhà.
Nhưng, vâng, họ đã uống nó vào ban ngày và bọn trẻ cũng uống. Điều này là bởi, nhìn chung bia có vị ngon hơn, hoặc ít nhất là nó khác so với nước. Không phải sự đa dạng chính là gia vị của cuộc sống hay sao! Bia cũng chứa đầy chất dinh dưỡng, carbohydrate, protein và calo.
Như những người bạn say xỉn của tôi ở quán rượu vẫn nói với tôi, một panh (đơn vị đo lường ở Anh bằng 0,58 lít; ở Mỹ bằng 0,473 lít) giống như một chiếc bánh sandwich lỏng. Điều này thật tuyệt nếu bạn là một bợm nhậu thời hiện đại và còn tuyệt vời hơn nữa nếu bạn là một người lao động thời Trung cổ thực sự cần nước tăng lực.
May hay không may, tùy thuộc vào quan điểm của bạn, bia và Ale người thời Trung cổ uống trong hầu hết thời gian đều có rất ít cồn trong đó. Không ai thực sự biết tỷ lệ % là bao nhiêu, mẻ bia sau lại được làm từ mẻ bia trước, nên độ cồn càng ngày sẽ càng thấp, vì vậy rất khó để say. Đó là lý do nó đôi khi được gọi là bia nhỏ, bia nồng độ thấp hoặc bia để bàn.
Nếu so sánh với ngày nay, thì đó sẽ là loại mà chúng ta gọi là “bia nhẹ”. Như vẫn thường xảy ra khi tôi nói với mọi người những điều này, bạn có thể thắc mắc tại sao ngay từ đầu mình lại tin vào những tin đồn (nếu bạn đã tin). Tại sao câu chuyện cũ rích này lại khó bỏ đến vậy? Đó là một ý tưởng đã được khẳng định rõ ràng đến mức thậm chí bạn có thể tìm thấy tuyên bố này trong nhiều viện bảo tàng, sách giáo khoa và cả sách lịch sử của các học giả nổi tiếng đầy uy tín.
Tôi đoán lý do là bởi chúng ta thích nó, vì nó liên quan đến một thứ mà nhiều người trong chúng ta rất thích: Đồ uống. Tất nhiên, cũng bởi vì chúng ta luôn nghĩ rằng thời Trung cổ rất bẩn thỉu và lạc hậu, nên sẽ có xu hướng tin vào điều đó.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-thoi-trung-co-co-uong-bia-thay-nuoc-khong-post1515657.html