Người thương binh dám nghĩ, dám làm, xây dựng quê hương

Trở về từ chiến trường với tỷ lệ thương tật 81%, song, bằng nghị lực người lính và quyết tâm cống hiến cho xã hội, thương binh nặng Khổng Minh Quý (ở tổ 2, phường Yên Thịnh, Thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) đã vượt qua nhiều khó khăn, tìm tòi, sáng tạo trong làm kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương.

Theo sự giới thiệu của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, chúng tôi có dịp biết tới thương binh Khổng Minh Quý là điển hình trong làm kinh tế gia đình và tham gia công tác xã hội.

Năm 1978, chàng trai Khổng Minh Quý lên đường nhập ngũ và cùng đồng đội tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại biên giới phía Bắc. Đơn vị anh đứng chân thuộc tỉnh Lào Cai, nơi người ta vẫn gọi là “vành đai trắng” cực kỳ nguy hiểm, luôn phải đối mặt với kẻ thù, đối mặt với cái chết không biết đến lúc nào. Năm 1979 - 1980, anh được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau như anh nuôi, liên lạc, trinh sát... Trong một lần cùng đồng đội ra trực đài quan sát, trên đường đi, đạn tầm cao, tầm thấp của địch bắn như mưa, đến khi không nghe thấy gì nữa, các anh mới nhận ra tai đã bị điếc đặc, nhìn ra xung quanh chỉ thấy một vạt rừng xác xơ, không còn chút màu xanh. Sau đó, cả tổ đài kiên trì chống đỡ những đợt tấn công liên tiếp của kẻ địch trong 3 ngày liền. Đến khi đài quan sát bị tơi tả, đạn hết, một đồng đội hy sinh, anh cùng 4 người còn lại buộc phải vượt qua vòng vây của kẻ địch để rút lui.

Anh Khổng Minh Quý (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Yên Bái trao tặng nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sĩ.

Anh Khổng Minh Quý (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Yên Bái trao tặng nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sĩ.

Một lần khác, anh Khổng Minh Quý cùng đồng đội truy kích địch và rơi vào ổ phục kích. Trong trận chiến không cân sức, anh bị thương vào bàn tay phải, rồi bị trúng mìn. Khi đó, anh chỉ kịp thấy ánh sáng lòa phía sau và lưng lạnh ngắt, anh cố chạy được ra khỏi khu vực đó rồi gục xuống. Khi tỉnh lại, anh biết mình đang nằm trong trạm cấp cứu ở phía sau và nhận ra mình bị mất cánh tay trái, còn bàn tay phải chỉ còn lại một ngón lành lặn, hai ngón còn sót lại một đốt. Sau một thời gian dài điều trị, anh được trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 81%, rồi xây dựng gia đình với cô thôn nữ đẹp người, đẹp nết.

Hồi ấy, đồng trợ cấp thương tật có hạn, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Khổng Minh Quý luôn trăn trở suy nghĩ phải làm gì để lo miếng cơm manh áo cho gia đình. Trong quá trình sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh ở địa phương, anh luôn phát huy bản chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia các phong trào của Hội, đồng thời quyết tâm vươn lên làm kinh tế hộ gia đình để xóa đói giảm nghèo. Anh lặn lội đến nhiều địa phương để tìm hiểu mô hình kinh tế, cách làm hay và chọn hướng đi cho gia đình mình...

Anh kể lại: “Sau khi giao toàn bộ công việc gia đình cho vợ đảm nhiệm, tôi khăn gói đi tham quan, khảo sát, tìm hiểu các mô hình kinh tế trang trại ở Hà Giang, Nghĩa Lộ, Hà Tây, Vĩnh Phú, Thái Bình… Năm 1994, sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định chọn hướng chăn nuôi gia cầm và làm trang trại nhỏ. Thời gian đầu nuôi thử nghiệm 200 con gà đẻ siêu trứng, nhưng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm kỹ thuật, nên gà bị bệnh, chỉ lo lỗ vốn. Tổng kết sau 18 tháng nuôi gà, gia đình tôi thu lãi 7,2 triệu đồng. Lợi nhuận tuy không nhiều, nhưng là nguồn động lực giúp gia đình tôi tiếp tục mở rộng sản xuất. Năm 1996, vợ chồng tôi đầu tư nuôi 500 con gà, vừa gà đẻ, vừa ấp gà giống để bán. Sau 1 năm, thu lãi được hơn 10 triệu đồng, nhưng tôi đã rút ra được bài học là phải nắm bắt được quy luật cung cầu của thị trường để đầu tư đúng hướng, phải làm chủ khoa học kỹ thuật, kiên trì nhẫn nại và mạnh dạn đầu tư khi cơ hội đến...”.

Năm 1997, anh Khổng Minh Quý theo học lớp trung cấp thú y do Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội đào tạo. Anh tiếp tục mở rộng chăn nuôi, tăng số đầu gà lên tới 2.000 con. Hàng tháng, bán ra thị trường trên 500 kg gà thịt, trên 1.000 con gà giống, khoảng 4.000 quả trứng… Để khép kín quá trình sản xuất, anh đã lắp đặt 2 máy ấp trứng để sản xuất con giống tại chỗ, nhằm hạ giá thành sản phẩm và để nhân dân địa phương được hưởng giá dịch vụ thấp.

Ngoài việc chăn nuôi, anh còn trồng cây ăn quả với số lượng 1 vạn cây dứa, 200 cây Hồng Thạch Thất, 200 cây nhân, 200 cây cam và quýt. Việc đầu tư vào trang trại đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, không những giúp gia đình thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động có thu nhập ổn định. Ngoài ra, anh còn hướng dẫn, giúp đỡ các cựu chiến binh, nhân dân địa phương về con giống, thức ăn chăn nuôi, tài liệu kỹ thuật phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, anh đã tư vấn và tập huấn kỹ thuật cho 53 lớp ở 53 xã, phường trong và ngoài tỉnh, trong đó có 8 xã, phường tại Thành phố Yên Bái.

Không dừng lại ở đó, sau khi được bạn bè là cán bộ lâm nghiệp giới thiệu một số loài cây làm nghiệp bền vững, đầu tư một lần thu hoạch nhiều lần trên nhiều năm, vừa góp phần thực hiện chương trình 5 triệu ha rừng, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng và năm 2000, anh quyết định đầu tư trồng tre măng Bát Độ. Chỉ sau 2 năm đã khẳng định được giá trị kinh tế...

Cuối năm 2001, anh lại lên đường đi nghiên cứu tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc. Trở về, anh Quý chuyển hướng từ chăn nuôi sang trồng trọt. Thiếu vốn, anh đi vay để kịp mua giống trồng cây đúng thời vụ. Thiếu đất, anh đi thuê đất của các hộ nông dân bỏ hoang. Loay hoay mãi anh mới thuê được 22 ha và đầu tư gần 500 triệu đồng vào mua cây giống về trồng. Khi đầu tư rồi, lại phải lo duy trì, lo vốn, đất canh tác, rồi hàng ngày phải đảm bảo đời sống từ 15 đến 20 lao động thường xuyên. Trong cái khó lại ló cái khôn, anh đã áp dụng biện pháp “lấy ngắn, nuôi dài”, đầu tư 1 mẫu ao nuôi cá chim trắng, cấy 3 ha lúa nương, tận thu tiềm năng của đất, tạo cây che phủ, bớt đi phần nào khó khăn về lương thực, thực phẩm tại chỗ.

Vừa chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vừa giúp đỡ đồng đội về kinh nghiệm sản xuất, anh Khổng Minh Quý vẫn giảng kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt cho 8 lớp tại 8 xã vùng cao, với 482 người học. Trong khi bản thân phải vay vốn ngân hàng, anh vẫn giúp đỡ cho 14 hộ là hội viên nông dân tại địa phương về cây giống chậm trả, trị giá trên 25 triệu đồng. Năm 2003, anh duy trì canh tác 30 ha tre Bát Độ đạt hiệu quả kinh tế cao. Không những thế, anh còn nghiên cứu và nhân giống thành công giống tre Bát Độ để không chỉ tự túc được giống cho gia đình, mà còn bán thu được lợi nhuận cao...

Mô hình kinh tế của gia đình Khổng Minh Quý đã trở thành mẫu mô hình phát triển kinh tế trang trại của địa phương. Với những đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, anh được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và danh hiệu cao quý. Năm 1998, anh được Sở lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Yên Bái chọn đi dự Hội nghị tiên tiến xuất sắc 15 tỉnh phía Bắc do Bộ LĐTBXH tổ chức tại Quảng Ninh và được Bộ tặng bằng khen. Năm 2001, anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Giờ đây, ở cái tuổi gần gần “thất thập, cổ lai hy”, với cương vị Chánh Văn phòng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Yên Bái, anh còn miệt mài với các hoạt động tình nghĩa… hàng ngày cùng đồng đội giúp đỡ nhau phát triển kinh tế để cuộc sống tốt đẹp hơn, đồng thời tri ân các anh hùng liệt sĩ.

HL-TH/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/nguoi-thuong-binh-dam-nghi-dam-lam-xay-dung-que-huong-20240727070443239.htm