Người thương binh ham đọc và viết

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở xã Tân An (Thanh Hà), từ nhỏ ông Lê Phương đã ham đọc sách. Niềm đam mê với sách thôi thúc ông viết và đến nay ông đã có một gia tài sách đồ sộ.

Ông Lê Phương và những cuốn sách ông biên soạn

Ông Lê Phương và những cuốn sách ông biên soạn

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở xã Tân An (Thanh Hà), từ nhỏ ông Lê Phương đã ham đọc sách. Niềm đam mê với sách đã thôi thúc ông viết và đến nay ông đã có cả một gia tài sách đồ sộ.

Đam mê viết sách

Năm 1965, vừa 18 tuổi ông Phương vào bộ đội. Là chiến sĩ thông tin liên lạc, ông Phương tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Bình năm 1967; xông pha vào Nam ra Bắc, từ đất liền ra hải đảo, tới Đường 9 - Nam Lào... Trở về quê nhà, ông là thương binh hạng 1/4 và mang chất độc da cam trong người.

Sau này chuyển ngành, ông Phương vẫn giữ được thú vui đọc sách. Ông tìm chọn những cuốn sách về các lĩnh vực kỹ thuật, văn hóa, lịch sử, đặc biệt là văn học. Sách cho vốn tri thức phong phú, khiến ông càng tự tin trong các môi trường công tác. Năm 2007, ông Lê Phương nghỉ hưu từ cương vị Giám đốc Công ty Điện thoại Điện báo tỉnh Hải Dương (thuộc Bưu điện tỉnh). Bạn ông có người làm thơ, viết báo, còn ông để tâm đọc, chép các tư liệu, chắt lọc từ những trang sổ tay ghi chép về những nhân vật, phong cảnh các miền quê… Tất cả được tập hợp lại, viết thành từng bài ngắn, với một ý tưởng giản dị là chép lại để nhớ, để truyền lại cho con cháu. Ban đầu, ông đặt tên cuốn sách “Đến những nẻo đường”. Về sau, trong lần trò chuyện với bạn bè, ông thêm một ngoặc đơn "Kiến văn tạp lục thời @”.

Pho sách của ông Phương có nhiều cuốn. Cuốn thứ nhất có tên "Quê cha đất tổ”, tức là đất xứ Đông, có 115 bài, chấm phá cô đọng nhất về những địa danh: Côn Sơn, Kiếp Bạc, Thành Đông…; các nhân vật lịch sử Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Trần Quốc Tuấn... Cuốn thứ hai, ba, tư trở đi, chủ đề về Hà Nội, xứ Đoài, Kinh Bắc… về đất và người Việt Bắc, khúc ruột miền Trung, Nam Bộ, Tây Nguyên… Cứ như thế, ông đã hoàn thành nhiều cuốn sách dày dặn.

Đáng chú ý nhất là cuốn số 30, ông viết về biển đảo Việt Nam. Hầu như tất cả các vịnh, đảo, cửa biển quan trọng của đất nước đều được viết rõ ràng mạch lạc. Và cuốn số 52 chuyên về cách mạng Việt Nam, ông không quên các trận đánh lịch sử chống giặc bảo vệ Tổ quốc.

Ông dành một cuốn số 60 nói tới các nhà trí thức thời đại Hồ Chí Minh. Để viết được cuốn sách đồ sộ này, ông đã trang bị cho gia đình một tủ với gần 1.000 cuốn sách. Chỉ kể riêng loại từ điển đã có hàng chục cuốn. Ông sưu tầm, ghi chép suốt 50 năm qua, trên những nẻo đường Tổ quốc, từ Nam ra Bắc. Đến vùng nào, ông cũng đều ghi chép, tìm hiểu ngọn ngành, rồi về chắt gạn ra...

Ông kể rằng trong những cuộc thù tạc, giao lưu với bạn bè, ông đều lắng nghe câu chuyện để bồi đắp kiến thức của mình. Ông chép tay, viết những dòng chữ nắn nót bằng bút bi, đều tăm tắp, rất đẹp. Các con thương bố, mua máy vi tính về, ông học và tự đánh máy, đã bớt đi phần nào khó nhọc.

Ánh sáng từ căn phòng hẹp

Ông Lê Phương đã viết được hơn 100 cuốn sách, mỗi cuốn dày khoảng 600 trang, khổ giấy A5, có in ảnh màu, chú giải tỉ mỉ. Bìa cứng. Phần mục lục của cả bộ sách, ông phải in thành một cuốn riêng để tra cứu, cũng dày 600 trang giấy.

Hỏi mục đích viết sách, ông cười thật thà: "Trước hết là tạo ra niềm vui đọc sách. Bởi muốn viết phải đọc, phải động não. Viết là công việc tổng hợp của sự ghi nhớ, chắt lọc kiến thức. Mỗi lần viết, thêm một lần ghim lại kiến thức trong não. Sau là lưu giữ cho mình, cho con cháu mình. Cũng là cách làm gương cho thành viên trong gia đình về văn hóa đọc. Đây còn là để giao lưu bạn bè…".

Bà Nguyễn Thị Hiền, vợ ông ngồi bên xen vào câu chuyện: "Thấy ông ấy say sưa với thú vui riêng, tôi cũng chẳng biết nói gì. Hằng ngày, 2-3 lần tôi phải gọi ông từ trên gác xuống ăn cơm, xong lại lên phòng đóng cửa làm việc...".

Tôi đã lên căn phòng làm việc của ông Phương. Thực ra đó là gác xép trong ngôi nhà xây đã cũ, tường ngoài mốc meo, lọt thỏm trong một ngõ hẹp, thuộc phố Nguyễn Hữu Cầu, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương). Phải đi qua một cầu thang độc đạo mới lên gác được. Gọi là độc đạo vì nó hẹp đến mức nếu hai người lên xuống cùng lúc không thể tránh được nhau. Căn gác xép rộng ngót 10 m2, xung quanh là giá sách, diện tích còn lại kê vừa chiếc giường nhỡ và chiếc bàn đặt máy vi tính.

Chính từ cái căn phòng chật hẹp này, ông Phương đã tìm ra kho tri thức và một thế giới rộng lớn, không cùng.

Ông sinh năm 1947, nay đã vào tuổi 74. Mấy năm nay ông đổ bệnh. Người thương binh có đức tính kiên cường, vượt qua bệnh tật để đọc sách và viết sách là thế, bây giờ phải nằm trên giường không viết được nữa...

KHÚC HÀ LINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/nguoi-thuong-binh-ham-doc-va-viet-174347