Người thương binh 'tàn nhưng không phế'

Ông Nguyễn Trung Thanh, 68 tuổi, ở thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh là thương binh 1/4. Phát huy bản chất người lính trong hòa bình, mặc dù thương binh nặng nhưng ông Thanh cùng vợ tần tảo nuôi 3 người con học hành khôn lớn, trưởng thành. Ông cũng là một thương binh mẫu mực, hăng hái tham gia hoạt động các hội đoàn thể tại địa phương.

Thương binh Nguyễn Trung Thanh cùng vợ trong cuộc sống hiện nay -Ảnh: T.L

Thương binh Nguyễn Trung Thanh cùng vợ trong cuộc sống hiện nay -Ảnh: T.L

Một ngày cuối tháng 6, chúng tôi có mặt tại căn nhà khang trang của thương binh 1/4 Nguyễn Trung Thanh. Ở tuổi gần 70, sức khỏe giảm sút, nhưng ông Thanh vẫn nhớ lại rành mạch những tháng ngày quê hương bị chiến tranh tàn phá nặng nề.

Ông kể, từ giữa năm 1966, đế quốc Mỹ tập trung rải bom đánh phá khu vực Vĩnh Linh, Gio Linh ngày càng ác liệt hơn. Để hạn chế thương vong và bảo đảm nguồn nhân lực tương lai cho quê hương, đất nước, Đảng và Bác Hồ có chủ trương đưa hơn 3 vạn trẻ em từ 7-15 tuổi ở vùng này sơ tán ra các tỉnh miền Bắc để học tập, được gọi là Chiến dịch K8 và ông Thanh là 1 trong số đó. Thời gian này ông Thanh được sắp xếp cùng ăn ở, học tập tại tỉnh Thanh Hóa.

Đến đầu năm 1972, khi mới 16 tuổi, qua lời thầy, cô giáo kể và thông tin nắm bắt được, ông Thanh biết tình hình chiến trường Quảng Trị ngày càng ác liệt, quê hương đang bị bom đạn dày xéo. Là con trai của thương binh thời kỳ chống Pháp, ông Thanh trăn trở, suy nghĩ, cần phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, ông viết đơn tình nguyện trở lại Quảng Trị để được trực tiếp ra trận, góp sức mình vào cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Các chú, các bác biết chuyện động viên ông cố gắng ở lại học tập cho hoàn thành, nhưng ông nhất quyết xin được vào Quảng Trị. Đến lá thư tình nguyện thứ 3 gửi lên cấp trên thì ông mới được phép nhập ngũ, tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị.

Vào chiến trường được 4 ngày, ông Thanh tham gia 3 trận đánh. Ở trận đánh thứ 3 không may ông trúng đạn bị thương nặng ở 2 mắt và chấn thương sọ não cùng nhiều chấn thương khác. Đơn vị đưa ông ra tuyến sau rồi ra miền Bắc điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Năm 1978, thương binh đặc biệt nặng Nguyễn Trung Thanh trở về xã Trung Giang sinh sống với nhiều vết sẹo trên cơ thể và thị lực chỉ còn 1/10. “Tự hào khi được góp một phần xương máu cho Tổ quốc nhưng khi mới trở về quê hương, tôi rất khó khăn mới có thể hòa nhập lại với cuộc sống.

Tôi tự động viên, mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều các anh em, đồng đội khác phải nằm lại chiến trường, không được trở về nhìn thấy ngày đất nước hòa bình. Tôi thấy mình có trách nhiệm và phấn đấu để xứng đáng là “tàn nhưng không phế”. Tôi tham gia các hoạt động ở địa phương, giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh không may mắn”, ông Thanh chia sẻ.

Tại quê hương, ông gặp bà Nguyễn Thị Hương (sinh 1958), người thôn Thủy Bạn, cùng xã Trung Giang, hai người nên duyên vợ chồng. Những ngày đầu, ông Thanh cùng vợ nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Ở vùng biển nhưng không thể làm nghề biển vì ông không đủ sức khỏe. Được chính quyền địa phương quan tâm đối tượng có công với cách mạng, gia đình ông được hỗ trợ xây một quán nhỏ để bán tạp hóa.

Không những sắp xếp thời gian hợp lý để giúp gia đình, ông Thanh còn nhiệt tình tham gia phong trào hoạt động của các hội đoàn thể, từng là Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Trung Giang, tham gia Ban chấp hành Hội Người mù huyện Gio Linh.

Những ngày đó ông phối hợp với Hội Người mù huyện Gio Linh tổ chức cho thành viên Hội Khuyết tật xã bán chổi đót và tăm tre. Số tiền lãi kiếm được đã giúp nhiều thành viên có thêm để chi tiêu phục vụ cuộc sống hằng ngày.

Ông còn kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ nhiều phần quà giá trị cho hội viên nhân các dịp lễ, Tết như là sự động viên, chia sẻ để họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống... Với những thành tích ấy, năm 2019, ông là 1 trong số 500 đại biểu thương binh nặng toàn quốc được tuyên dương tại Hà Nội.

Vợ ông Thanh, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, hơn 40 năm chung sống, tôi một mực thương yêu, kính trọng và khâm phục ý chí của chồng. Tuổi trẻ ông dâng hiến cho quê hương đất nước được hòa bình, thống nhất. Trở về đời thường ông quyết tâm vượt lên hoàn cảnh của bản thân để xây dựng cho gia đình ngày một ấm áp, chưa một ngày nghỉ ngơi.

Cho đến hôm nay, dù đôi mắt đã mất thị lực hoàn toàn nhưng ông Thanh vẫn tự túc phần lớn các sinh hoạt cá nhân, không phiền đến vợ con. Đáp lại công lao sinh thành và nuôi dưỡng nhọc nhằn của bố mẹ, các con của ông bà học hành đỗ đạt, có vị trí xã hội, nghề nghiệp ổn định và có gia đình riêng.

Tuổi già, niềm vui của vợ chồng ông Thanh là hằng ngày quây quần bên con cháu. Thỉnh thoảng bà dẫn ông đi dạo, hóng gió dọc bến sông hoặc cùng bạn bè, đồng đội ôn lại những kỷ niệm xưa về các trận đánh ác liệt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh cho biết, ông Nguyễn Trung Thanh là một thương binh “tàn nhưng không phế”, luôn có ý chí, nghị lực phi thường để vươn lên chiến thắng thương tật, chăm lo xây dựng gia đình, cuộc sống, nêu gương sáng trong cộng đồng.

Ở lĩnh vực nào ông Thanh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Sự cố gắng vươn lên, chiến thắng số phận của ông Thanh đã tiếp thêm động lực cho nhiều thương, bệnh binh khác và thế hệ sau tiếp tục phấn đấu, cống hiến sức lực lao động, góp phần xây dựng quê hương.

Được trò chuyện với ông Thanh trong những ngày tỉnh Quảng Trị cùng cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, hướng đến kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 (1947-2024), chúng tôi càng thêm khâm phục nghị lực của người thương binh này.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nguoi-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-186466.htm