Người thương binh tiên phong chống tiêu cực

Cựu chiến binh (CCB) Đàm Tiến Chiêm có dáng người nhỏ bé. Dấu ấn chiến tranh vẫn còn in dấu trên anh nơi chiếc chân phải đã vĩnh viễn gửi lại chiến trường và sự gan góc, rắn rỏi, cương nghị của một người lính Bộ đội Cụ Hồ.

“Lý tưởng sống, ý chí, nghị lực vượt lên khó khăn và tinh thần dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng với những tệ nạn, hành động sai trái trong xã hội để bảo vệ lẽ phải của anh Chiêm là tấm gương sáng cho chúng tôi”. CCB Lê Xuân Thanh, hội viên Ban liên lạc (BLL) CCB Đặc công tỉnh Ninh Bình vui vẻ cho biết.

Cháy bỏng nhiệt huyết thời trẻ

Chúng tôi cùng CCB Lê Xuân Thanh đến xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình (Ninh Bình) tìm đến nhà CCB, thương binh Đàm Tiến Chiêm, Phó ban liên lạc CCB Đặc công tỉnh Ninh Bình.

Vừa đến nhà anh, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy chủ nhân trang bị camera theo dõi, bảo đảm an ninh 4 phía. “Người ta nhà biệt thự nhiều tỷ đồng cũng chưa trang bị nhiều camera như căn nhà vườn cấp 4 của anh Chiêm, anh Thanh nhỉ?”, tôi hỏi. Giọng CCB Lê Xuân Thanh bỗng trở nên nghiêm túc: “Vì đấu tranh với các tiêu cực ở địa phương nên anh Chiêm hay bị kẻ xấu đến quấy nhiễu và khủng bố. Chính vì vậy, anh mới lắp hệ thống camera để ngăn ngừa kẻ xấu và cũng là có bằng chứng về các hành vi trái pháp luật khi những đối tượng này tổ chức dọa nạt hay khủng bố.

Hiểu câu chuyện giữa chúng tôi với anh Thanh, anh Chiêm vui cười giãi bày: "Trước kia, giữa ranh giới sinh tử của chiến trường còn không lùi bước thì không có lẽ gì giờ lại cúi đầu trước cái xấu, cái tiêu cực. Cuộc chiến chống cái xấu, cái tiêu cực tuy không khói súng nhưng rất cam go và nguy hiểm, vừa cần sự quyết tâm cao vừa cần phải biết tự bảo vệ mình thì mới có thể tiến bước".

CCB Đàm Tiến Chiêm có dáng người nhỏ bé. Dấu ấn chiến tranh vẫn còn in dấu trên anh nơi chiếc chân phải đã vĩnh viễn gửi lại chiến trường và sự gan góc, rắn rỏi, cương nghị của một người lính Bộ đội Cụ Hồ. Vào những ngày giá rét, vết thương nơi chóp cụt chân phải làm anh đau nhức và đi lại khó khăn hơn, nhưng anh vẫn nhanh nhẹn lấy chiếc hòm cất giữ những kỷ vật để đưa chúng tôi trở về một thời “hoa lửa”.

Ước mơ được trở thành Bộ đội Cụ Hồ để ra trận tuyến giết quân thù đã nung nấu trong tâm can cậu học sinh Đàm Tiến Chiêm từ thuở nhỏ. Chính vì vậy, năm 1974, vừa học xong lớp 9 (hệ 10 năm) ở Trường Lương Văn Tụy (Ninh Bình), anh xung phong nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Những ngày đầu trong quân ngũ, tuy sức khỏe còn hạn chế nhưng anh Chiêm đã quyết tâm rèn luyện để sánh vai và vượt lên giành thành tích giỏi trong huấn luyện và được thưởng 3 ngày phép. Sau đó, anh cùng đồng đội hành quân vào chiến trường tham gia giải phóng miền Nam rồi lại tiếp tục hành quân trong đội hình Trung đoàn 429, Sư đoàn 302, Quân khu 7 làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia. Khi đó, anh là lái xe cứu thương-chiếc xe được đồng đội dí dỏm đặt tên là hồng thập cẩm (vì lúc đó xe lên mặt trận thì chở bộ đội bổ sung lương thực-thực phẩm, tiếp tế súng đạn... lúc về thì chở thương binh, tử sĩ). Trải qua nhiều trận chiến tử sinh, nhưng lần anh bị thương vĩnh viễn mất đi chân phải ở chiến trường đã trở thành kỷ niệm không quên. Trong trận đánh ở ấp Tha La (tỉnh Kampong Cham, Campuchia) vào cuối năm 1978, đang trên đường vận chuyển thương binh Nguyễn Khắc Tiến (cùng đơn vị) ở thôn Trạch Lôi, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), bỗng nhiên chiếc xe trúng mìn của địch. Sau tiếng nổ vang trời, anh Chiêm thấy trời đất tối sầm. Khi tỉnh dậy, anh thấy chiếc xe còn đang bốc cháy. Toàn thân tê dại. Chiếc chân phải đã bị cắt cụt đến phần đầu gối. Rất may, sức nóng của quả mìn đã nướng chỗ mỏm cụt, thêm vào đó khói mìn tạo muội bám đen sì, nhờ vậy mà chỗ chân cụt được cầm máu nên anh không bị hy sinh. Quờ tay sang bên, anh Chiêm túm được khẩu AK, anh bèn cầm súng, lết vào bụi sim ven đường. Trời lúc này bỗng chuyển cơn mưa, sấm chớp lóe lên nổ ùng oàng hòa vào tiếng đạn bom rền vang của chiến trường. Một lúc sau, anh được đơn vị tổ chức người đến cứu và đưa về tuyến sau điều trị...

Cựu chiến binh Đàm Tiến Chiêm (thứ 2, từ phải sang) trong lần gặp mặt truyền thống Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 429, Sư đoàn 302, Quân khu 7.

Cựu chiến binh Đàm Tiến Chiêm (thứ 2, từ phải sang) trong lần gặp mặt truyền thống Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 429, Sư đoàn 302, Quân khu 7.

Anh Chiêm kể: “Lần ấy, trong bệnh xá, tôi gặp lại anh Tiến, anh bị mất cả hai chân, chúng tôi có tâm sự với nhau: Lúc tỉnh dậy em thấy tâm trạng rất vui mừng vì vừa thoát chết, còn anh thế nào? Tôi hỏi. Anh Tiến trầm ngâm rồi trả lời: Lúc tỉnh dậy, tôi thấy buồn lắm! Tôi có vợ và hai con gái, giờ trở về cuộc sống, mất hai chân, tôi sao làm được trụ cột của gia đình. Lời nói của anh khiến tôi như thức tỉnh vì nhận ra rằng, Bộ đội Cụ Hồ ngoài trách nhiệm với đất nước, còn mang trên người trách nhiệm với gia đình, với cuộc sống. Chúng tôi cùng động viên nhau, khi trở về sẽ cố gắng, quyết tâm không được khuất phục trước hoàn cảnh, phải là trụ cột trong cuộc sống riêng. Đến giờ, chúng tôi vẫn thăm hỏi và làm điểm tựa tinh thần cho nhau”.

Dũng cảm trên mặt trận chống tiêu cực

Sau đó vài tháng, anh Chiêm được đơn vị đưa về đoàn an dưỡng thương bệnh binh ở Ninh Bình điều trị. Nhớ lời Bác dạy: Thương binh tàn nhưng không phế, anh thương binh hạng 2/4 Đàm Tiến Chiêm quyết tâm xây dựng cuộc sống từ con số không. Năm 1980, anh xin đi học ôn văn hóa ở Trường Văn hóa Trung ương (Chí Linh, Hải Dương) và sau đó thi đỗ vào trường trung cấp tài chính, kinh tế (ở Kép, Lạng Giang). Sau đó được điều về Xí nghiệp may thương binh 27-7 của tỉnh Ninh Bình. Cảm phục trước nghị lực của anh, chị Trịnh Thị Mai Lan (vợ anh bây giờ), một nữ bộ đội về nghỉ theo chế độ mất sức lao động và làm công nhân tại xí nghiệp, đã đem lòng thương yêu và kết tóc xe tơ. Năm 1986, nhân xí nghiệp chuyển đổi cơ cấu, vợ chồng anh xin nghỉ về quê hương Ninh Tiến lập nghiệp. Thuở đầu gian nan với hai bàn tay trắng, gia đình anh phải ra “góc hồ, cửa mả” của làng cất nhà ở tạm. Với kiến thức và kinh nghiệm nghề may của vợ và nhờ sự hỗ trợ của bạn bè, gia đình mua được chiếc máy khâu để vợ làm nghề may vá. Còn anh được vào Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Ninh Tiến, hằng ngày thức khuya, dậy sớm bận rộn với việc đồng áng.

Năm 1993, theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, gia đình anh nhận được 1,2 mẫu đất ruộng. Với ý chí và bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, anh Chiêm luôn là tấm gương xã viên sản xuất giỏi, đạt các danh hiệu về xóa đói, giảm nghèo và gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 1999, anh được bầu làm Phó chủ nhiệm HTX, đến năm 2020 thì nghỉ.

Anh Hoàng Văn Hiểu ở thôn Cổ Loan Thượng, xã Ninh Tiến chia sẻ: Chúng tôi cảm phục anh Chiêm phần vì “chân gỗ đá đổ đói nghèo”, phần vì anh rất quan tâm, hỗ trợ những xã viên và nông dân gặp khó khăn. Năm 1999, anh Chiêm còn thành lập câu lạc bộ chăn nuôi “Sơn Tiến Thành” do anh làm chủ nhiệm. Theo đó, hằng năm, anh ủng hộ kinh phí tổ chức đưa thành viên câu lạc bộ đi thăm các mô hình sản xuất chăn nuôi giỏi ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, giúp hội viên “mục sở thị” và xây dựng hướng phát triển theo các mô hình kinh tế hiệu quả. Điển hình là gia đình tôi trước kia thuộc diện nghèo, hằng năm chỉ nuôi thêm được 1-2 con lợn. Biết được hoàn cảnh của gia đình tôi, anh Chiêm đã động viên hỗ trợ kinh phí để mở rộng chăn nuôi và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Nhờ vậy, gia đình tôi đã trở nên khá giả, con cái được nuôi học đàng hoàng và hiện nay đều thành đạt.

Luôn nghĩ về tập thể, đó là phong cách sống của anh Chiêm. Năm 1999, khi giữ cương vị làm Phó chủ nhiệm HTX, qua tìm hiểu, anh phát hiện ra rằng, có nhiều cán bộ lạm dụng chức quyền chiếm đoạt 5% đất của xã làm của riêng, trong khi đó có rất nhiều xã viên chưa được chia đất gặp những khó khăn trong cuộc sống. Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh đã cùng nhiều xã viên tranh đấu. “Nhiều lần các đối tượng đến gặp tôi dụ dỗ, không được thì đe dọa. Nhưng tôi không cho phép mình chùn bước. Nhờ vậy, sau nhiều năm, các đối tượng cũng phải trả đất cho hợp tác xã để chia cho các xã viên chưa được hưởng quyền lợi”, anh Chiêm kể.

Anh Chiêm là điểm tựa của xã viên, nhưng lại là cái “gai” trong mắt các cán bộ thoái hóa, biến chất. Đỉnh điểm là năm 2015, chi ủy gặp riêng anh Chiêm và yêu cầu anh không tham gia ứng cử vào vị trí Phó giám đốc HTX (thời điểm này, chức danh lãnh đạo HTX được thay đổi), với lý do anh đã cao tuổi, sức khỏe hạn chế nên để lớp trẻ lên thay thế nhằm xây dựng HTX theo hướng hiện đại. Vấn đề này được chi ủy đưa vào nghị quyết lãnh đạo. Thế nhưng, khi ra đại hội, các xã viên đã đề cử anh trước đại hội và anh lại được bầu vào cương vị Phó giám đốc HTX. Anh Chiêm tâm sự: “Sự việc như vậy mà chi ủy lại tổ chức họp ra quyết định kỷ luật tôi vì tôi đã không chấp hành nghị quyết của chi bộ. Khi tôi không chấp nhận sự kỷ luật phi lý đó thì cấp ủy đã đề xuất khai trừ tôi ra khỏi Đảng. Lạ nhất là tổ chức đảng các cấp cũng họp và thống nhất theo đề xuất của chi bộ. Ngày 1-8-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Ninh Bình ra Quyết định số 2037-QĐ/TU, xóa tên đảng viên Đàm Tiến Chiêm trong danh sách đảng viên”.

Thấy anh “ngã ngựa”, nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng cũng mang tâm lý sợ sệt, e ngại cho anh. Với danh dự của người lính Bộ đội Cụ Hồ, cho dù một thân một mình, anh không cho phép mình dừng cuộc chiến mà phải bước tiếp trên hành trình đấu tranh đòi công lý cho chính mình cũng như giữ gìn ngọn lửa đấu tranh chống tiêu cực trong nhân dân. Ngày 30-11-2018, Thường vụ Thành ủy Ninh Bình ra hai Quyết định: Số 3311-QĐ/TU hủy Quyết định số 2037, ngày 1-8-2017 của Ban Thường vụ về việc xóa tên trong danh sách đảng viên đối với đồng chí Đàm Tiến Chiêm và Quyết định số 3312-QĐ/TU, khôi phục quyền đảng viên đối với đồng chí Đàm Tiến Chiêm chi bộ thôn Cổ Loan Trung 2, Đảng bộ xã Ninh Tiến. Trong lễ khôi phục quyền đảng viên, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình (năm 2018) phát biểu: Chúng tôi rất nể và kính trọng đồng chí Chiêm, nể vì có nhiều đảng viên bị oan sai đã phẫn uất buông bỏ. Nhưng đồng chí Chiêm vì lòng tự trọng của đảng viên đã đấu tranh cho chính mình và cũng là góp phần tìm lại sự trong trắng của Đảng.

Theo CCB Lê Xuân Thanh, ngoài việc đấu tranh đòi quyền lợi cho xã viên. Anh Chiêm còn tích cực đấu tranh với những tiêu cực khác trên địa bàn xã Ninh Tiến. Đơn cử như: Khi thu hồi đất ruộng, các cán bộ tiêu cực đã đút túi tiền đền bù đất, phát hiện ra điều này, anh Chiêm đã tố giác để đòi quyền lợi cho nhân dân; hay những tiêu cực ở chợ đầu mối Ninh Tiến anh cũng đang tích cực tranh đấu... Chính vì lẽ đó mà “giông bão” cuộc đời luôn vây hãm căn nhà anh ở xã Ninh Tiến. Nhiều lần, anh bị một số đối tượng “vô tình” gây sự dọc đường. Còn gia đình anh, nhiều khi bị các đối tượng giấu mặt phá phách hay ném “quà” xú uế vào nhà...

Dù gặp nguy hiểm nào nhưng anh Chiêm vẫn luôn vững lòng tin với Đảng. Năm nay dù tuổi đã cao nhưng mỗi khi nhắc đến tiêu cực, anh vẫn hăng hái lĩnh ấn tiên phong ra trận. Trong lòng chúng tôi mong những tháng ngày bình an sẽ luôn đến với gia đình và anh Chiêm.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/nguoi-thuong-binh-tien-phong-chong-tieu-cuc-719288