Người thương binh tiên phong làm giàu từ cây mắc ca
Xuất ngũ năm 1979, rời quê hương Thái Bình vào Gia Lai định cư, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng cây mắc ca xen canh mà thương binh Phạm Hữu Đương đang ngày một giàu lên, thu nhập 2-3 tỷ đồng mỗi năm.
Sau nhiều lần thất bại vì làm nông nghiệp không đúng kỹ thuật, năm 2010, ông Phạm Hữu Đương, thương binh 3/4, sinh năm 1947, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai, đã mạnh dạn qua Đăk Lăk mua 1.000 cây giống mắc ca về trồng. Thấy cây phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, năm 2015, ông Đương nhân rộng diện tích thêm 1.000 cây nữa. Hiện gia đình ông đang sở hữu khoảng gần 8 ha với 2.000 cây mắc ca xen canh cà phê, chuối, điều, đinh lăng, tiêu.
Là người tiên phong trồng cây mắc ca và đã cho hiệu quả khả quan trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông Đương chia sẻ: "Mắc ca là cây thân gỗ, cao trên 15 m, không chịu được gió bão, úng ngập, phù hợp với nhiệt độ vùng đất đỏ Gia Lai, cây có tuổi khai thác kinh tế từ 40-60 năm. Tận dụng lợi thế khi trồng cây mắc ca con, tôi xen canh nhiều loại cây công nghiệp mà không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các loại cây này. Lúc cây mắc ca còn nhỏ, tôi đã thu hoạch tiêu, cà phê, điều, chuối... lấy ngắn nuôi dài".
Hiện nay, 1.000 cây mắc ca trồng trước của ông Đương cho thu hoạch khoảng 10 tấn khô/năm. Ông đầu tư cả máy bóc vỏ, máy sấy, nên sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín có giá bán ra thị trường khoảng 250 triệu đồng/tấn. Đầu ra của sản phẩm mắc ca khô khá ổn định, ông Đương đã ký hợp đồng xuất bán cho các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bình quân, mỗi năm gia đình ông thu hoạch gần 2,5 tỷ đồng từ cây mắc ca.
Vườn mắc ca xen canh của ông Đương đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, trong đó có các cựu chiến binh, người lớn tuổi trong khu vực. Khoảng 7 lao động thường xuyên phục vụ việc bón phân, tỉa cành, hái quả, bóc tách, phân loại, sấy mắc ca. Đến mùa thu hoạch mắc ca và các loại cây xen canh, ông Đương phải thuê thêm khoảng 10 lao động nữa mới kịp tiến độ. Mức lương hằng tháng cho mỗi công nhân từ 4,5-5 triệu đồng.
Ông Trịnh Văn Việt, 55 tuổi, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông tâm sự: "Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, nhờ ông Đương thuê cả hai vợ chồng làm công nhân nên gia đình tôi đã không còn cảnh lo cơm từng bữa. Công việc cũng không nặng nhọc, vừa sức với những người lớn tuổi".
Với kinh nghiệm trồng mắc ca và hiệu quả thực tế mà gia đình ông đạt được, ông Đương đã được mời chia sẻ kinh nghiệm trồng mắc ca tại Hội thảo tiềm năng phát triển cây mắc ca tỉnh Gia Lai do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Hiệp hội mắc ca Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua. Qua tham quan vườn cây, nghiên cứu điều kiện phát triển của loại giống mắc ca tại địa phương, tỉnh Gia Lai cũng đã có định hướng trồng, nhân rộng diện tích mắc ca thành cây lâm sản trồng thành rừng sản xuất, tạo độ che phủ cho các lâm phần trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo bà Hoàng Thị Ngát, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông, ông Đương là người đầu tiên trồng mắc ca tại địa phương, hiện vườn mắc ca của gia đình ông Đương là một trong những mô hình điểm của tỉnh Gia Lai với năng suất, hiệu quả cao. Sau nhiều lần kiểm tra, đánh giá sản phẩm, sắp tới huyện Chư Prông sẽ phát triển sản phẩm mắc ca của ông Phạm Hữu Đương thành sản phẩm COOP cấp huyện.
Các loại cây xen canh trong vườn của ông Đương như cà phê, tiêu, chuối, điều... cũng cho thu hoạch từ 200-300 triệu đồng/năm. Trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình ông Đương đạt hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Đương thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho các hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông. Với nguồn quỹ hơn 100 triệu đồng mỗi năm, ông cho các hội viên vay không tính lãi; đồng thời động viên, hướng dẫn hội viên Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi cách chăm sóc, nuôi trồng cây, con cho hiệu quả cao. Theo ông Đương, để phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại sản phẩm có giá thành cao, nông dân nên chuyển sang canh tác nông nghiệp hữu cơ, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sử dụng, lại cho hiệu quả kinh tế lâu dài.
Ông Bùi Văn Nhậm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông, cho biết: Thương binh, Cựu chiến binh Phạm Hữu Đương là người tiên phong trồng mắc ca xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn. Trong 2 năm (2017-2018), ông Đương đều đạt danh hiệu Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ông luôn tích cực, gương mẫu trong các phong trào, công tác Hội tại địa phương, là một trong những gương sáng để con cháu học tập, noi theo.