'Người thủy diện' trên sông Sài Gòn

Kiều Loan, năm nay 20 tuổi, vô gia cư, nổi trôi theo 'ngôi nhà' tạm bợ là chiếc ghe vá chằng vá đụp, nơi tá túc khi dưới chân cầu Sài Gòn, khi chân cầu Bình Lợi. Rác rưởi kênh rạch Sài Gòn là nguồn mưu sinh của Kiều Loan và cả gia đình từ khi lọt lòng mẹ.

Lấy chiếc xuồng nhỏ làm nhà, chọn mặt nước làm chốn dung thân, chuyện tưởng chỉ còn trong dĩ vãng của cư dân thủy diện, vạn đò đâu đó tuốt miệt phá Tam Giang của khu vực miền Trung. Không ngờ rằng, ở buổi hoàng hôn bên bờ sông Sài Gòn, tôi bắt gặp hình ảnh chiếc xuồng nhỏ chở theo đống vỏ lon nước ngọt vương nơi đầu mũi, trên xuồng có hai nhân vật kỳ lạ, đấy là anh Nguyễn Văn Bằng - với hơn 30 năm lênh đênh vô định trên sông Sài Gòn, và cô con gái có cái tên mỹ miều: Kiều Loan.

Lên Sài thành khởi nghiệp

Rời mảnh đất muỗi ve như sáo bên dòng sông Hậu vùng Châu Đốc (An Giang), Nguyễn Văn Bằng theo lời rủ rê của đồng hương, lên Sài Gòn lập nghiệp với ước mơ thoát nghèo. Đấy là chuyện xảy ra từ hơn 30 năm trước.

Trong ánh hoàng hôn xuống dần, Bằng trầm buồn kể: “Ở quê hồi đó mới lập gia đình, sống khổ quá, làm thuê mần công lúa không tới đâu, nghe mấy anh lớn trong xóm nói trên Sài Gòn dễ kiếm việc, vậy là tui với bà xã đi theo”. Chân ướt chân ráo, tứ cố vô thân, đến nơi phồn hoa đô hội, công việc đầu tiên Bằng và bà xã Nguyễn Thị Dẻ thử vận may là nghề phụ hồ. Không nhớ rõ số tiền nhận được nhưng Bằng chỉ biết cả hai vợ chồng ngày nai lưng làm, đêm về nhà trọ ngủ, tiền chỉ đủ ăn, dư ra chút nhưng đóng tiền nhà trọ là cạn túi, có tháng không đủ.

Cuộc sống đôi vợ chồng son còn cơ cực hơn ở quê nhà.

Vỏ lon và rác thải trên kênh rạch là nguồn mưu sinh chính của hai cha con Bằng - Loan.

Vỏ lon và rác thải trên kênh rạch là nguồn mưu sinh chính của hai cha con Bằng - Loan.

Lao động nặng, đói ăn, nơi ở không ổn định, vợ chồng Bằng quyết định chuyển sang bán vé số, nghe đỡ cơ cực hơn nghề phụ hồ. Được vài ngày đầu thu nhập đều đặn, rồi khó khăn cũng ập đến, hết Dẻ rồi Bằng liên tục bị kẻ gian giựt cả xấp vé lên xe chạy mất, có bữa bị giựt túi mất cả vốn lẫn lời. Chuyện khởi nghiệp bằng nghề bán vé số cũng đành dang dở. Loay hoay cả năm, ước mơ thoát nghèo của vợ chồng Bằng vẫn dậm chân tại chỗ.

Đang lúc quẫn không biết phải làm gì, bản năng mưu sinh sông nước cả hai vợ chồng trỗi dậy. Bằng nhớ lại những lần lang thang qua cầu Thị Nghè, đi dọc sông Sài Gòn, gió mát rượi, con nít nhảy sông tắm ùm ụp, buổi chiều ven bờ sông, dân tình ra câu cá bống cơm, thả cần xuống, lúc lắc vài giây giựt lên con cá mập căng cỡ ngón tay cái. Vợ chồng Bằng quyết định bỏ mặt đất, tìm mua trả góp cái ghe chèo đã nát bươm bên Thủ Thiêm, lấy dòng sông Sài Gòn làm nơi cư ngụ.

Dùng phương tiện đò ghe làm không gian sống, không giấy tờ tùy thân, không nghề nghiệp cụ thể, bị xã hội coi khinh… đó là những đặc điểm của người lấy mặt nước làm nơi sinh sống từ thời chúa Nguyễn ở vùng Phá Tam Giang, được gọi ngắn gọn là “người thủy diện” hay “dân vạn đò”.

Rời bờ, cuộc sống trên ghe có vẻ hợp cảnh cùng đôi vợ chồng son. Biệt tài sông nước khiến chuyện mưu sinh dễ thở hơn, nguồn sống từ con cá khắp kênh rạch Sài Gòn đủ cho bữa ăn qua ngày, ve chai rác thải đủ phần tích lũy cuộc sống. Hai vợ chồng đón đứa con đầu lòng chào đời cũng trên “ngôi nhà” nổi trên sông.

Bằng nhớ lại: “Vợ có bầu, mừng lắm, hai tụi tui sống bám trên ghe. Lúc đẻ đứa nhỏ ra, vợ chồng tui đặt tên nó là Kiều Loan”. Niềm vui mẹ tròn con vuông vừa dứt, cũng là lúc đôi vợ chồng cảm thấy Loan có gì đó không như các trẻ bình thường. Con lớn dần, vợ chồng Bằng nhận ra con gái mình bị thiểu năng.

Vớt rác, vớt xác

Ba con người sống trên chiếc ghe chèo, nguồn tôm cá trên sông cạn dần, kiếm cái ăn ngày càng khó, nhưng cuộc sống gia đình cũng chầm chậm nâng cấp, từ việc đốt đèn dầu soi sáng hàng đêm, chuyển sang bình ắc quy. Tiền tích lũy từ vớt rác bán ve chai, cuối cùng đủ mua được chiếc xuồng gắn máy. Thoáng chút vui, Bằng kể: “Mua được xuồng máy, trời ơi vợ chồng tui mừng lắm, tiền dành vừa đủ, tui trả cái rụp không thiếu đồng nào”.

Kênh rạch ngày càng ô nhiễm, rác rến nhiều hơn, xuồng máy giúp gia đình nhỏ của Bằng đỡ phần cơ cực so với chiếc ghe chèo tạm bợ, lượng ve chai thu nhặt về giúp cả nhà ăn đủ bữa.

Bám lấy kênh rạch, dòng sông, con nước, vợ chồng Bằng dần quên luôn cả quê hương bản quán, Bằng nói: “Từ hồi đi tới giờ, không dám nghĩ có ngày trở về quê nữa, cũng chẳng còn nhớ gì tới quê, tới bà con thân thuộc, mà có nghĩ cũng đâu đủ tiền về”. Cả nhà Bằng không mảnh giấy tùy thân lận lưng, Bằng tâm sự thêm: “Bám sông nước riết cũng thấy không ổn, nhiều lúc vợ chồng tui muốn lên bờ lại nhưng nghĩ kỹ, thiệt tình lên bờ còn khổ hơn. Con Loan nó ngồi ghe từ nhỏ, thử đưa nó lên bờ mấy lần, nhưng nó đi không nổi, bước vài bước là xiêu vẹo, ngã chúi nhủi như thằng say. Tui tính hai vợ chồng còn chịu cực được chứ thêm nó, lại tật nguyền nữa, lên bờ có nước chết”.

Sống trên ghe từ khi chào đời, nay Loan đã 20 tuổi.

Sống trên ghe từ khi chào đời, nay Loan đã 20 tuổi.

Vậy mà rồi gia đình nhỏ của Bằng cũng đủ điều kiện để… nở nồi thêm, khi số tiền từ ve chai, rác thải đủ mua thêm chiếc xuồng nhỏ nữa để Nguyễn Thị Dẻ… ra riêng. Hai chiếc ghe mỗi ngày đi vớt ve chai, tối đến cả nhà mới quây quần dưới chân cầu, hôm Sài Gòn, bữa Bình Triệu, theo lối ở đâu không ai nói gì thì cứ ở, ai đến đuổi thì lại dong xuồng đi. Bằng và con gái phụ trách địa bàn sông nước quận 1, Bình Thạnh, Gò Vấp; vợ Bằng đi xa hơn ra hướng quận 4, quận 8, quận 7.

Cuộc sống bám chân cầu lại khiến Bằng chạm mặt vô số các ca tự tử, nhảy cầu; với kỹ năng sông nước cùng chiếc xuồng máy nhỏ, các ca tự tử được Bằng cứu giúp kịp thời nhớ không hết. Bằng kể: “Cầu Bình Lợi là người ta nhảy nhiều nhất, bữa nào tui đậu ở đó thì còn có cơ may cứu kịp. Nhưng so với số người chết thì không ăn thua gì, tui vớt xác từ hồi xuống sông tới giờ, chắc phải trên 300 xác”.

Đúng ngày tôi gặp Bằng, anh bảo thêm: “Bữa nay mới vớt được xác một bà hơn 40 tuổi, tui đi ghe trên sông, gặp xác thì mình neo và dìu xác vô bờ cho mọi người chuyển lên thôi. Hồi mới gặp xác chết đuối cũng sợ, nhưng riết thành quen. Mỗi lần vớt được xác, tui tâm niệm như một việc làm phước cho họ để người chết có chỗ an táng, ma chay thôi”.

*

Trò chuyện với Bằng trên chiếc xuồng mưu sinh, Loan ngồi góc cười mãi nụ cười ngây dại, mẹ Dẻ đi vớt ve chai ở quận 7 chưa trở về. Với ánh mắt trầm buồn, gương mặt khắc khổ, Bằng tâm sự: “Mỗi ngày vợ kiếm nhiều chừng 50 ngàn, tui với con Loan khá hơn vì nhiều người thấy thương nên họ hay cho nó tiền. Hơn 30 năm sống trên sông, càng về sau, nước sông ô nhiễm, mưa thì đỡ chứ nắng mùi bốc lên ngộp thở luôn. Muốn lên bờ, nhưng mơ vậy thôi chứ biết bao giờ mới thành hiện thực?”.

Bài và ảnh: Lam Phong

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nguoi-thuy-dien-tren-song-sai-gon-26491.html