Người tiên phong chuyển đổi cây trồng ở Tân Linh

Với 5ha đất vườn đồi, ngoài trồng chè, anh Đào Văn Thuận, xóm 3, xã Tân Linh (Đại Từ), đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng hoa đào, nho thân gỗ, mít ruột đỏ...

Với 200 gốc đào thế, 3 năm nay, mỗi năm gia đình anh Đào Văn Thuận có nguồn thu từ 200-300 triệu đồng.

Với 200 gốc đào thế, 3 năm nay, mỗi năm gia đình anh Đào Văn Thuận có nguồn thu từ 200-300 triệu đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn đồi của gia đình, anh Thuận nói: Được thiên nhiên ưu đãi, vùng đất này có nhiều thuận lợi, tiềm năng để phát triển kinh tế. Thế nhưng với người nông dân, không phải ai cũng nhận ra để những khai thác tiềm năng này nhằm nâng cao thu nhập. Riêng bản thân tôi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên khi học hết cấp 2, tôi đã bươn chải đủ thứ nghề, từ lái xe thuê, dẫn tour du lịch đến buôn bán nhỏ lẻ... Sau khi đi nhiều nơi, gặp nhiều người, thấy nhiều mô hình nông nghiệp hay, lúc trở về quê, tôi mới thấy mình cũng có điều kiện như thế, tại sao không làm giàu trên chính mảnh đất cha ông để lại.

Nghĩ vậy nên năm 2016, anh Thuận đã trở về quê, vay vốn để san ủi, quy hoạch lại đất của gia đình, chuyển phần đất chè và vườn tạp kém hiệu quả để trồng hoa đào và các loại cây ăn quả.

Anh Thuận lý giải: Xã Tân Linh có thế mạnh là cây chè, nhưng lâu nay, người làm chè ở đây vẫn loay hoay chưa tìm được chỗ đứng, thương hiệu riêng. Phần lớn chè đều được bà con thu hái bán tươi. Do vậy, giá cả thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, thu nhập của người trồng chè bấp bênh.

Dù lợi nhuận từ trồng chè không cao nhưng với mong muốn duy trì cây trồng truyền thống này, trong tổng số 5ha đất, anh vẫn dành hơn 1ha trồng chè, còn lại chuyển sang các loại cây khác.

Nhận thấy quê mình có nhiều gốc đào phai tự nhiên rất đẹp, song lâu nay, người dân thường chỉ chặt cành chơi Tết còn gốc bỏ lại, hoặc vứt đi rất lãng phí, anh Thuận thu mua gốc đào về bán cho các chủ vườn ở Làng đào Nhật Tân, Cam Giá. Đồng thời, anh cũng theo chân họ để học kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa đào. Từ đó, triển khai trồng đào cảnh tại vườn đồi của gia đình.

Đến nay, trong vườn nhà anh có hơn 200 gốc đào thế, vừa để bán, vừa cho thuê trong dịp Tết. Khoảng 3 năm nay, nhiều khách hàng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Đại Từ tìm đến đến thuê, đặt mua đào của anh Thuận. Nhờ đó, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, vườn đào của anh cho thu nhập 200-300 triệu đồng.

Nho thân gỗ là một loại cây trồng khá mới ở địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình anh Thuận.

Nho thân gỗ là một loại cây trồng khá mới ở địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình anh Thuận.

Cùng với hoa đào, từ năm 2017, anh Thuận bỏ ra 100 triệu đồng để mua các loại cây giống như nho thân gỗ, vú sữa Hoàng Kim, cherry, mộc lan về trồng. Anh xác định: "Mình có đất, có sức khỏe, cứ trồng thử nghiệm nhiều loại cây, cây nào hiệu quả thì sẽ duy trì, phát triển".

Sau gần 7 năm chăm sóc, vừa rồi, anh Thuận đã bán toàn bộ 200 cây nho thân gỗ và 100 cây vú sữa, thu về 700 triệu đồng.

Thấy có hiệu quả kinh tế, anh Thuận tiếp tục trồng thêm 1.000 cây nho thân gỗ, 300 cây vú sữa. Ngoài ra, anh cũng trồng xen canh 100 cây mít ruột đỏ và 100 cây ổi, dự kiến trong năm nay sẽ cho thu hoạch. Mới đây, anh lại đăng ký với Trung tâm Khuyến nông huyện Đại Từ trồng thí điểm 1ha táo đại.

Ông Nguyễn Đăng Tự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Linh, nhận xét: Mô hình kinh tế của anh Thuận đã góp phần truyền lửa nhiều người trẻ khác trong phát triển kinh tế từ chính vườn đồi quê hương. Đồng thời, tạo việc làm thời vụ cho 5 đến 7 lao động, với mức thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng vào dịp cuối năm từ việc chăm sóc đào cảnh, cắt cỏ vườn cây. Không chỉ vậy, gia đình anh Thuận cũng đóng góp tích cực trong nhiều hoạt động từ thiện tại địa phương, như kêu gọi hỗ trợ xây nhà Nhân đạo, tặng quà người nghèo, các em học sinh nghèo vượt khó, ủng hộ các chương trình nhân đạo trên địa bàn huyện...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202306/nguoi-tien-phong-chuyen-doi-cay-trong-o-tan-linh-af47c17/