Người tiên phong quá trình thể nghiệm kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh
Ông Nguyễn Trung Phong (sinh năm 1929), quê ở làng Trung Phường, nay là xã Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An. Là một con người hiền hậu và tài năng, có lẽ ông là nhà viết kịch giỏi nhất của Nghệ Tĩnh trong những tháng năm chống Pháp rồi đến chống Mỹ và cả giai đoạn sau khi thống nhất đất nước...
Dù đã đi xa về cõi vĩnh hằng nhưng có thể nhiều người biết và nhớ đến ông không chỉ là một vị lãnh đạo của ngành văn hóa nhiều năm liền, mà còn là người chính thức mở đầu cho quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Ví - Giặm thành kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.
Sinh ra ở vùng quê nghèo (Diễn Minh, Diễn Châu) nhưng giàu truyền thống văn hóa đã hình thành nên một Nguyễn Trung Phong vừa mộc mạc vừa sâu lắng như điệu ví giận thương mà ông từng sáng tác. Dù không trải qua một lớp học viết kịch bản nào nhưng ông viết khỏe, nhiều, về những đề tài cách mạng, về đời sống nông thôn… đã đóng góp một phần trong sự nghiệp văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Ông là một nghệ sỹ có hạng, không chỉ ở Nghệ An, mà có tiếng cả nước. Điều đó là rõ ràng bởi những đóng góp quan trọng của ông với nền sân khấu truyền thống, đặc biệt là với dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh.
Ông có nhiều tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt, và nhất là giá trị nghệ thuật cao, có tác dụng thúc đẩy nền sân khấu tỉnh nhà phát triển. Ông còn là tác gia sân khấu truyền thống có nhiều thành tựu nhất của Nghệ An kể từ sau cách mạng Tháng tám đến nay mặc dù ông chưa hề nhận được giải thưởng nào của Nhà nước và của tỉnh. Là người có nhiều kịch bản được dàn dựng và xuất bản nhất kể từ trước đến nay.
Tác phẩm "Khi ban đội đi vắng" được Nguyễn Trung Phong sáng tác, là kịch bản đầu tiên cho kịch hát dân ca. Kịch bản này lần đầu tiên được đội văn nghệ Diễn Bình dàn dựng vào năm 1967. Sau đó, đoàn chèo - dân ca Nghệ An tiếp nhận, phát triển và dàn dựng trên sân khấu chuyên nghiệp vào năm 1970. Như vậy có thể nói "Khi ban đội đi vắng" là vở diễn chính thức mở đầu cho quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Ví - Giặm thành kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh.
Ngoài ra "Tấc đất, tấc vàng", Dân ca (In chung với Nguyễn Hùng, Ty Văn hóa NA, 1956); "Vẹn cả đôi đường", dân ca, (in chung), Nghệ An, Ty Văn hóa, 1958; "Cô gái Sông Lam", Chèo 05 màn, Hà nội, Văn hóa NGhệ thuật, 1962, Đoàn chèo Nghệ An dựng, huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1962, chuyển thể dân ca 1975; "Khi ban đội đi vắng", Dân ca, 1967; "Chị thư ký đội sản xuất", dân ca, 1967; "Giữa vụ cày", dân ca, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu Nghệ Tĩnh 1983; "Nhóm sản xuất đồng chí Liêm", dân ca, Nhà văn hóa tỉnh, 1986...
Đặc biệt, tác phẩm sân khấu lớn nhất của ông là kịch bản chèo “Cô gái Sông Lam” đã tham gia Hội diễn sâu khấu toàn miền Bắc năm 1962 và đạt thành công ngoài mong đợi với 4 tấm huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc. Với các giải dành cho vai chị Nghệ, kịch bản, đạo diễn, âm nhạc xuất sắc nhất. Thành công của "Cô gái Sông Lam" theo giới chuyên môn lúc đó đánh giá là đã đưa sân khấu chèo của Nghệ An xứng ngang tầm với Chèo của phía Bắc. Với vở này, tối 27/5/1962 đoàn chèo Nghệ An được mời vào Phủ Chủ tịch công diễn. Hôm đó, Nguyễn Trung Phong đã được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Từ một vở chèo, năm 1974, “Cô gái Sông Lam” được chuyển thể sang kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh (với 3 màn). Trải qua gần nửa thế kỷ, nhưng “Cô gái Sông Lam” đặc sắc ngày ấy vẫn và sẽ là một tác phẩm kinh điển của của sân khấu Nghệ An một thời. Tác giả Nguyễn Trung Phong và các cộng sự của ông sẽ tồn tại lâu dài trong lịch sử sân khấu xứ Nghệ.
Không chỉ vậy, với tư cách là trưởng phòng văn nghệ và về sau là phó ty/sở văn hóa, phụ trách khối nghệ thuật biểu diễn, ông thường xuyên sâu sát các đoàn nghệ thuật sân khấu dàn dựng các vở mới và các ý kiến chỉ đạo, góp ý của ông đều thiết thực, phù hợp, thể hiện kiến thức sân khấu của ông rất vững mặc dù ông không hề được đào tạo về sân khấu. Với những tư liệu và ký ức còn lại, chúng ta có thể khẳng định, Nguyễn Trung Phong là một trong số không nhiều người tiên phong trong việc xây dựng kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh từ chủ trương, chiến lược đến thực hành sáng tác, xây dựng chính sách…
Khi nói về ông Nguyễn Trung Phong với dân ca Nghệ Tĩnh chúng ta không thể quên được rằng trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình, ông đã đi từ chèo đến ví, giặm. Và, như nhiều người cùng thời xác nhận, ông hát Chèo rất hay và hát Ví, Giặm rất mượt. Những câu hát đã làm nên đời ông và những câu hát đã lưu danh ông cùng ví, giặm với năm tháng. Tác phẩm thật thì sống lâu bền hơn giải thưởng, và những tác phẩm của ông đã trở thành của Dân gian - muôn năm./.