Người tiêu dùng cần phát huy sức mạnh cổ vũ, tẩy chay

Người tiêu dùng phải thông thái, hiểu sức mạnh lớn nhất trên thị trường là mình. Doanh nghiệp có tồn tại, có phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào chính người tiêu dùng...

Người tiêu dùng phải biết sử dụng sức mạnh cổ vũ, tẩy chay, đưa ra khiếu kiện... nếu quyền lợi không đảm bảo.

Mua sắm online nở rộ, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường, thanh toán điện tử... là các xu hướng tiêu dùng mới đang thịnh hành kể từ khi dịch bệnh Covid-19 ập tới, nhưng kéo theo đó, các vụ việc vi phạm quyền của người tiêu dùng cũng gia tăng với nhiều hình thức mới.

Theo thông tin từ lực lượng quản lý thị trường tại tọa đàm “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 18/3, riêng trong năm 2021, lực lượng quản lý trường kiểm tra trên 25.000 vụ, xử lý trên 23.000 vụ việc vi phạm trong kinh doanh mạng.

Các vi phạm chủ yếu tập trung vào những mặt hàng có giá trị lớn, mặt hàng sản xuất tại nước ngoài; tình trạng đầu cơ, bán hàng không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp...

QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG LÀ SỰ SỐNG CÒN CỦA DOANH NGHIỆP

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh bình thường mới, đầu tiên TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo TS Thành, doanh nghiệp hướng tới bảo vệ người tiêu dùng thể hiện ở 3 yếu tố. Thứ nhất là thật, tức các thông tin của doanh nghiệp phải minh bạch, phản ánh đúng quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sản phẩm có thông tin đầy đủ rõ ràng. Thứ hai là giá cạnh tranh và cạnh tranh lành mạnh.

Cuối cùng là xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật và an toàn…

Mặc dù vậy, TS Thành cho rằng: “các yếu tố trên không phải là khẩu hiệu, cố gắng phấn đấu mà nói đúng đây là sự sống còn của doanh nghiệp, thương hiệu của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, TS Thành nhấn mạnh.

Các diễn giả tại tọa đàm.

Sức ép hiện nay là rất lớn với doanh nghiệp. Sức ép từ chính thị trường, người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng phản đối thì coi như doanh nghiệp thất bại. Người tiêu dùng không tiêu xài sản phẩm, không công nhận thương hiệu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp “ra đi”.

Có rất nhiều mô hình kinh doanh vừa hiệu quả về mặt thị trường hiện, bắt kịp được các xu hướng mới, gắn với kinh doanh các mô hình mới như: những mô hình kinh doanh nền tảng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa…

Ở góc độ hội nhập, gắn với cam kết trong các hiệp định thương mại, đặc biệt là các hiệp định chất lượng cao như CPTPP, EVFTA... những tiêu chuẩn về môi trường, những đòi hỏi tiêu chuẩn về lao động… buộc doanh nghiệp phải đáp ứng mới xuất khẩu được.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đồng tình, bên cạnh việc người tiêu dùng nâng cao ý thức về quyền lợi của mình, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

Như trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, cung cấp những chứng cứ về giao dịch, bảo hành hàng hóa hay thu hồi sản phẩm khuyết tật và chịu trách nhiệm với những hậu quả do việc thu hồi hàng hóa khuyết tật gây ra…

Một quyền lợi nữa mà các doanh nghiệp ít khi để ý đó là sử dụng các cơ quan quản lý nhà nước để được tư vấn về xây dựng lại quy trình về sản xuất hay quy trình về xử lý những khiếu nại của người tiêu dùng, góp phần tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp.

PHÁT HUY QUYỀN NGƯỜI TIÊU DÙNG

Ngoài trách nhiệm của doanh nghiệp, TS Thành cho rằng, người tiêu dùng phải thông thái, hiểu sức mạnh lớn nhất trên thị trường là mình. Doanh nghiệp có tồn tại, có phát triển hay không phụ thuộc rất lớn vào chính người tiêu dùng.

Người tiêu dùng phải biết sử dụng sức mạnh cổ vũ, tẩy chay, đưa ra khiếu kiện... nếu quyền lợi người tiêu dùng không đảm bảo. Tuy rất mạnh nhưng đáng buồn chúng ta lại đơn lẻ, nên nếu không có sự vào cuộc của các bên khác thì vị thế của người tiêu dùng sẽ yếu.

Bên cạnh đó là khuôn khổ pháp lý trong bảo vệ người tiêu dùng. TS Thành cho biết chúng ta có Luật cạnh tranh đang được bổ sung, sửa đổi. Nhưng để cạnh tranh lành mạnh thì vai trò của luật và các cơ quan xử lý rất quan trọng trong xác định doanh nghiệp có chiếm vị thế độc quyền trong thị trường không, có chèn ép doanh nghiệp khác hay người tiêu dùng bằng cái vị thế độc tôn không.

Nhất là trong bối cảnh mới, chúng ta không dễ nhận ra vị thế độc quyền của doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt trong các mô hình kinh doanh mới đòi hỏi luật cũng phải hoàn thiện nhiều.

Trong thanh toán thương mại điện tử, rất nhiều nước đã có Luật bảo vệ tiêu dùng tài chính. “Tôi nghĩ Việt Nam cũng phải có luật về bảo vệ tiêu dùng tài chính. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng vì dòng tiền luôn đi song song với dòng hàng”, TS Thành khuyến nghị.

Cùng với đó, các bên liên quan như: các cơ quan, tổ chức xã hội, hiệp hội… cần có vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chúng ta đã có nhưng ít nhiều vai trò ấy chưa được ghi nhận một cách xứng đáng trong xã hội.

Đối với việc thực thi pháp luật, bên cạnh “cái gậy” chúng ta làm nghiêm túc, chặt chẽ hơn cộng với công tác truyền thông chúng ta cũng đừng quên “củ cà rốt”, tức là tạo ra những động lực khuyến khích những điều tốt, sự phát triển. Chúng ta nên quan tâm hơn nữa đến việc thúc đẩy những nhân tố phát triển để lấn át những sự tiêu cực.

Vũ Khuê -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nguoi-tieu-dung-can-phat-huy-suc-manh-co-vu-tay-chay.htm