Người tiêu dùng đứng tuổi tại Việt Nam đã quen với mua sắm online
Một tỷ lệ rất lớn người tiêu dùng đứng tuổi nay đã làm quen được với việc mua hàng từ xa thông qua dịch vụ kỹ thuật số.
Với hơn 100 triệu dân, Việt Nam được đánh giá có thị trường tiêu thụ mạnh và là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy, bất chấp kinh tế trong nước cũng như trên thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, thị trường tiêu dùng hàng Việt Nam vẫn luôn tăng trưởng mạnh mẽ, là miếng bánh hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho biết, trải qua hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhận thức của doanh nghiệp đã thay đổi, dẫn tới những thay đổi mang tính bước ngoặt trong đối với xu hướng tiêu dùng hàng Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, thương mại điện tử và trải nghiệm mua sắm đa kênh đã thay đổi hoàn toàn xu hướng mua sắm.
Theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD).
Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, đặc biệt tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid 19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng: ngày càng ưa chuộng mua sắm online vì sự tiện lợi, đa dạng và giá cả hợp lý.
Người tiêu dùng Việt Nam cũng mong muốn có trải nghiệm đa kênh khi mua sắm online. Giới trẻ chịu tác động lớn từ mạng xã hội, hành vi tiêu dùng chi phối bởi các nền tảng: Shopee, Instagram, YouTube, TikTok... Gen Z đặc biệt bị ảnh hưởng bởi nội dung truyền thông xã hội về chăm sóc da và trang điểm, các phụ kiện như trang sức và giày dép…
“Một tỷ lệ rất lớn người tiêu dùng đứng tuổi nay đã làm quen được với việc mua hàng từ xa thông qua dịch vụ kỹ thuật số”, bà Thủy nói.
Thứ hai, người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam chất lượng cao. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt trong những năm qua đã không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, đa dạng các loại hình kinh doanh để sản phẩm được tiếp cận nhiều nhất tới người tiêu dùng.
Chỉ trong năm 2023 đã có 519 Doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn.
Cả nước hiện nay có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.881 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên...
Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu tiên sử dụng những sản phẩm nội địa chất lượng cao.
Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo cho biết 82% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ sẽ ưu tiên mua hàng Việt Nam nếu có sự lựa chọn.
Thứ ba, người tiêu dùng Việt Nam chuộng các sản phẩm xanh, bền vững, ưu tiên các sản phẩm Organic – thiên nhiên, tăng cường sức khỏe.
Theo bà Thủy, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội và sức khỏe, ưu tiên mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không gây hại cho sức khỏe và thiên nhiên.
Đặc biệt sau đại dịch Covid 19, người tiêu dùng ý thức và ưu tiên lựa chọn các thực phẩm Organic, BiOrganic, thực phẩm không biến đổi gen, không chất bảo quản ... quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cá nhân và phong cách sống lành mạnh.
Mặc dù chi phí cho các sản phẩm này tăng cao nhưng người dùng vẫn chấp nhận vì ý thức được vấn đề liên quan đến sức khỏe và hệ sinh thái.
Theo một cuộc khảo sát PwC Việt Nam đã thực hiện gần đây về “Thói quen tiêu dùng” và kết quả cho thấy rằng người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn về môi trường.
Hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy.
Trước đó, báo cáo của Nielsen năm 2020 cũng chỉ ra rằng 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh” và “sạch” hay được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, trong tương lại xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm, đặc biệt là dành cho người cao tuổi.
Xu hướng tiêu dùng dùng áp dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) dự đoán sẽ thu hút mạnh người tiêu dùng bởi sự mới mẻ.
Vì vậy, bà Thủy cho rằng: Thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa luôn là hấp dẫn và đầy thách thức, cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt.
Để làm chủ được sân chơi của chính mình, các doanh nghiệp cần không ngừng nỗ lực đổi mới, tìm tòi, kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới của người Việt.
“Từ đó có xây dựng được những kế hoạch – chiến lược hiệu quả. Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo những sản phẩm mang tính khác biệt và giá trị”, bà Thủy nhấn mạnh.