Người tiêu dùng lo lắng khi rau xanh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Thời gian này, để có được đĩa rau xanh trong mỗi bữa ăn, người tiêu dùng cũng phải đong đếm từng đồng để có thể cân bằng chi phí sinh hoạt cho gia đình vì giá rau xanh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt từ sau Tết Canh Tý.
Theo ghi nhận của PV tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, từ sau Tết Nguyên đán, các mặt hàng rau xanh tại các chợ dân sinh luôn ở mức cao, nhiều loại rau xanh tăng giá gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với thời điểm trước Tết.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng giá rau xanh tại các chợ dân sinh tăng là do thời điểm trong Tết xảy ra mưa đá khiến rau bị hỏng, nguồn cung rau xanh khan hiếm dẫn đến tình trạng rau xanh đồng loạt tăng giá tại hầu hết các khu chợ trên địa bàn TP Hà Nội. Là khu chợ dân sinh nhỏ, thế nhưng, chợ Mai Động, quận Hoàng Mai được cho là khu chợ khá sầm uất vì bày bán đa dạng các loại thực phẩm từ rau củ quả cho tới các loại thực phẩm tươi sống.
Theo ghi nhận của PV, hầu hết các loại rau củ quả tại chợ đều đang được bán với giá cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với dịp trước Tết. Cụ thể, rau muống có giá từ 10.000 - 15.000 đồng/ bó tùy thuộc độ to nhỏ, xấu đẹp; súp lơ có giá 15.000 – 20.000 đồng/cây, cà chua có giá 25.000 đồng/kg; rau cải canh có giá 10.000 đồng/ bó; bắp cải được bán với giá 20.000 đồng/ kg. Hầu hết các mặt hàng này đều tăng từ 10.000 - 15.000 đồng so với thời điểm trước Tết.
Bà Minh (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) cho biết: “Sau Tết giá rau tăng cao khiến cho chi phí sinh hoạt của gia đình tôi cũng tăng lên đáng kể. Mỗi khi đi chợ tôi cũng phải tính toán kỹ lưỡng để chi phí ăn uống thấp nhất có thể mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho cả nhà.”
Còn bà Lan (phường Minh Khai) thì cho hay: “Trước Tết mua một mớ rau muống chỉ với 5.000 đồng/ bó thì hiện tại tôi phải mua với giá 10.000 đồng/ bó”.
Một tiểu thương bán rau tại chợ Đền Lừ (quận Hoàng Mai) cho biết, giá rau xanh từ Tết tới giờ tăng 2 lần so với thời điểm trước Tết. Hầu hết các tiểu thương ở chợ đều không dám nhập hàng với số lượng lớn vì hiện tại lượng tiêu thụ không được nhiều, khách mua hàng giảm mạnh vì giá rau quá cao. Không chỉ người dân, mà rau xanh tăng giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, chi phí sinh hoạt của người lao động. Nhiều người khi đi chợ đã phải “cân đo đong đếm” từng mớ rau, lạng thịt để đảm bảo cân đối giữa mức lương và chi tiêu cho cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân vệ sinh tại một tòa chung cư trên địa bàn phường Minh Khai, chia sẻ, bình thường mỗi bữa cơm của hai vợ chồng chi phí khoảng 60.000 đồng có thể ăn uống thoải mái với các món rau, canh, thịt hoặc cá, trứng. Nhưng đợt gần đây, thực phẩm tăng giá quá cao, chị đi chợ mà cứ đắn đo mãi nên mua gì cho hợp lý.
Những ngày này, mỗi lần đi chợ, chị Phạm Lê Bình, người lao động tự do, cũng rất lo lắng bởi giá thực phẩm quá cao. Theo lời chị Bình, thực phẩm sau Tết đắt hơn so với trong năm, giá rau xanh tăng gấp đôi so với bình thường. Ví như một mớ rau muống trong năm chỉ khoảng 5.000 đồng/mớ thì sau Tết các cửa hàng bán với giá 10.000 đồng.
Để đối phó với tình trạng rau xanh tăng giá, nhiều người lao động đã chủ động mua các giống rau và tận dụng những khoảng đất trống nơi mình thuê trọ để trồng rau, nhiều người đã kêu gọi “tiếp viện” từ quê. Thậm chí, nhiều người bày tỏ lo lắng các tiểu thương sẽ trục lợi bằng cách buôn bán những loại thực phẩm không an toàn.
Chị Nguyễn Hồng Lê, công nhân môi trường tại quận Hai Bà Trưng, chia sẻ: “Khu nhà trọ của vợ chồng tôi có bãi đất trống, nên tôi đã cải tạo đất và mua các giống rau về gieo trồng, chăm sóc. Có rau xanh dùng, chúng tôi tiết kiệm được một khoản chi phí kha khá”.
Anh Văn Đình Huy, công nhân ngành in, bày tỏ: “Thời điểm giá rau xanh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng với thực phẩm đắt đỏ như thế này mà những người bán hàng lại làm ăn gian dối, bán thực phẩm không đảm bảo an toàn thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng tôi là rất cao”.
Giá rau xanh tại các chợ truyền thống vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi đó, tại nhiều nơi, giá rau xanh lại rớt thảm hại vì không thể xuất khẩu. Phải chăng, nên có nhiều chính sách kích cầu để người Việt có thể dùng hàng Việt với giá phải chăng, từ đó người nông dân trồng trọt cũng không phải lo việc giá cả lên xuống thất thường, cũng không còn tình trạng phải giải cứu các loại nông sản khi có sự tác động từ những yếu tố khách quan.