Người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái online: Sẽ 'bêu tên' những địa chỉ sai phạm

Với quy định về việc công khai danh tính những trang vi phạm trên phương tiện truyền thông, website… tới đây, người dân có thể nhận diện rõ để tránh được những rủi ro khi mua hàng online.

Mua bán hàng hóa online, nhiều người tiêu dùng nếm “trái đắng”. Ảnh: Nam Anh.

Mua bán hàng hóa online, nhiều người tiêu dùng nếm “trái đắng”. Ảnh: Nam Anh.

Người tiêu dùng nếm nhiều trái đắng

Với sự tiện lợi của công nghệ thông tin hiện nay, muốn mua bất cứ sản phẩm nào chỉ cần chưa đến một giây là người tiêu dùng đã tiếp cận được hàng trăm sản phẩm trên nhiều kênh mua sắm khác nhau với nhiều mức giá. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, hàng hóa được quảng cáo trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) là hàng chính hãng, giá tốt nhưng khi đến tay người tiêu dùng đôi khi là hàng giả, hàng nhái, giao không đúng sản phẩm. “Bức xúc nhất là khi mình phản ánh thì bị chủ trang chặn và xóa tương tác” – đó là chia sẻ của anh Nguyễn Tuấn Tú (quận Hà Đông, Hà Nội).

Tương tự, anh Ngô Tuấn Long (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng cho biết, anh thường xuyên mua đồ gia dụng cho gia đình trên sàn online. Và nhiều lần anh Long cũng mua phải hàng kém chất lượng, khác xa với hình ảnh sản phẩm đã chọn trên trang TMĐT. Thậm chí, có lần anh Long mua phải chiếc bếp từ kém chất lượng, khi liên lạc lại với bên bán thì không nhận được phản hồi. “Chiếc bếp từ trị giá gần 3 triệu đồng, số tiền này không phải nhỏ, nên tôi cất công lần theo địa chỉ để tìm hiểu thực hư. Ai dè ra đến nơi mới biết mình mua phải hàng giả. Để ngụy tạo, trang bán hàng điện tử trên mạng đã lấy địa chỉ, thậm chí cả ảnh các đại lý bán hàng chính hãng để làm bình phong” - anh Long nói.

TMĐT tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, với doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ (B2C) năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD và hơn 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn TMĐT. Những con số này đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cơ quan được Bộ Công thương giao nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tiếp nhận 1.567 đơn thư phản ánh và khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó 5,5% đơn có nội dung liên quan đến TMĐT. Các vấn đề thường gặp bao gồm: chất lượng và số lượng hàng hóa không đảm bảo, dịch vụ vận chuyển không đạt yêu cầu, không đền bù hoặc đổi trả sản phẩm, quảng cáo lừa dối và thông tin sai lệch. Nhóm đối tượng bị tác động chính là trẻ em, người cao tuổi, người dân sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa.

Tăng cường giải pháp bảo vệ

Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái thời gian tới còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Đặc biệt, trên môi trường TMĐT, các đối tượng có trình độ về công nghệ thông tin, sử dụng cùng một lúc nhiều tài khoản trên mạng xã hội để ngay lập tức có thể xóa thông tin, gây khó khăn trong việc truy vết và xử lý của cơ quan chức năng. Trước thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55 ngày 16/5/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, quy định rõ việc công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp.

Nghị định nêu rõ, danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh. Nội dung công bố công khai gồm: tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hành vi, địa bàn vi phạm; cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm quyết định xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thông tin tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm sẽ được công khai trong 30 ngày, kể từ ngày công bố. Hết thời hạn nêu trên, cơ quan đăng tải thông tin sẽ dừng hoặc gỡ bỏ thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Người dân hết sức đồng tình với quy định mới này. Chị Nguyễn Thị Thương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, mặc dù quy định nói trên chưa thể góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh trên mạng nhưng cũng là giải pháp hạn chế những hành vi quảng cáo lừa người tiêu dùng, “treo đầu dê bán thị chó”.

Về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nêu quan điểm, việc công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm là cần thiết, góp phần bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Mặc dù vậy, đối với một số người dân không để ý, quan tâm tới pháp luật thì việc có công khai danh sách hay không cũng không quan trọng. Do đó, ngoài quy định này Nhà nước cũng cần tính tới phương án làm sao để có thể truyền tải thông tin pháp luật đến được với mọi người; giám sát chặt chẽ các trang mạng xã hội, sàn TMĐT để chủ động phòng, ngăn chặn và xử lý dứt điểm sai phạm.

“Hiện nay, chế tài xử lý với sai phạm có liên quan đến bán hàng online được quy định tại Nghị định số 98/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng; Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017” – ông Bình cho biết.

NAM ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-tieu-dung-mua-phai-hang-gia-hang-nhai-online-se-beu-ten-nhung-dia-chi-sai-pham-10282191.html