Người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn giá cao

Sau cam kết sẽ đưa giá thịt lợn hơi về dưới mức 70 nghìn đồng/kg của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn, từ ngày 1-4, theo ghi nhận, trên địa bàn tỉnh, giá lợn hơi giảm chậm, trong khi giá thịt móc lợn tại các chợ vẫn giữ nguyên.

Tại chợ Phan Thiết, chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang), giá bán các loại thịt thăn, thịt mông, vai, ba chỉ… đều chung một mức 150 nghìn đồng/kg, bằng với mức giá trước ngày 31-3. Bà Dương Bích Ngọc, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Phan Thiết cho biết, nhiều chủ trang trại hiện đang đóng cửa, không xuất bán lợn thịt với lý do lo ngại dịch bệnh. Hiện nguồn cung lợn hơi đang có dấu hiệu giảm, khiến mức giá không những không về được 70 nghìn đồng/kg mà còn tăng trên 80 nghìn đồng/kg. Bình thường mỗi ngày, bà tiêu thụ 4 - 5 con lợn thịt, nhưng thời điểm này chỉ còn 2 con, do nguồn cung hạn chế.

Giá thịt lợn tại chợ Phan Thiết vẫn giữ nguyên so với trước thời điểm 1-4.

Giá thịt lợn tại chợ Phan Thiết vẫn giữ nguyên so với trước thời điểm 1-4.

Anh Bàn Văn Huấn, nhân viên thú y xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, hiện tổng đàn lợn của xã là khoảng 6 nghìn con, chủ yếu nuôi nhỏ lẻ trong dân theo các biện pháp an toàn sinh học. Số lượng các trang trại lớn chăn nuôi từ vài trăm con trở lên rất ít, một phần do bà con vẫn đang tái đàn một cách thận trọng, một phần nữa là do nguồn con giống hiện khan hiếm và đang ở mức giá cao. Giá lợn hơi trên địa bàn xã hiện vẫn là 80 nghìn đồng/kg.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mặc dù tổng đàn lợn của tỉnh hiện đạt trên 546 nghìn con, nhưng chủ yếu là chăn nuôi trong dân, khiến tác động của những cam kết giảm giá lợn từ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn không ảnh hưởng nhiều đến người chăn nuôi địa phương. Nguyên nhân khiến giá thịt lợn ở mức cao, theo ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, là do nguồn cung thịt lợn vẫn thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến, khi cơ cấu bữa ăn của người tiêu dùng trong tỉnh, thịt lợn vẫn chiếm trên 70%. Thêm vào đó, do thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc lưu thông, giao thương hàng hóa bị hạn chế, ảnh hưởng đến việc điều tiết sản phẩm chăn nuôi giữa các địa phương, các vùng miền với nhau.

Giải pháp chính của ngành nông nghiệp và các địa phương hiện nay là khuyến cáo người chăn nuôi không găm hàng chờ giá, vì dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được kiểm soát, nhưng nguy cơ tái dịch luôn thường trực. Do hầu hết các chuồng trại chăn nuôi của người dân vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, xen kẽ trong dân, việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

Trước mắt, để góp phần bình ổn giá thịt lợn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi tăng khối lượng lợn xuất chuồng từ 100 - 120 kg để tăng sản lượng thịt cho thị trường. Đồng thời, tuyên truyền người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng thịt lợn trong bữa ăn sang sử dụng các loại thực phẩm khác như trâu, bò, gà, cá, vịt… để đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/nguoi-tieu-dung-van-phai-mua-thit-lon-gia-cao-130828.html