Người tốt bụng
Trong xóm nhỏ, chú Tư là người được mọi người yêu mến. Từ ngày về ở xóm này đến nay hơn 20 năm tôi chưa thấy chú Tư lớn tiếng với ai một điều gì. Trong xóm nhà ai có chuyện hữu sự, chú là người đến sớm nhất xem có chuyện gì cần giúp đỡ hay không. Chú bảo không cần làm từ thiện ở đâu xa, chỉ cần giúp đỡ những người khó khăn ở trong xóm là đủ rồi. Những người sống gần mình, nên rõ tông tích biết mọi sự tình nên không thể lầm lẫn được, sự giúp đỡ ấy mới có hiệu quả.
Cách nhà chú hơn chục căn, dì Ba hơn 80 tuổi sống một mình không con cái. Có người cháu ở gần đó lúc rảnh rỗi chạy qua coi sóc, mang cơm cho dì ăn. Nhưng người cháu ấy cũng nghèo, vợ chồng nghề nghiệp không ổn định. Thấy vậy, tháng nào chú cũng mang gạo cho dì và phụ chút tiền ăn để người cháu bớt lo toan. Việc làm đó, chú làm âm thầm không muốn cho ai biết.
Chú quan niệm, chỉ giúp đỡ người thật sự khó khăn do hoàn cảnh ngặt nghèo. Người làm biếng, cờ bạc hay rượu chè bê tha, có nghèo là do họ, có giúp đỡ họ chẳng khác nào khuyến khích họ cứ sống như vậy sao? Về điểm này tôi nhớ lại ông tôi ngày trước cũng có cùng quan điểm như thế. Người nghèo trong xã hội nhiều lắm, chỉ giúp một số người nào đó thôi, làm sao giúp hết được. Đồng tiền phải đi đúng địa chỉ cần giúp đỡ thì mới có tác dụng tốt.
Chú Tư rất thoáng trong việc giúp đỡ học sinh nghèo. Thông thường người ta chỉ chú trọng học sinh nghèo nhưng học giỏi. Chú không nghĩ như thế, theo chú đã sinh ra trong hoàn cảnh gia đinh quá khó khăn nhiều em phải vừa mưu sinh giúp gia đình thì điều kiện học tập không bằng các bạn. Trước mắt sẽ giúp đỡ các em ăn học đừng đặt điều kiện học hành như thế nào vô đây. Tôi thấy ý tưởng của chú rất thực tế và nhân bản. Chính những em như vậy rất dễ bỏ học vì khó khăn nên rất cần được giúp đỡ.
Nhưng muốn làm người tốt đôi lúc cũng không dễ, chú đã từng gặp chuyện rắc rối không thể nào ngờ được. Sáng đó sau khi đi thể dục, trên đường về nhà chú gặp hai thanh niên đụng một bà bác té ngã xuống đường. Đúng ra hai thanh niên phải đứng lại xem nạn nhân có gì nguy hiểm hay không mới phải. Đàng này chúng lại phóng xe bỏ chạy. Có người ở đó tình nguyện chở nạn nhân đi cấp cứu nhưng cần có một người ngồi sau để ôm nạn nhân. Những người ở gần đó thấy vậy nhờ chú đưa đi giùm. Cứ ngỡ đưa tới bệnh viện rồi về, nhưng khi đưa nạn nhân vào phòng thì anh lái xe đã đi về hồi nào không rõ nữa. Một mình chú phải ở lại chịu trận, gặp chút rắc rối liên quan đến vụ việc làm ảnh hưởng đến công việc gia đình!
Chú nhớ lại, ngày xưa ông nội chú từng là người giúp đỡ người nghèo trong xóm ấp. Tuy không là người giàu lớn ở trong làng nhưng là con người sống nhân từ. Chính những việc làm tốt đẹp của gia đình đã ăn sâu vào đầu óc con cháu.
Chú nghĩ đơn giản, mình có chút của ăn của để, trong khi đó xã hội còn có biết bao mảnh đời khó khăn, mình chia sớt lại chút ít thì tâm hồn mới được thảnh thơi. Thông qua những việc làm như vậy còn là bài học để giáo dục con cháu sống phải biết thương yêu người khác. Chú luôn nhắc nhở con cháu đạo lý “Thương người như thể thương thân” là nét đẹp của dân tộc ta.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/nguoi-tot-bung-48288.html