Người trẻ Hàn không còn muốn sống cùng bố mẹ
'Lúc sống cùng gia đình, tôi thường căng thẳng vì xung đột với bố mẹ. Tôi thấy họ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống cá nhân của mình', Lee (28 tuổi) nói về lý do ra riêng.
Sau khi tìm được việc vào tháng 7, Park Yu-hui (25 tuổi), một nhân viên văn phòng, đã dọn khỏi nhà bố mẹ ở Incheon.
Cô hiện sống một mình trong căn hộ studio rộng 17 m2 ở quận Jongno, Seoul. Chia sẻ với Korea Times, Park cho biết cô quyết định ra riêng không chỉ để tiết kiệm thời gian tới công ty.
"Giờ, tôi đã có một công việc toàn thời gian với thu nhập ổn định. Tôi muốn có cuộc sống tự lập, không dựa vào gia đình. Tôi cũng muốn dành thời gian rảnh cho mình, trong không gian riêng", cô nói.
Park phải vay ngân hàng để đặt cọc 120 triệu won tiền thuê nhà. Điều đó chẳng dễ dàng, nhưng cô cảm thấy nó "hoàn toàn xứng đáng".
"Ngoài quyền tự do kiểm soát cuộc sống cá nhân, tôi còn có thể tự bày trí căn nhà theo cách mình muốn, mời bạn bè tới bất cứ khi nào. Hơn nữa, tôi không còn phải lo lắng ai đó tự ý vào phòng riêng", Park kể.
Thích sống một mình
Ở Hàn Quốc, dọn ra riêng đánh dấu cột mốc trưởng thành của người trẻ. Vài năm gần đây, ngày càng nhiều thanh niên xứ kim chi chọn "rời tổ" ngay cả khi chưa lập gia đình.
Theo Cục thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2020, hơn 1,26 triệu thanh niên ở độ tuổi 20 chuyển ra riêng, gần gấp đôi so với năm 2015.
Các hộ gia đình đơn thân cùng kỳ tăng 27%. Tỷ lệ hộ gia đình một người ở độ tuổi 20 chiếm gần 20% tổng số trên cả nước.
Một nhân viên văn phòng họ Lee (28 tuổi) sống ở Incheon gọi việc dọn khỏi nhà bố mẹ vào năm 2019 là "quyết định đúng đắn nhất năm".
Cô vay 200 triệu won để thuê một căn hộ studio, chi trả phí sinh hoạt. Lee nói cuộc sống của cô "tự do, tự tại" hơn khi ra riêng.
"Lúc còn sống cùng gia đình, tôi thường thấy căng thẳng vì xung đột với bố mẹ. Tôi thấy họ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống cá nhân của mình", cô kể.
Kim So-hyun (27 tuổi), nhân viên văn phòng tại tỉnh Gyeonggi, vẫn ở cùng bố mẹ. Cô đang tìm một căn hộ để chuyển ra, dù nơi cô ở chỉ cách chỗ làm 20 phút.
"Tôi không dành nhiều thời gian cho họ vì luôn đi chơi với bạn bè vào buổi tối và cuối tuần. Chúng tôi có cuộc sống riêng dưới cùng một mái nhà", cô nói.
Các chuyên gia giải thích việc ngày càng nhiều người trẻ ở độ tuổi 20 muốn sống một mình phản ánh tâm lý sẵn sàng tự lập.
Họ không chỉ muốn được độc lập tại nơi làm việc, mà còn trong chính gia đình của mình.
"Trước kia, kết hôn được coi là bước đánh dấu sự trưởng thành. Nhưng ngày nay, khi người trẻ kiếm được việc làm và thu nhập ổn định, họ đã sẵn sàng sống như một cá thể độc lập", Koo Jeong-woo, giáo sư xã hội học ở ĐH Sungkyunkwan, nói.
Giáo sư Lee Byung-hoon tại ĐH Chung-Ang cũng đồng tình: "Với giới trẻ, tiết kiệm thời gian đến chỗ làm, dành thời gian cho bản thân còn quan trọng hơn duy trì mối quan hệ bền chặt với gia đình".
Tuy nhiên, thanh niên xứ kim chi vẫn gặp nhiều khó khăn khi tìm nơi ở riêng. Theo Korea Times, chính sách về nhà ở của chính phủ vẫn chỉ tập trung vào các hộ gia đình truyền thống, đông thành viên.
"Những người độc thân ở độ tuổi 20 khó tìm được nhà riêng, hoặc chuyển tới căn hộ lớn hơn. Ngoài việc chưa có nhiều tài sản, họ cũng gần như bị loại khỏi các lợi ích về nhà ở của chính phủ", Seo Jin-hyung, người đứng đầu Hiệp hội Bất động sản Hàn Quốc, nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-han-khong-con-muon-song-cung-bo-me-post1277820.html