Người trẻ Hàn Quốc ghẻ lạnh các chaebol

Những tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai đã không còn dẫn đầu trong các cuộc khảo sát 'nhà tuyển dụng trong mơ' với gen Z xứ kim chi.

Lúc bắt đầu tìm việc trước khi tốt nghiệp, Jeong Da-eun không mấy quan tâm đến Samsung hay Hyundai, những tập đoàn lớn nhất tại Hàn Quốc. Cô không thích văn hóa làm việc tập thể cũng như mối quan hệ gia đình trong các doanh nghiệp này, theo Bloomberg.

"Tôi muốn làm việc cho một công ty Internet như Kakao hơn", cô gái 25 tuổi nói.

Jeong không phải người duy nhất có suy nghĩ như vậy. Ứng dụng nhắn tin Kakao đã là lựa chọn hàng đầu của sinh viên trong hai năm liên tiếp trong cuộc khảo sát “nhà tuyển dụng trong mơ” của cổng thông tin nghề nghiệp Job Korea.

 Tại Samsung Electronics, các nhân viên đang được khuyến khích xưng hô với nhau bằng tên thay vì chức danh. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg.

Tại Samsung Electronics, các nhân viên đang được khuyến khích xưng hô với nhau bằng tên thay vì chức danh. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg.

Trước đó, Samsung hay các chaebol khác (đế chế kinh doanh do gia đình quản lý) dẫn đầu bảng xếp hạng trong nhiều năm.

Sự thay đổi này buộc những doanh nghiệp hàng đầu phải nhìn lại mình. "Các nhà lãnh đạo trẻ tại những tập đoàn do gia đình kiểm soát này đang phải đối mặt với xu hướng đòi hỏi môi trường làm việc linh hoạt và cởi mở hơn", Park Ju-gun, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu doanh nghiệp tại Leaders Index, một công ty nghiên cứu tập trung vào các chaebol, cho biết.

"Cứ gọi tôi là JH"

Han Jong-hee, người được thăng chức đồng giám đốc điều hành Samsung Electronics vào tháng 12/2021, đã yêu cầu các nhân viên gọi nhau bằng tên thay vì chức danh như "giám đốc", "trưởng phòng", "quản lý"... trong một cuộc họp hồi tháng 4.

"Chỉ cần gọi tôi là JH", vị giám đốc 60 tuổi nói với nhân viên tham dự buổi gặp mặt sau khi nhậm chức.

Một nhân viên đã hỏi Han liệu có nhận thức được rằng đối với người 20-30 tuổi, Samsung không còn là sự lựa chọn hàng đầu. Giám đốc cho biết bản thân "100%" nhận ra đây chính là vấn đề lớn.

Samsung dự kiến công bố nhiều thay đổi hơn trong năm tới khi Jay Y. Lee (53 tuổi) trở lại với vai trò chỉ đạo chiến lược cho tập đoàn. Lee được trả tự do vào năm ngoái sau thời gian ngồi tù vì tội hối lộ và tham nhũng.

Về những cải cách văn hóa doanh nghiệp cụ thể, Samsung từ chối bình luận.

 Trụ sở chính của Samsung Electronics tại Seoul. Ảnh: Jean Chung/Bloomberg.

Trụ sở chính của Samsung Electronics tại Seoul. Ảnh: Jean Chung/Bloomberg.

Sự chú trọng vào lòng trung thành và trật tự được cho đã giúp các chaebol như Samsung phát triển trong giai đoạn Hàn Quốc hồi phục sau Chiến tranh Triều Tiên.

Các tập đoàn này đóng vai trò quan trọng trong việc biến một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn vào những năm 1950 trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới.

Văn hóa của các chaebol về sự tôn trọng tuyệt đối đối với những người lớn tuổi, có thâm niên hiện được coi là có vấn đề, cản trở sự đổi mới doanh nghiệp.

Các giám đốc điều hành cấp cao và những gia đình sáng lập hiện mong muốn có được hình ảnh thân thiện, gần gũi hơn sau nhiều năm bị gắn mác lạm quyền, độc đoán.

Tại Tập đoàn ôtô Hyundai, Chủ tịch điều hành Euisun Chung, đồng thời là cháu trai của người sáng lập, hiện thường xuyên gặp gỡ các nhân viên cấp thấp. Park Ju-gun nói rằng đây là "điều không tưởng trong nền văn hóa bảo thủ, cực đoan trước đây của Hyundai".

Lương thưởng, thăng chức

Cũng như những nơi khác, đại dịch kéo dài đã khiến giới trẻ Hàn Quốc phải đánh giá lại lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Một cuộc khảo sát của Job Korea đối với nhân viên văn phòng tại các công ty lớn vào tháng 4 cho thấy 90% đang nghĩ đến chuyện nhảy việc, tăng so với tỷ lệ 69% một năm trước đó. Không hài lòng với văn hóa doanh nghiệp là nguyên nhân hàng đầu.

Để giữ chân nhân tài, các công ty bao gồm Samsung và SK Hynix gần đây đã trả mức thưởng kỷ lục, với một số nhân viên nhận 100% lương hàng năm.

Samsung vào cuối năm ngoái đã thăng chức hàng loạt giám đốc điều hành ở độ tuổi 30-40 lên các vị trí cấp cao.

Tại Hyundai và Lotte, các giám đốc điều hành đang xem xét lại việc tập trung vào nền tảng gia đình.

Trước đây, sử dụng và bố trí nhân sự dựa trên mối quan hệ gia đình nhằm mục đích nuôi dưỡng lòng trung thành và sự gắn kết. Tuy nhiên, các nhà phê bình chaebol cho rằng nó thường khiến những người lao động có năng lực bị coi thường.

 Euisun Chung (bên phải), Chủ tịch điều hành của Hyundai Motor Group, và Chey Tae-won, Chủ tịch SK Group. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg.

Euisun Chung (bên phải), Chủ tịch điều hành của Hyundai Motor Group, và Chey Tae-won, Chủ tịch SK Group. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg.

Theo phó Chủ tịch Lotte Lee Kang Hun, tập đoàn này cũng đang bắt đầu tuyển dụng thêm các quan chức cấp cao từ bên ngoài công ty và nâng tỷ lệ quản lý là nữ giới.

"Chúng tôi muốn tuyển dụng những người tài năng, bất kể họ sinh ra ở đâu hay theo học trường đại học nào", Lee nói.

Nhưng Jeong, người không nộp đơn vào bất kỳ tập đoàn nào và cuối cùng làm việc trong chính phủ, không bị thuyết phục bởi những tuyên bố trên.

Hầu hết chaebol đã có kế hoạch thay đổi trong những năm qua, chẳng hạn như thuê ngày càng nhiều giám đốc điều hành và thành viên hội đồng quản trị từ bên ngoài.

Thế nhưng, thành viên gia đình điều hành chaebol vẫn có vai trò lớn trong hậu trường. Một số công ty vẫn ưu tiên tuyển dụng từ các khu vực nhất định hoặc những trường đại học có ràng buộc với nhà lãnh đạo, người sáng lập của họ.

"Văn hóa làm việc có thể đang được cải thiện, nhưng họ vẫn ưu tiên những thứ như hoàn cảnh gia đình và trường học", Jeong nói.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-tre-han-quoc-ghe-lanh-cac-chaebol-post1323667.html