Người trẻ 'khoe' tình yêu với áo dài

Qua 9 năm tổ chức, Lễ hội Áo dài TP.HCM đang góp phần lan tỏa tình yêu áo dài đến những người trẻ.

Chụp ngàn tấm ảnh với áo dài

Vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều bạn trẻ quan tâm đến văn hóa truyền thống đặc biệt là áo dài. Các bạn không chỉ mặc áo dài trong những dịp lễ, tết mà còn mặc đi học, đi chơi, check-in những địa điểm du lịch nổi tiếng.

Trần Ngọc Đoan Trang (sinh viên ĐH KHXH&NV, TP.HCM) cho biết, Trang yêu áo dài từ thời cấp 3. “Trong tà áo dài trắng, em thấy mình nữ tính và tự tin. Khi lên đại học, dù không bắt buộc nhưng em vẫn sắm cho mình cả chục bộ áo dài. Hưởng ứng Lễ hội Áo dài em đã tham dự cuộc thi áo dài Online và chia sẻ để mọi người cùng tham dự. Năm ngoái em cũng đạt giải ở cuộc thi này”, Đoan Trang cho biết.

 Thu Ngân (hàng thứ nhất, bìa trái) cùng bạn chụp tại Bảo tàng Áo dài. Ảnh: NVCC

Thu Ngân (hàng thứ nhất, bìa trái) cùng bạn chụp tại Bảo tàng Áo dài. Ảnh: NVCC

Mỗi khi rảnh rỗi, Lâm Nữ Thu Ngân (ĐH Văn Hiến) lại rủ bạn xuống phố chụp ảnh với áo dài. Đến nay, Ngân và nhóm bạn đã chụp ảnh áo dài tại hầu hết địa điểm nổi tiếng của TP.HCM như: Bảo tàng Áo dài, Đường sách TP.HCM, Bưu điện thành phố, chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà… “Chúng em không thuê nhiếp ảnh nào chụp cả mà bạn này chụp cho bạn kia. Đến nay, em sở hữu gần 1.000 tấm ảnh mặc áo dài”, Thu Ngân khoe.

Nhiều bạn nam cũng có niềm đam mê với áo dài, lan tỏa tình yêu đó đến mọi người. Với tâm nguyện làm cầu nối giúp người trẻ có cái nhìn mới hơn về văn hóa Việt xưa, Lương Hoài Trọng Tính (26 tuổi) đã đi khắp nơi để nghiên cứu văn hóa truyền thống rồi lập Đại Nam hội quán, tổ chức những buổi biểu diễn, giao lưu tái dựng những nét văn hóa truyền thống, trong đó có nhiều buổi trình diễn áo dài các thời kỳ cũng như trong lễ cưới hỏi.

 Lương Hoài Trọng Tính (bìa phải). Ảnh: NVCC

Lương Hoài Trọng Tính (bìa phải). Ảnh: NVCC

“Lễ hội Áo dài TP.HCM là dịp để người trẻ thỏa sức với tình yêu áo dài. Tôi đã tham gia diễu hành áo dài, tham gia các buổi workshop, tọa đàm áo dài… để hiểu hơn về trang phục này. Tôi mong rằng, TP.HCM sẽ có nhiều hoạt động, sự kiện về áo dài để giới trẻ biết nhiều hơn và có ý thức bảo tồn, quảng bá nét đẹp truyền thống của Việt Nam ra thế giới”, Tín chia sẻ.

Thiết kế để phù hợp với thời đại

Qua 9 năm tổ chức, Lễ hội Áo dài TP.HCM đã góp phần không nhỏ trong việc tôn vinh, quảng bá tình yêu áo dài đến với giới trẻ. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, áo dài là truyền thống, văn hóa của người Việt. Để du lịch phát triển, chúng ta phải lan tỏa giá trị văn hóa đến rộng rãi du khách trong và ngoài nước. “Lễ hội áo dài sẽ thực hiện được điều đó. Chúng tôi không chỉ coi lễ hội này là sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM mà còn hướng tới “thành phố áo dài” trong tương lai”, bà Hoa chia sẻ.

Tuy nhiên, theo bà Ánh Hoa, để Lễ hội Áo dài trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo thì “bản thân áo dài phải thường xuyên được sử dụng trong đời sống chứ không chỉ ở những kỳ lễ lạt hay sự kiện quan trọng”.

Nữ sinh biểu diễn áo dài trắng tinh khôi trong đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 9. Ảnh: BTC

Nữ sinh biểu diễn áo dài trắng tinh khôi trong đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 9. Ảnh: BTC

Nhưng để áo dài được xem là ‘outfit’ hàng ngày, đặc biệt là đối với giới trẻ thì cần phải thiết kế để phù hợp, tiện lợi hơn. Theo nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, áo dài không chỉ là quốc phục mà còn mang sứ mệnh quảng bá văn hóa, du lịch, đất nước con người Việt Nam. Do đó, các nhà thiết kế phải không ngừng sáng tạo với những kiểu dáng trẻ trung, năng động. Bên cạnh chủ đề về hoa, lá cũng nên đưa hình ảnh di sản của dân tộc vào chiếc áo dài để khi mặc lên cũng có thể quảng bá hình ảnh đất nước mình đến với bạn bè thế giới.

 Lễ diễu hành áo dài năm nay cũng thu hút sự tham gia của nhiều nữ sinh. Ảnh: BTC

Lễ diễu hành áo dài năm nay cũng thu hút sự tham gia của nhiều nữ sinh. Ảnh: BTC

Nhà thiết kế Trung Linh cho rằng, các nhà thiết kế nên nghiên cứu để đưa ra những kiểu thiết kế mới vừa gọn, mặc tiện lợi vừa phù hợp với từng lứa tuổi, nhất là giới trẻ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng tập trung vào thế hệ nhà thiết kế tương lai là những sinh viên học ngành thiết kế thời trang ở các trường đại học.

 Áo dài ngày càng được nhiều người trẻ ưa chuộng. Ảnh: BTC

Áo dài ngày càng được nhiều người trẻ ưa chuộng. Ảnh: BTC

NSƯT Tuyết Mai - đại sứ Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 9, cũng gợi ý: “Để áo dài đến với giới trẻ, nhất là các em học sinh, sinh viên các nhà thiết kế cũng có thể mang áo dài vào học đường. Tại đây, các nhà thiết kế có thể giới thiệu và truyền tải những thông điệp ý nghĩa của các bộ sưu tập áo dài. Như vậy, các em sẽ biết đến và yêu áo dài hơn”.

Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài, cho rằng để các bạn trẻ mê mặc áo dài thì việc đầu tư “không gian sống ảo” cũng rất quan trọng. “Những năm qua, bảo tàng có dịch vụ cho thuê áo dài chụp ảnh. Với không gian đẹp, thơ mộng, các nhà cổ Hội An, nhà gốm… trong khuôn viên đã thu hút lượng lớn giới trẻ đến, nhất là vào những ngày cuối tuần”, bà Vân cho biết thêm.

Trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài lần thứ 9, tối 5/3, Sở Du lịch TP.HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức đêm chung kết và trao giải cuộc thi Duyên dáng Áo dài TP.HCM năm 2023. Cuộc thi có gần 400 thí sinh đăng ký dự thi bảng A - cá nhân và gần 30 tập thể dự thi bảng B. Ban tổ chức đã trao giải nhất cho ba thí sinh: Lê Thị Ánh Nga, Nguyễn Kim Phụng và Nguyễn Đăng Khoa cùng nhiều giải thưởng phụ.

Ban tổ chức cũng đã tổng kết và trao 29 giải cho các cá nhân và tập thể đạt giải trong cuộc thi "Áo dài Online" và 16 giải thưởng cho các tập thể và cá nhân tham gia cuộc thi này.

Lệ Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-tre-khoe-tinh-yeu-voi-ao-dai-2117930.html