Người trẻ 'lười' sinh con

Áp lực kinh tế, công việc bận rộn và sự phát triển nhanh chóng, phức tạp của xã hội hiện đại khiến người trẻ hiện nay ngại sinh con. Nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân hoặc kết hôn nhưng không sinh con để tập trung cho sự nghiệp, cuộc sống riêng tư và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước khi có con…

Mỗi người có một quan niệm riêng về hạnh phúc. (Ảnh: Ngọc Thúy bên gia đình, nguồn: NVCC)

Mỗi người có một quan niệm riêng về hạnh phúc. (Ảnh: Ngọc Thúy bên gia đình, nguồn: NVCC)

Bộn bề áp lực

Nguyễn Trần Phương Linh (Long Biên, Hà Nội) đã gần ba mươi tuổi, nhưng vẫn chưa nghĩ tới kết hôn, có con. Cô cho biết, mỗi dịp nghỉ lễ, Tết đều bị người thân, bạn bè giới thiệu cho các đối tượng xem mắt nhưng cô chỉ “cười trừ” bỏ qua. Phương Linh chia sẻ lý do: “Tôi là một giáo viên, rất yêu trẻ con. Nhưng mỗi ngày chứng kiến áp lực thành tích, xã hội, gia đình đổ dồn lên vai những đứa trẻ khiến tôi không có can đảm sinh con”. Ngoài ra, vì tính chất công việc bận rộn, cô chưa nghĩ đến việc kết hôn, sinh con để tập trung dạy học trên trường tốt nhất.

Phương Linh cho biết thêm với đồng lương bấp bênh như hiện giờ của người trẻ, một thanh niên mới ra trường đi làm được bốn, năm năm như cô chưa có đủ điều kiện kinh tế để lo cho một gia đình nhỏ. Cô tâm sự: “Khác với bố mẹ, ông bà thời xưa, ngày nay nuôi một đứa trẻ cần có rất nhiều sự quan tâm sát sao, để định hướng đúng đắn cho các con. Nếu hai vợ chồng kết hôn khi chưa có điều kiện kinh tế, trẻ con sẽ là người khổ nhất”.

Đồng tình với quan điểm của Phương Linh, Nguyễn Hải Linh (25 tuổi, Đội Cấn, Hà Nội), chia sẻ, tuổi “nghề” của thế hệ trẻ ngày càng ngắn. Hiện nay, ngoài 35 tuổi, đi xin việc, đổi một nghề mới vô cùng khó khăn. Vì vậy, Hải Linh dành phần lớn thời gian để phát triển sự nghiệp. Cô hiện đang là một quản lý bậc trung ở công ty phát hành sách tư nhân. Linh cho biết, ngoài 8 tiếng làm việc ở cơ quan, cô dành hầu hết các buổi tối ở nhà xử lý những công việc tồn đọng. Cuối tuần, Hải Linh dành hai ngày nghỉ đi học thêm nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức. Đến thời gian hẹn hò, cô cũng không có, đừng bàn đến việc kết hôn, sinh con.

Hải Linh chia sẻ: “Tình trạng ly hôn ở Việt Nam hiện nay ngày càng cao. Người trẻ kết hôn phải đối mặt quá nhiều rủi ro, đặc biệt là người phụ nữ. Việc kết hôn, sinh con ảnh hưởng đến công việc, khi chúng tôi mất thời gian nghỉ thai sản chăm sóc con cái. Đặc biệt, áp lực từ gia đình nhà chồng, xã hội, có thể khiến cuộc hôn nhân tan vỡ, người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em”. Vì vậy, theo Hải Linh, để bảo đảm cuộc sống an toàn, bình yên, hạnh phúc nhiều người trẻ từ chối kết hôn, sinh con. Họ tập trung gây dựng, phát triển sự nghiệp. Vào những ngày có thời gian rảnh rỗi, các “nam thanh, nữ tú” sẽ tụ họp bạn bè đi du lịch, tập thể thao hoặc đầu tư nâng cao kiến thức, trình độ.

Bộn bề áp lực cuộc sống khiến người trẻ ngần ngại khi sinh con. (Ảnh: Phương Linh đang chuẩn bị bài giảng trước khi lên lớp, nguồn: NVCC)

Bộn bề áp lực cuộc sống khiến người trẻ ngần ngại khi sinh con. (Ảnh: Phương Linh đang chuẩn bị bài giảng trước khi lên lớp, nguồn: NVCC)

Không chỉ những người độc thân, không ít cặp đôi trẻ đã kết hôn cũng lựa chọn không sinh con. Nguyễn Ngọc Thúy (28 tuổi, Quảng Nam) chia sẻ, cô và chồng đã kết hôn được gần ba năm nhưng hai người thống nhất không sinh con. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sống trong một gia đình nề nếp, truyền thống, nên Ngọc Thúy đã chứng kiến sự vất vả của các mẹ, các dì từ bé. Cô tâm sự: “Phụ nữ sau khi kết hôn phải gánh vác rất nhiều trọng trách “đảm việc nước, giỏi việc nhà”. Ngoài đi làm 8 tiếng /ngày, các chị em còn phải chăm chồng, chăm con thật khéo không sẽ bị chê đoảng. Hơn nữa, chúng tôi kết hôn vì yêu thương nhau, mong muốn cùng nhau khám phá bản thân, khám phá thế giới nên chưa có ý định sinh con”.

Ngọc Thúy cho biết, nuôi một đứa trẻ hiện nay đi kèm với trách nhiệm và sự hy sinh. Cô nói: “Làm bố, làm mẹ là một trọng trách thiêng liêng, cao cả. Đòi hỏi người phụ nữ phải đánh đổi sức khỏe, thậm chí mạng sống. Còn người đàn ông phải mang theo gánh nặng “cơm áo gạo tiền”. Chúng tôi đã bàn bạc kỹ lưỡng với nhau và với hai bên gia đình, cảm thấy suy nghĩ của bản thân còn thiếu chín chắn, khả năng kinh tế chưa ổn định. Đặc biệt, chúng tôi không thể chắc chắn có thể nuôi dạy em bé một cách tốt nhất”. Vì vậy, thay vì cố gắng sinh con để hoàn thành “nghĩa vụ”, hai vợ chồng Ngọc Thúy đầu tư thời gian phát triển sự nghiệp, tận hưởng cuộc sống và tham gia các hoạt động công ích xã hội.

Và những góc nhìn khác

Trong thế kỷ hai mươi mốt, hạnh phúc của con người định nghĩa khác nhau. Mỗi người có quyền lựa chọn giá trị sống phù hợp với mình. Đối với nhiều người trẻ, họ cảm thấy không hạnh phúc khi nghĩ đến việc kết hôn, sinh con. Lê Thu Hà (27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cô có thu nhập rơi vào khoảng 20 triệu/ tháng, công việc kinh doanh tự chủ, giúp cô có nhiều thời gian. Tuy nhiên, Thu Hà không thích trẻ con, không thích yêu đương, kết hôn. Cô tâm sự: “Các buổi hẹn hò khiến tôi cảm thấy rất phí thời gian và mệt mỏi. Thay vì đi hẹn hò, yêu đương tôi có thể ở nhà nghỉ ngơi hoặc đi tập thể dục, chuẩn bị cho ngày hôm sau làm việc năng suất”.

Cô cho biết, chứng kiến cảnh chị gái, anh rể vừa thức đêm, vừa làm việc để ru con ngủ. Tận mắt thấy cô bé hàng xóm 13 tuổi bị tăng động, hò hét, cấu xé bố mẹ cả tiếng đồng hồ khiến cô sợ sinh con, kết hôn. Cô nói: “Đối mặt với những trách nhiệm, rủi ro quá lớn ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống đang rất bình yên khiến tôi không cảm thấy hạnh phúc. Bản thân tôi cũng không nghĩ mình có thể gắn bó lâu dài với một cuộc hôn nhân và dành hết tâm huyết để nuôi dạy con trẻ”.

Vì vậy, theo Thu Hà, thay vì “tạo” ra một gia đình bất hạnh, tuổi thơ cô đơn cho trẻ nhỏ, cô chọn cuộc sống độc thân. Tuy nhiên, không vì sống độc thân mà Hà vô cảm với mọi người trong xã hội. Cô cho biết, mình vẫn tham gia thiện nguyện cùng các đoàn đến những trường học ở vùng sâu, vùng xa. Cô cũng rất tích cực việc bảo vệ môi trường như đi trồng cây xanh, đạp xe giảm khí thải.

Dù không sinh con, nhưng họ vẫn có trách nhiệm cho xã hội. (Ảnh minh họa, nguồn: Pinterest)

Dù không sinh con, nhưng họ vẫn có trách nhiệm cho xã hội. (Ảnh minh họa, nguồn: Pinterest)

Cũng giống như Thu Hà, Nguyễn Trần Phương Linh cho biết, dù không có ý định kết hôn, sinh con, nhưng cô vẫn yêu trẻ nhỏ. Mỗi ngày đến trường dạy học, cô đều dành cho các em học sinh những bài giảng tốt nhất. Thậm chí, sẵn sàng ở lại thêm giờ để kèm cặp cho những em học kém. Phương Linh tâm sự: “Không sinh con, không có nghĩa tôi vô trách nhiệm với đất nước, xã hội. Tôi dành hết tâm huyết để dạy học cho 30, 40 em học sinh mỗi ngày. Nếu như có gia đình, bận rộn việc chăm chồng, chăm con, làm sao tôi có thể dành hết tâm huyết để giúp đỡ hàng chục các em học sinh đang tin tưởng vào tôi ở trên lớp?”. Đối với Phương Linh, nhìn đôi mắt sáng ngời rực rỡ, hạnh phúc khi hiểu bài, đạt điểm cao chính là niềm hạnh phúc vô bờ bến của cô.

Đối với, Ngọc Thúy cho biết, sau khi kết hôn, vợ chồng cô làm được rất nhiều việc có ý nghĩa như nhận nuôi động vật từ trạm cứu hộ. Cả hai đi du lịch rất nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam để cảm nhận vẻ đẹp quê hương, đất nước. Cô chia sẻ: “Đối với quan niệm của cá nhân tôi kết hôn không phải là nghĩa vụ để duy trì nòi giống. Dù không có con cái, nhưng chúng tôi vẫn yêu thương nhau, ủng hộ, giúp đỡ hết mình để đối phương phát triển bản thân, sự nghiệp”.

Cô cho biết, sinh con hay không là quyền riêng của mỗi cá nhân. Vì vậy, đối với vấn đề sinh con, mỗi người có quyết định phù hợp với tâm lý, khả năng, sức khỏe của bản thân. Ngọc Thúy tâm sự: “Có rất nhiều bạn bè, họ hàng thúc giục chúng tôi sinh con để có người chăm sóc khi về già. Đó là quan niệm của cá nhân họ, chúng tôi tôn trọng và không phản bác đúng hay sai. Tuy nhiên, bây giờ, vợ chồng tôi đang cảm thấy rất hạnh phúc, thoải mái với cuộc sống hiện tại, vì vậy chưa có nhu cầu sinh con”.

Thực tế, hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau, người trẻ Việt Nam “lười” kết hôn, sinh con hơn các thế hệ đi trước. Tuy nhiên, không phải họ vô trách nhiệm, mà bởi sự phát triển của xã hội, áp lực về kinh tế, mong muốn thấu hiểu bản thân khiến họ có những suy nghĩ cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định có con.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố trong báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2022 được công bố đầu tháng 4/2024, thu nhập bình quân đầu người/tháng khoảng 4,67 triệu đồng. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê vào năm 2020, cho thấy số tiền các gia đình chi trả cho giáo dục của một học sinh rơi vào khoảng 7 triệu đồng ở nông thôn và hơn 10 triệu đồng tại các thành phố. Điều này cho thấy, để bảo đảm cho trẻ em được đi học đầy đủ, phụ huynh cần rất nỗ lực, cố gắng.

Hương Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-tre-luoi-sinh-con-post521491.html