Người trẻ mắc ung thư: Khó trị và thường gặp tác dụng phụ
Người ở tuổi vị thành niên và thành niên thường đối mặt nhiều thách thức trong việc điều trị ung thư. Họ dễ mắc bệnh tâm lý khi bỏ lỡ nhiều sự kiện quan trọng trong đời.
Theo tổ chức tình nguyện Cộng đồng Ung thư Mỹ, đối với người ở độ tuổi bắt đầu sống độc lập, việc phải phụ thuộc vào cha mẹ trong quá trình điều trị ung thư có thể khá khó khăn và phức tạp. Tác động của một số loại ung thư đến nhóm bệnh nhân trong độ tuổi này cũng khác so với trẻ em hoặc người lớn tuổi hơn.
Cộng đồng Ung thư Mỹ quy ước trẻ vị thành niên có độ tuổi từ 15 đến 19, người thành niên có độ tuổi từ 20 đến 39. Tại Mỹ, khoảng 5.000 trẻ vị thành niên và hơn 60.000 người thành niên mắc bệnh ung thư mỗi năm.
Một số loại ung thư mà trẻ vị thành niên có thể mắc phải là: Ung thư máu, ung thư tuyến giáp, khối u trong não và tủy sống, ung thư xương, ung thư buồng trứng,... Trong khi đó, người thành niên thường gặp các loại ung thư như: Ung thư vú, u ác tính trên da, ung thư cổ tử cung, ung thư tinh hoàn, ung thư trực tràng,...
Việc chống chọi với bệnh tật khiến người trẻ đối mặt nhiều gián đoạn trong các sự kiện quan trọng như việc học hành, các hoạt động xã hội, bạn bè, các mối quan hệ yêu đương hoặc công việc.
Các bệnh nhân trong độ tuổi này có thể được chữa trị tại bệnh viện dành cho trẻ em hoặc người lớn, tùy vào độ tuổi và loại ung thư họ mắc phải.
Ung thư ở người trẻ có thể khó chữa trị hơn
Khi trẻ vị thành niên và người thành niên phát hiện mắc ung thư, bệnh thường ở giai đoạn nghiêm trọng.
Nguyên nhân là vì hầu hết người trẻ đều có sức khỏe tốt, họ thường không gặp bác sĩ trừ trường hợp bắt buộc. Đây cũng là độ tuổi bận bịu nhiều công việc, có nhiều mối quan hệ xã hội nên không quan tâm đúng cách đến sức khỏe.
Dù vậy, trong những trường hợp có đi khám, ung thư thường không được chẩn đoán là nguyên nhân gây các vấn đề như đau nhức hoặc mệt mỏi ở người trẻ, vì nhiều chứng bệnh khác có thể gây ra các dấu hiệu này.
Theo bác sĩ Abby R. Rosenberg thuộc bệnh viện Nhi khoa Seattle, không nhiều người ở độ tuổi thành niên và vị thành niên sở hữu bảo hiểm y tế. Họ thường tìm kiếm các giải pháp y khoa sau khi tế bào ung thư đã di căn và trong trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, họ cũng không thường xuyên tái khám.
Bác sĩ Rosenberg cho biết một phần nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là vì chế độ bảo hiểm tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác chưa được tối ưu hóa, và vì "vốn dĩ người trẻ là thế".
Trẻ vị thành niên và người thành niên cũng thường ít tham gia các cuộc thử nghiệm lâm sàng, điều mà bà Rosenberg cho là cần thiết để cải thiện việc chữa trị ung thư cho người ở độ tuổi này. Tuy nhiên, bác sĩ Rosenberg cho biết một số thử nghiệm lâm sàng ở trẻ em đã mở rộng đến độ tuổi lớn hơn.
Người trẻ mắc ung thư đối mặt nhiều tác dụng lâu dài
Bệnh ung thư xảy đến làm gián đoạn cuộc sống của người trẻ ở một số giai đoạn quan trọng trong đời.
"Tương lai của những bệnh nhân trẻ tuổi đang được định hình bằng nhiều sự kiện trọng đại như cuộc tìm kiếm bản ngã, việc phải tách khỏi cha mẹ, khám phá bản thân muốn trở thành ai trong tương lai, vật lộn với hình ảnh của bản thân, những câu hỏi về sự tồn tại. Những điều này vốn đã rất khó khăn. Đột ngột, họ phải đối mặt thêm sự chông chênh khi căn bệnh quái ác ập đến", bác sĩ Rosenberg nói.
Vì vậy, bà Rosenberg cho rằng người mắc ung thư trong độ tuổi 15-39 dễ gặp thêm nhiều vấn đề về tâm lý. Họ khó vào đại học, khó lập gia đình hơn bạn bè cũng trang lứa. Nếu họ có công việc, họ thường được trả ít tiền hơn.
Theo bà Rosenberg, các chuyên gia chỉ vừa bắt đầu tìm hiểu các tác động mà bệnh ung thư có thể gây ra cho người trẻ và những ảnh hưởng về lâu dài họ có thể phải đối mặt.
Dựa trên từng loại ung thư cụ thể, cách điều trị, liều lượng thuốc và độ tuổi trị bệnh, một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến thể chất người bệnh về lâu dài có thể xảy ra. Nhiều trường hợp chỉ xuất hiện những tác dụng phụ này vài tháng hoặc vài năm sau khi trị khỏi bệnh.
Việc thảo luận với các bác sĩ về những ảnh hưởng không mong muốn và cách phòng tránh chúng là vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân đang chữa trị ung thư, đặc biệt là người trẻ.
Họ có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Suy giảm khả năng sinh sản ở cả nam và nữ giới; Tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư khác trong tương lai; Gặp một số bệnh về tim và phổi (do ác dụng của thuốc hóa trị hoặc xạ trị); Gặp các vấn đề về thị lực và thính lực cũng như vấn đề về các cơ quan khác như xương hoặc thận; Đau nhức hoặc sưng tấy một số bộ phận; Rối loạn hoocmon.
Vì nguy cơ đối mặt những tác dụng phụ trên, người trẻ cần tuân thủ kế hoạch theo dõi sức khỏe và tái khám sau khi đã điều trị khỏi bệnh.
Để tăng nhận thức về tác dụng phụ và giúp người sống sót sau khi điều trị ung thư theo dõi sức khỏe định kỳ đến hết đời, Nhóm Ung bướu Trẻ em (COG) đã phát triển một kế hoạch dài hạn hướng đến các bệnh nhân trong độ tuổi trẻ em, vị thành niên và thành niên.
Trong đó, tổ chức trên đưa ra các dấu hiệu và triệu chứng cần cảnh giác, loại xét nghiệm nào cần được thực hiện thường xuyên và cách điều trị một số tác dụng phụ.
Dù hướng dẫn này được viết cho các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, bệnh nhân và gia đình cũng nên trang bị vốn hiểu biết và thường xuyên tham khảo ý kiến bác sĩ về những điều cần lưu ý, theo bà Rosenberg.
"Hãy chữa trị ở một bệnh viện nhi khoa"
Tùy theo từng loại ung thư, bệnh nhân trẻ tuổi có thể chọn điều trị ở bệnh viện nhi khoa hoặc bệnh viện cho người lớn. Một số bệnh viện nhi ở Mỹ tiếp nhận bệnh nhân đến 21, 25, hoặc 29 tuổi.
Theo bà Rosenberg, các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho trẻ em thường có nhiều bác sĩ dày dạn kinh nghiệm chữa trị các loại ung thư thường gặp ở trẻ em, như một số loại ung thư máu, ung thư hạch, khối u trong não, và ung thư xương. Nhân viên y tế ở đây cũng được trang bị để phục vụ nhu cầu của người trẻ.
Các cơ sở này thường có giáo viên, bác sĩ tâm lý trẻ em, nhân viên trị liệu bằng nghệ thuật và âm nhạc. Bệnh viện nhi khoa cũng thường chú tâm đến yếu tố gia đình trong việc đưa ra quyết định điều trị, điều phù hợp với nhiều bệnh nhân trẻ tuổi còn phụ thuộc vào cha mẹ về tài chính, về tinh thần hoặc cả hai.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân lớn tuổi đã có công việc hoặc gia đình riêng có thể phải di chuyển khá xa để đến một bệnh viện nhi và thường chọn trung tâm chữa trị gần nhà.
Giao tiếp với gia đình là yếu tố quan trọng
Theo bác sĩ Rosenberg, vai trò của gia đình và việc chia sẻ các quyết định quan trọng của cuộc đời là yếu tố khá đặc biệt đối với bệnh nhân trẻ tuổi.
Trẻ vị thành niên cần dựa vào cha mẹ trong việc đưa ra các quyết định phức tạp. Trong khi đó, người ở độ tuổi 20-30, kể cả khi không còn sống cùng cha mẹ, vẫn thường hỏi ý kiến gia đình khi đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng, ví dụ như việc mắc bệnh ung thư.
Bác sĩ Rosenberg cho rằng bệnh nhân còn liên quan đến gia đình khó có thể tự đưa ra hướng giải quyết tình trạng bệnh. Theo kinh nghiệm của bản thân, Rosenberg cho biết bà thường đưa ra một số nguyên tắc cơ bản cho các bệnh nhân, gồm việc cho phép họ thỉnh thoảng được trò chuyện riêng tư với gia đình trong quá trình điều trị.
Bà cho rằng người trẻ cần được bảo đảm rằng họ đóng vai trò trong việc đưa ra quyết định chữa bệnh, họ được ủng hộ, và họ được cùng người thân đồng hành trong quá trình vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời, được gia đình yêu thương và bảo vệ.